Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (29)

(Tiếp theo của "Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (28)")



Tạo cạc mạng ảo



Sau khi đã tạo ra các switch ảo, bạn sẽ tạo các cạc mạng ảo để kết nối máy ảo tới switch.

Mặc định, khi tạo một máy ảo mới, máy ảo đó sẽ có sẵn một cạc mạng ảo. Trong New Virtual Machine Wizard, tại trang Configure Networking sẽ cho phép bạn lựa chọn một switch ảo để kết nối.

Thông thường, khi cài Hyper-V, hệ thống đã tạo sẵn một switch ảo kiểu external. Vì vậy, bạn chỉ việc kết nối máy ảo tới switch này, là máy ảo đã có thể giao tiếp với các thiết bị trên hệ thống mạng thật.

Các bước để tạo mới một cạc mạng ảo:

  1. Mở Server Manager, chọn mục Tools tại trình đơn, chọn mục Hyper-V Manager để mở cửa sổ Hyper-V Manager.
  2. Ở khung bên trái, chọn Hyper-V server mà bạn quan tâm.
  3. Chọn một máy ảo trong danh sách Virtual Machines, trong khung Actions, chọn Settings để mở cửa sổ Settings cho máy ảo đã chọn.
  4. Trong danh sách Add Hardware, chọn Network Adapter và bấm Add. Cạc mạng mới sẽ xuất hiện trong danh sách Hardware. Xem hình minh họa.
 


  1. Trong danh sách Virtual Switch, lựa chọn switch mà bạn muốn kết nối.
  2. Nếu máy thật đang được kết nối tới VLAN, bạn có thể đánh dấu chọn vào mục Enable Virtual LAN Identification và nhập vào tên của VLAN mà máy thật đang kết nối tới.
  3. Để kiểm soát băng thông của cạc mạng, đánh dấu chọn vào mục Enable Bandwidth Management, nhập giá trị băng thông tối thiểu (Minimum Bandwidth) và băng thông tối đa (Maximum Bandwidth)
  4. Bấm OK để lưu các cấu hình vừa thực hiện vào tập tin cấu hình của máy ảo.


Bạn có thể tạo 12 cạc mạng trong Hyper-V Windows Server 2012 R2: trong đó, 8 cạc mạng kiểu synthetic và 4 cạc mạng kiểu emulated.

 

Cạc mạng kiểu synthetic và emulated


Hyper-V hỗ trợ hai loại cạc mạng là synthetic và emulated (còn có tên khác là legacy).

Cạc mạng kiểu synthetic là một thiết bị ảo hoàn toàn, nó không mô phỏng lại cạc mạng thật. Các cạc mạng này hoạt động trên các partition con (child partition), giúp các partition con giao tiếp với partition cha (parent partition), sử dụng đường truyền tốc độ cao có tên là VMBus.

Switch ảo mà bạn tạo trong Hyper-V sẽ được đặt trong partition cha. Switch ảo là một phần của VSP (Virtualization Service Provider). Cạc mạng kiểu synthetic được đặt trong partition con, được gọi là VSC (Virtualization Service Client). Cả VSP và VSC đều được kết nối tới VMBus. VSC muốn truy cập tới cạc mạng của máy thật thì nó phải nhờ tới thành phần trung gian là VSP. Xem hình minh họa. (lưu ý: trong tài liệu gốc hình vẽ bị lỗi, gồm hai VSC).



Vì cạc mạng kiểu synthetic truy cập phần cứng thông qua VMBus nên hiệu suất hoạt động của nó cao hơn rất nhiều so với cạc mạng kiểu emulated. Cạc mạng kiểu synthetic là một phần trong gói Guest Integration Services của hệ điều hành máy ảo. Hạn chế chính của cạc mạng kiểu synthetic là nó chỉ hoạt động khi hệ điều hành trên máy ảo đã được nạp.

Cạc mạng kiểu emulated (còn được gọi là cạc mạng kiểu legacy), đây là cạc mạng ảo, nó giả lập hoạt động của một cạc mạng chuẩn. Để giao tiếp với partition cha, cạc mạng kiểu emulated sẽ sử dụng hypervisor làm môi trường trung gian. Phương pháp giao tiếp này làm cho tốc độ bị chậm hơn so với cạc mạng kiểu synthetic. Xem hình minh họa.



Để cài đặt cạc mạng kiểu emulated, các bước thực hiện như đã trình bày ở phía trên, ngoại trừ việc lựa chọn mục Legacy Network Adapter từ danh sách Add Hardware.

Khác với cạc mạng kiểu synthetic, cạc mạng kiểu emulated sẽ được nạp vào máy ảo trước hệ điều hành. Vì vậy, nó cho phép máy ảo sử dụng kĩ thuật khởi động PXE (Preboot eXecution Environment) và cài đặt hệ điều hành qua mạng.

Nếu hệ điều hành trên máy ảo không có gói Guest Integration Services, thì bạn phải sử dụng cạc mạng kiểu emulated.

 

Cấu hình tăng tốc cho phần cứng


Để tăng hiệu suất hoạt động của hệ thống, một số cạc mạng thật đã được thiết kế để xử lý một số công việc của vi xử lý. Hyper-V cũng hỗ trợ một số chức năng này, miễn là cạc mạng thật trên server có hỗ trợ.

Với mỗi máy ảo, khi mở các mục con của cạc mạng trong hộp Settings, bạn sẽ thấy trang Hardware Acceleration. Tại trang này, bạn có thể thực hiện các thiết lập sau:
­ 
- Enable Virtual Machine Queue: Virtual machine queue (VMQ) là kĩ thuật lưu các gói tin gửi đến cho máy ảo trong một hàng đợi trên cạc mạng thật, sau đó hệ thống sẽ gửi trực tiếp cho máy ảo mà không nhất thiết phải truyền qua switch ảo.

- Enable IPsec Task Offloading: cho phép cạc mạng thực hiện một số chức năng mã hóa của IPsec. Bạn cũng có thể chỉ định số lượng giao tiếp IPsec tối đa của mỗi cạc mạng (từ 1 tới 4096) (còn được gọi là số SA: Security Association).

- Single-Root I/O Virtualization: cho phép cạc mạng ảo khai thác khả năng SR-IOV của cạc mạng thật.

 

Một số cấu hình cạc mạng nâng cao


Trang Advanced Features cho phép bạn thực hiện một số cấu hình nâng cao mà cạc mạng có hỗ trợ. Cụ thể gồm:

­- Cấu hình địa chỉ MAC tĩnh (Static MAC): mặc định, cạc mạng ảo sẽ nhận địa chỉ MAC từ Hyper-V server. Tuy nhiên, bạn có thể gán địa chỉ MAC cho cạc mạng trong mục này, miễn là địa chỉ MAC không được trùng với các cạc mạng khác (ảo và thật) trong cùng mạng.

- Enable MAC Address Spoofing: chức năng này cho phép máy ảo sử dụng địa chỉ MAC bất kì để giao tiếp mạng.

- Enable DHCP Guard: ngăn chặn cạc mạng xử lý các gói tin nhận được từ DHCP server giả mạo.
­       Port Mirroring Mode: cho phép cạc mạng chuyển tiếp tất cả các gói tin nhận được tới một cạc mạng khác, để thực hiện phân tích bằng một ứng dụng nào đó, ví dụ: Network Monitor.

- NIC Teaming: cho phép cạc mạng này tham gia vào một NIC team.

 

Cấu hình gộp cạc mạng (NIC teaming) cho mạng ảo


Như đã trình bày trong mục 1.2, gộp cạc mạng là một chức năng của Windows Server 2012 R2, nó cho phép chúng ta gộp nhiều cạc mạng lại để tăng hiệu xuất truyền dữ liệu và tăng khả năng chịu lỗi. Các máy ảo trong Hyper-V cũng có thể sử dụng cạc mạng gộp (NIC team). Tuy nhiên, nó chỉ sử dụng được các NIC team có 2 cạc mạng, trong khi ở máy thật cho phép NIC team có tới 64 cạc mạng.

Để gộp cạc mạng trong Hyper-V, bạn phải thực hiện ba việc sau:

  1. Tạo NIC team trong hệ điều hành máy chủ đang chạy Windows Server 2012 R2.
  2. Trong Hyper-V Manager, tạo một switch ảo kiểu external để sử dụng NIC team.
  3. Cấu hình cạc mạng trong máy ảo để kết nối tới switch ảo đã tạo ở bước 2.

 

Tạo NIC team


Các NIC team phải được tạo từ các cạc mạng vật lý, vì vậy, trước khi bạn có thể sử dụng NIC team trong máy ảo, bạn phải tạo nó trong hệ điều hành máy chủ. Máy chủ phải có ít nhất hai cạc mạng.
Sử dụng Server Manager để tạo NIC team (có thể xem lại mục 1.2 Cấu hình server). Các thiết lập liên quan đến NIC team được minh họa trong hình sau.



Khi tạo NIC team, hệ thống sẽ thực hiện cài đặt Microsoft Network Adapter Multiplexer Driver, đây chính là thành phần giao tiếp mạng đại diện cho NIC team vừa tạo.

------------------------ 
Tham khảo (Lược dịch):
Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
--------------------------- 
Cập nhật 2014/12/17
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (30)