Mạng máy tính - 3

Tiếp theo của Mạng máy tính  -  2
--------
Để kết nối vào hệ thống mạng, cũng cần sử dụng một modem, tuy nhiên đây là modem dùng cho mạng cable, nên gọi là cable modem. Một đầu của cable modem nối tới máy tính bằng cổng Ethernet, đầu còn lại nối tới CMTS (cable modem termination system – điểm đấu nối). Chức năng của CMTS cũng tương tự như DSLAM trong mạng DSL.


Cable modem chia mạng HFC thành hai đường (kênh) riêng, một đường gửi dữ liệu lên (upstream) và một đường lấy dữ liệu xuống (downstream). Tốc độ hai đường này cũng không bằng nhau, theo chuẩn DOCSIS 2.0, tốc độ đường xuống là 42.8 Mbps, đường lên là 30.7 Mbps. Tuy nhiên, tốc độ trong thực tế sẽ thấp hơn, tùy gói cước, và tùy vào sự suy yếu của đường truyền.

Một đặc điểm đáng chú ý của mạng cable là đường truyền từ modem tới CMTS là một hệ thống quảng bá (shared broadcast medium), nghĩa là tất cả các đường kết nối trong cùng đoạn mạng (network segment) sẽ tạo thành một miền quảng bá. Các hộ sẽ cùng nhau chia sẻ đường truyền (cả đường truyền lên và đường truyền xuống), khi gói tin được gửi đi từ CMTS, nó sẽ gửi tới tất cả các hộ gia đình, ngược lại mọi gói tin gửi lên CMTS từ các hộ gia đình, đều được gửi tới đường upstream chung. Như vậy, nếu cùng lúc có nhiều người tải phim về, thì mạng sẽ rất chậm, ngược lại nếu ít người dùng và họ chỉ duyệt web chẳng hạn, thì mạng sẽ rất nhanh. Vì đường truyền lên là mạng chia sẻ, nên hệ thống mạng cần có cơ chế để điều phối đường truyền lên và giải quyết xung đột.

Một phương pháp kết nối Internet thứ ba, cũng khá phổ biến là mạng cáp quang (FTTH – fiber to the home). Đúng như tên gọi của nó (kéo cáp quang tới nhà), hệ thống mạng này sử dụng đường cáp quang để nối từ nhà cung cấp tới từng hộ gia đình.

Có hai cách để kết nối từ trung tâm mạng tới từng hộ gia đình. Một là, mỗi hộ gia đình sẽ có một đường cáp quang riêng, nối trực tiếp tới trung tâm mạng, cách này ít sử dụng. Hai là, nhà cung cấp sẽ nối một đường cáp quang từ trung tâm tới bộ chia (optical splitter) gần với khu dân cư, đường cáp này sẽ dùng chung cho một số hộ. Sau đó từ bộ chia, mỗi hộ sẽ có đường cáp quang riêng, cách này được dùng nhiều.

Tại bộ chia, để chia mạng cho từng hộ, có hai kiến trúc được sử dụng là AON (active optical network) và PON (passive optical network). AON về bản chất là một Ethernet chuyển mạch. (sẽ trình bày sau).

Phần này sẽ trình bày tóm tắt về kiến trúc PON. Xem Hình 7. 




Theo kiến trúc PON, mỗi hộ sẽ có một bộ kết nối quang (ONT: optical network terminator). ONT được nối tới bộ chia bằng cáp quang. Mỗi bộ chia cho phép tối đa 100 kết nối. Bộ chia được nối tới trạm đấu nối (OLT – optical line terminator) của nhà cung cấp dịch vụ. Trạm đấu nối có nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu từ quang sang tín hiệu điện và ngược lại, kết nối tới Internet thông qua router. Tại hộ gia đình, ONT sẽ được nối tới router (thường là wireless router), các máy tính sẽ kết nối tới router để vào mạng Internet. Tất cả các gói tin từ OLT tới bộ chia đều được nhân bản (replicate) tại bộ chia.
Tốc độ trung bình của mạng FTTH là 20 Mbps (năm 2011), trong khi mạng cable là 13 Mbps và mạng DSL là dưới 5 Mbps.

Ngoài ba công nghệ kết nối Internet đã trình bày, các hộ gia đình cũng có thể kết nối Internet bằng kết nối vệ tinh (satellite) với tốc độ khoảng 1 Mbps. Hoặc kết nối mạng bằng công nghệ quay số (dial-up), đây là công nghệ đã cũ, sử dụng hạ tầng mạng điện thoại, tốc độ khoảng 56 kbps.

Mạng doanh nghiệp


Trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, hoặc trong các hộ gia đình, nói chung là những nơi có nhiều thiết bị cần kết nối vào hệ thống Internet (gọi chung là doanh nghiệp), người ta sử dụng công nghệ mạng cục bộ (LAN-local network area) để kết nối các thiết bị cuối tới router biên. Có nhiều công nghệ LAN khác nhau, tuy nhiên hiện nay, công nghệ Ethernet đang được sử dụng nhiều nhất. Xem minh họa trong Hình 8.




Như trong Hình 8, thiết bị cuối sẽ kết nối tới Ethernet switch bằng cáp xoắn đôi (twisted-pair copper). Tốc độ truyền trong mạng Ethernet có thể là 100 Mbps, 1 Gbps hoặc 10 Gbps. Sau đó Ethernet switch sẽ được kết nối vào đường Internet của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người đang kết nối tới Internet bằng công nghệ LAN không dây (WLAN - wireless LAN) thông qua máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác.

Với công nghệ WLAN, người dùng sẽ kết nối các thiết bị của họ tới điểm truy cập (access point hoặc wireless router) bằng công nghệ mạng không dây. Sau đó, điểm truy cập sẽ được kết nối vào đường truyền Internet của doanh nghiệp (giống như trong mạng Ethernet). Thông thường, bán kính phủ sóng của một điểm truy cập là khoảng vài chục mét, như vậy để có thể truy cập, thiết bị của người dùng phải nằm trong vùng bán kính này. WLAN hoạt động dựa trên công nghệ IEEE 802.11, công nghệ này còn có tên gọi quen thuộc hơn là WiFi. Mạng WiFi hiện nay đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi như các trường học, văn phòng, quán cà phê, sân bay, trong các hộ gia đình, trên máy bay, xe khách. Tại nhiều thành phố, ở một ví trí bất kì, một thiết bị không dây có thể nhận được tín hiệu sóng không dây từ hàng chục thiết bị phát sóng ở xung quanh. Tốc độ truyền dữ liệu trong WLAN từ khoảng 54 Mbps trở lên.


Mặc dù ban đầu mạng Ethernet và WiFi được phát triển để dùng trong các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nó cũng đang được sử dụng phổ biến trong các hộ gia đình. Như minh họa trong Hình 9, mỗi gia đình sẽ có một đường kết nối Internet (DSL, FTTH, hoặc cable modem), sau đó chia sẻ kết nối Internet này cho các thiết bị trong gia đình bằng kết nối có dây và không dây.




Trong mạng gia đình, các thiết bị kết nối không dây sẽ kết nối tới điểm truy cập (access point, wireless router), các thiết bị kết nối có dây sẽ kết nối tới switch, sau đó switch và điểm truy cập được kết nối tới modem. Thông thường, các modem hiện nay đã được tích hợp sẵn ba chức năng trong một, vừa là modem, vừa là switch và vừa là wireless router.

Truy cập không dây diện rộng (mạng di động): 3G và LTE


Ngày càng có nhiều người sử dụng các thiết bị iPhone, BlackBerry và Android để gửi email, lướt web, giám sát bán hàng, quản lý công việc trong quá trình di chuyển. Các thiết bị này sử dụng hạ tầng của mạng di động (cellular telephony) để gửi và nhận các gói tin. Nếu như trong mạng WiFi, thiết bị của người dùng phải nằm trong bán kính vài chục mét, thì trong mạng di động, thiết bị người dùng có thể hoạt động trong bán kính khoảng vài chục kilomet so với trạm phát (base station).


Các công ty viễn thông đã đầu tư rất nhiều để phát triển mạng điện thoại di động 3G (third-generation – thế hệ 3). Mạng 3G cho phép người sử dụng có thể truy cập Internet dựa trên công nghệ chuyển mạch gói (packet-switched) với tốc độ lớn hơn 1 Mbps. Thậm chí với mạng di động thế hệ thứ tư (4G) đang được triển khai thì tốc độ còn cao hơn nữa, khoảng trên 14 Mbps. LTE (long-term evolution: tiến hóa dài hạn) là công nghệ mạng di động chuyển tiếp giữa mạng 3G và 4G.

1.2.2    Đường truyền vật lý


Ở phần trên đã trình bày một số công nghệ được sử dụng để kết nối tới mạng Internet. Trong mỗi công nghệ cũng đã đề cập tới các loại đường truyền được sử dụng. Ví dụ, mạng HFC sử dụng kết hợp hai loại cáp là cáp quang (fiber cable) và cáp đồng trục (coaxial cable); mạng DSL và Ethernet sử dụng cáp xoắn đôi; mạng di động sử dụng phổ sóng vô tuyến (radio spectrum). Phần này sẽ trình bày tổng quan về các loại đường truyền đó và một số đường truyền phổ biến khác trong mạng Internet.

Ở đây cần phân biệt một chút giữa đường truyền (physical media) và môi trường truyền (physical medium). Đường truyền dùng để chỉ đối tượng vật lý được sử dụng để truyền thông tin, ví dụ cáp đồng, cáp quang. Môi trường truyền là bản chất và không gian truyền tin bên trong của đường truyền, ví dụ; môi trường chất rắn, môi trường chất khí.Trong một số trường hợp cũng có thể hiểu medium là một đường truyền cụ thể, còn media là các đường truyền nói chung, media là số nhiều của medium.

Để hiểu rõ hơn về các loại đường truyền, hãy xem xét vòng đời của một bit, tính từ lúc nó được sinh ra tại một thiết bị cuối, được truyền qua hàng loạt các kết nối, các router, trước khi đến được thiết bị đích. Trong vòng đời của nó, một bit sau khi được được sinh ra tại thiết bị cuối, sẽ được tái sinh và được truyền đi rất nhiều lần. Ví dụ, nó được sinh ra tại máy tính, sau đó được truyền trên đường cáp xoắn đôi, sau đó được tái sinh tại switch, sau đó được truyền trên cáp xoắn đôi, sau đó được tái sinh tại modem ADSL, sau đó được truyền trên cáp điện thoại…v.v. Như vậy, để đi từ thiết bị nguồn tới thiết bị đích, một bit sẽ phải đi qua rất nhiều chặng, mỗi chặng là một cặp gồm bộ phát và bộ nhận (transmitter-receiver).

Tại mỗi chặng, một bit sẽ được truyền đi dưới dạng sóng điện từ (electromagnetic wave) hoặc xung quang (optical pulse) thông qua môi trường truyền. Mỗi loại môi trường truyền có đặc điểm và tính chất khác nhau. Trên hành trình từ thiết bị nguồn tới thiết bị đích, một bit có thể đi qua rất nhiều chặng và môi trường truyền của các chặng không nhất thiết phải giống nhau.

Các đường truyền phổ biến gồm: cáp xoắn đôi, cáp đồng trục, cáp quang, phổ sóng vô tuyến mặt đất (terrestrial radio spectrum), phổ sóng vô tuyến vệ tinh (satellite radio spectrum). Các đường truyền được chia thành hai loại: đường truyền hữu tuyến (guided media) và đường truyền vô tuyến (unguided media). Với đường truyền hữu tuyến, sóng được truyền đi trên môi trường chất rắn, ví dụ: cáp quang, cáp xoắn đôi, cáp đồng trục. Với đường truyền vô tuyến, sóng được lan truyền trong khí quyển và ngoài không gian, ví dụ: kênh truyền của WLAN, kênh truyền của vệ tinh số.


Trong một hệ thống mạng, giá thành của các loại đường truyền (cáp đồng trục, cáp xoắn đôi, cáp quang) thường rất rẻ so với các thành phần khác. Đôi khi, chi phí để lắp đặt cáp còn cao hơn cả giá thành của đoạn cáp cần lắp đặt. Vì lý do này, khi xây dựng các tòa nhà, người ta thường lắp đặt luôn các loại cáp này đến từng phòng, ngay cả khi người dùng chỉ sử dụng một trong các loại đó. Đây là một cách làm tiết kiệm vì không cần phải lắp đặt bổ sung sau này (rất bất tiện) khi người dùng có nhu cầu sử dụng.
 -------------

lược dịch
James F. Kurose, Keith W. Ross, Computer Networking – A Top-Down Approach, Pearson, 2013
------------
Cập nhật 2016/5/20
------------