Vì chưa bao giờ đặt chân đến vùng đất này, nên khi có dịp đi
về Cát Tiên, trong lòng bỗng thấy háo hức.
Ấn tượng có được về Cát Tiên chỉ là cái nóng, hay lụt lội về
mùa mưa, một huyện vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, có rừng quốc gia Cát Tiên và có
khu khảo cổ gì đó.
Tám giờ sáng, sau khi chuẩn bị vài thứ cần thiết cho chuyến
đi, quần áo, đồ dùng cá nhân, máy ảnh cà tàng, thế là cưỡi lên con xe, Đà Lạt
thẳng tiến về Cát Tiên.
Dọc đèo Prenn, thấy quang cảnh núi rừng trùng điệp, bát ngát
một màu xanh, chồi non, ngọn cỏ đua nhau mọc, mới thấy giá trị của Đà Lạt chính
là đây, không khí trong lành, thiên nhiên tươi nhẹ.
Cảnh chân đèo Prenn -
ảnh Hân Vũ
Cách Đà Lạt 20 Km là làng Gà và núi Voi, thấy bà con hay gọi
là làng Gà chứ tên thật của làng này thì tôi không rõ, với lại, nó cũng chả
quan trọng. Quan trọng là tới đây để xem con gà của làng thôi. Bạn nào thích
ngắm gà lạ và chinh phục đỉnh núi Voi thì đây là điểm dừng chân lý tưởng. Các
bạn có thể đi xe bus tới đây, hoặc đi xe máy. Gửi xe máy tại nhà người dân, ghé
mấy cửa hàng tạp hóa mua ít thịt heo, thịt gà, trứng gà, mua thêm hộp diêm, con
dao chặt củi, nước uống, thế là cả đoàn có thể chinh phục được đỉnh núi Voi và
sống sót trở về mà không bị đói, bị khát. Chỉ tội hơi mỏi chân. Nhớ đi giầy
mềm, tốt nhất là giầy ba ta.
Núi Voi – Đức Trọng –
Lâm Đồng - ảnh Hân Vũ
Cách Đà Lạt khoảng 45 km là thác Pongour, thuộc địa phận
huyện Đức Trọng, cái thác này hoang sơ và hoành tráng hơn mấy cái thác ở Đà Lạt
nhiều, thác ở Đà Lạt chỉ đẹp trong thơ ca, nhạc họa hoặc trong những kỉ niệm
riêng của mỗi người thôi.
Đi xe máy với tốc độ 40 km/giờ, cộng với dừng lại tám chuyện
hơi nhiều, nên mới đi được 70 km, tới chợ Gia Hiệp – Đức Trọng, đã là 11.30
trưa, đói quá, ghé chợ chuẩn bị cho bữa trưa. Đi chợ cho bữa trưa hết 29.000
đồng. Gồm 20.000 giò lụa, 6.000 bánh mì, và 3.000 chuối. Tấp vào hàng cây bên
đường, ngồi, nằm, nghiêng ngả ăn trưa, ngắm trời ngắm đất. Bỗng thấy nhớ ông bố
quá, hai bố con hồi trước hay đi làm rẫy với nhau, buổi trưa cũng trải áo đi
mưa dưới gốc cây ngủ ngon lành, lâu lâu bị bọn kiến, ruồi, muỗi quậy phá, ngủ
mất ngon. Nhưng được cái ung dung, tự tại. Lại nhớ tới chuyện hồi xưa của nhà
văn Nguyên Hồng, một hôm ông đạp xe từ Hà Nội về Bắc Giang, trên đường về, mệt,
nằm ngủ bên đường, do ông dựng xe ngược chiều, tới hồi tỉnh dậy, trời tối, vội
vàng cắm cổ đạp xe, đạp một hồi, lại thấy cầu Long Biên, đến khổ!
Ăn và nghỉ trưa tại
khách sạn Thiên nhiên - ảnh Hân Vũ
Đi thêm 30 km nữa sẽ gặp trạm nghỉ chân của công ty trà Tâm
Châu, các bạn có thể ghé chỗ này để rửa mặt, uống trà miễn phí, mua gì đó làm
quà.
Trạm nghỉ chân Tâm
Châu - ảnh Hân Vũ
Cách Đà Lạt 110 Km là ngã ba Lộc Sơn, bạn nào muốn vào xem “từ
xa” nhà máy Bô xít thì rẽ phải. Nhà máy cách ngã ba khoảng 20 km, đường đi đẹp,
ít dốc, hai bên là vườn chè bát ngát. Tới, sẽ thấy nhà máy như một con quái vật
khổng lồ giữa nương chè và rừng cây.
Đoạn đường tại Di Linh đang sửa một số đoạn ngắn, nên đi hơi
khó thôi, còn lại đường đi rất tốt, an toàn. Đang ngồi nghỉ ở giữa đèo Bảo Lộc,
ngó ngó nghiêng nghiêng bỗng thấy dòng chữ “mì gói”, chả là mấy bữa nay thấy
trên báo Tuổi Trẻ bàn tán về mì gói, ăn hay không ăn? Nhưng mà thấy cái gì tồn
tại cũng có cái lý của nó, vấn để là làm sao để đảm bảo sức khỏe cho người ăn, hài hòa, cân đối giữa cái lợi
và hại. Cũng giống như ăn cà (sống, muối xổi) vậy thôi. Một quả cà (sống) bằng ba thang thuốc. Độc đấy mà vẫn ăn đấy thôi.
Đơn giản là mì gói -
ảnh Hân Vũ
Nói về trạm dừng chân, trên đường đi có gặp lại trạm dừng
chân của nhà xe Phương Trang, dưới chân đèo Bảo Lộc. Tới đây, trong tôi bỗng có
cảm xúc bùi ngùi, nơi gợi lại trong tôi những chuyến đi Sài gòn, đi miền Tây,
những ngày trở về Đà Lạt: đêm hôm, mệt, đói, những khuôn mặt thất thần, những
người thân, những người bạn, gặp nhau đấy rồi lại xa, mỗi người mỗi phương. Trạm dừng chân cũng vậy, đã từng là mùa xuân, rội rã tiếng cười, đã từng là mùa hè, rực cháy tuổi trẻ, đã từng là mùa thu, nhè nhẹ lướt qua và bây giờ đang là mùa đông của nó, lặng lẽ tàn phai.
Trạm dừng chân xưa -
ảnh Hân Vũ
Cách Đà Lạt 150 Km là khu du lịch Madagui, khu này cây cối
nhiều, mát mẻ, tôi chưa vào trong lần nào. Dừng lại bên ngoài, nghỉ ngơi, ngó
nghiêng một lúc rồi đi.
“Bọ cánh cứng –
Madagui”? - ảnh Hân Vũ
Từ khu du lịch Madagui, đi thêm 7km nữa là đến ngã ba
Madagui, bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đi huyện Cát Tiên, còn 41 km nữa là đến.
Bảng chỉ dẫn đi Cát Tiên
Đường đi Cát Tiên khá đẹp, có đi qua huyện Đạ Tẻh, hai bên
đường là lúa, rừng keo, mía.
Lúa Cát Tiên - ảnh
Hân Vũ
Thấy các bạn trẻ đang rộn ràng với cỏ hồng, cải trắng, quỳ
vàng. Nên tôi cũng “hùa theo” với mấy bụi cỏ hồng bên đường.
Cỏ hồng Cát Tiên - ảnh
Hân Vũ
Tới khu di tích khảo cổ Cát Tiên đã là 5h chiều, nên chưa
ghé thăm được. Chạy thẳng tới thị trấn Cát Tiên, nhờ một người bạn dẫn tới nhà
nghỉ, tắm qua, rồi đi ăn tối.
Thị trấn Cát Tiên yên tĩnh, ít hàng quán, ăn tối với ly trà
đá. Ngồi ăn được năm phút, mấy em “thiêu thân” bay tới rớt đầy vào ly trà đá,
vào cơm, vào canh, thế là phải vất vả lắm mới ăn được bữa cơm chiều. Ăn cơm
xong, ghé qua hai tiệm sách, tính mua cuốn sách gì đó về đọc mà không có, họ
nói chỉ bán sách giáo khoa cho học sinh thôi, chứ không bán các sách khác.
Về lại nhà nghỉ, bật máy tính, vào mạng Internet, đọc đọc,
viết viết!
Khu di tích khảo cổ vẫn nằm lặng im, bên dòng sông Đồng Nai
như xưa nay vẫn thế, người Cát Tiên chất phát vẫn vậy, cuộc sống giờ đây có vẻ
bận rộn hơn với truyền hình cáp, điện thoại, Internet, Facebook, Zalo. Mua
sách, đọc sách có vẻ khó quá ở nơi đây.
Cát Tiên – 10/12/2015
Tác giả: Hân Vũ