Máy in gắn trực tiếp
vào mạng
Hai giải pháp thiết lập hệ thống in ấn đã trình bày ở trên
có đặc điểm chung là print device (thiết bị in ấn) đều được gắn trực tiếp vào
máy tính, sử dụng cổng USB
hoặc các loại cổng khác.
Tuy nhiên, bạn có thể kết nối trực tiếp các thiết bị in ấn vào
hệ thống mạng mà không cần phải qua một máy tính trung gian. Trên các thiết bị
in ấn hiện nay, thường có sẵn các cổng giao tiếp mạng, bạn có thể sử dụng cáp
mạng để kết nối. Nếu không có cổng giao tiếp mạng, một số thiết bị in ấn sẽ có
khe cắm mở rộng, bạn mua thêm bộ kết nối máy in vào mạng và cắm vào đây. Ngoài
ra, với các thiết bị in ấn không hỗ trợ việc kết nối trực tiếp vào hệ thống
mạng, bạn có thể gắn nó với một thiết bị trung gian và kết nối thiết bị trung
gian đó vào hệ thống mạng.
Khi gắn vào hệ thống mạng, các máy in sẽ có một địa chỉ IP
riêng và có giao diện web đơn giản để người quản trị thực hiện một số cấu hình.
Trong hệ thống in ấn này, người quản trị cần phải lựa chọn máy
tính để làm print server. Một giải pháp không được hay lắm, nhưng đơn giản là
mỗi máy tính của người dùng sẽ đóng vai trò là print server cho chính nó. Khi
đó việc nhận lệnh in, chuyển đổi lệnh in, đưa vào hàng đợi của riêng nó, kết
nối tới máy in, gửi lệnh in tới print device, tất cả đều được các máy client
làm việc một cách độc lập. Xem hình minh họa.
Hệ thống in ấn này tuy đơn giản, nhưng có khá nhiều nhược
điểm, ví dụ:
-
Khi người dùng mở hàng đợi của thiết bị in, sẽ chỉ thấy
các công việc in của chính họ.
-
Người sử dụng không thể biết được hiện tại có ai đang
sử dụng thiết bị in hay không. Có bao nhiêu tác vụ in của người khác đang được
thực hiện và khi nào công việc của họ sẽ được in xong.
-
Người quản trị mạng không thể quản lý các hàng đợi trên
thiết bị in, lý do là mỗi máy tính của người dùng có một hàng đợi in riêng.
-
Người quản trị không thể triển khai được các
tiện ích quản lý liên quan đến in ấn như printer pools, quản trị từ xa.
-
Khi máy in bị lỗi, thông điệp báo lỗi chỉ được gửi tới
máy tính đang thực hiện việc in ấn.
-
Hầu hết các công đoạn liên quan đến in ấn đều được xử
lý tại máy của người dùng, rất ít được chia tải cho các thành phần khác trong
hệ thống.
Hệ thống in ấn này chỉ thích hợp cho các mạng có quy mô nhỏ,
mạng workgroup, các hệ thống không có người chuyên lo việc quản trị hệ thống
mạng.
Chia sẻ một máy in
gắn trên mạng
Một giải pháp hay được sử dụng là: gắn trực tiếp máy in vào
hệ thống mạng, sau đó sử dụng một máy tính làm máy print server. Xem hình minh họa.
Máy print server sẽ quản lý và phục vụ nhu cầu in ấn của tất
cả người dùng trong mạng. Để thiết lập một máy tính là print server, bạn sẽ
thực hiện các bước sau:
-
Tạo ra một printer trên máy server
-
Kết nối printer với thiết bị in (print device) thông
qua cổng TCP
-
Chia sẻ printer
-
Cấu hình cho phép các máy client truy cập tới printer đã
được chia sẻ
Về mặt kết nối vật lý, hệ thống này tương tự như hệ thống
máy in gắn trực tiếp vào mạng. Nó chỉ khác ở đường đi của dữ liệu in ấn. Dữ
liệu in ấn sẽ không được chuyển trực tiếp từ các máy client tới thiết bị in, mà
nó phải được chuyển qua máy print server. Máy print server sẽ đưa các công việc
in ấn vào hàng đợi và tuần tự chuyển yêu cầu in tới thiết bị in.
Một số ưu điểm của hệ thống này:
-
Yêu cầu in ấn của tất cả người dùng được lưu trong một
hàng đợi duy nhất. Vì vậy, người dùng hoặc người quản trị có thể quan sát được
tất cả các công việc đang chờ để được in.
-
Một số tác vụ liên quan đến quá trình in đã được chuyển
sang cho máy print server, do vậy, máy client của người dùng sẽ chạy nhanh hơn.
-
Người quản trị có thể quản lý từ xa các tác vụ đang nằm
trong hàng đợi.
-
Người quản trị có thể triển khai được các tiện ích quản
lý liên quan đến in ấn như printer pools, quản trị từ xa.
-
Người quản trị có thể quản lý việc sử dụng, kế toán tài
nguyên, theo dõi, .v.v. liên quan đến in ấn.
Một số cấu hình in ấn
khác
Người quản trị có thể lựa chọn một trong bốn giải pháp thiết
lập hệ thống in ấn như đã trình bày ở phía trên. Tùy theo điều kiện và nhu cầu
sử dụng để lựa chọn giải pháp cho phù hợp. Ngoài ra, trong hệ thống in ấn còn
có một số lựa chọn khác, giúp cho hệ thống in ấn hoạt động hiệu quả hơn, ví dụ:
-
Printer pool: hệ thống này gồm một printer được gắn với
nhiều thiết bị in (print device). Thiết lập này hữu ích với các cơ quan có
nhiều người sử dụng và nhu cầu in ấn nhiều, khi nhận được yêu cầu in, máy print
server sẽ phân phát công việc in tới các thiết bị in khác nhau để chia tải,
giúp việc in được nhanh hơn. Hệ thống này cũng có khả năng chịu lỗi.
-
Bạn có thể gắn nhiều thiết bị in có kích thước giấy in,
chất liệu in khác nhau vào cùng một printer (máy in tượng trưng). Khi đó, print
server sẽ chuyển các yêu cầu in ấn tới thiết bị in thích hợp.
-
Bạn có thể nối nhiều printer tới một thiết bị in duy
nhất. Kiểu thiết lập này cho phép bạn cấu hình độ ưu tiên khi in, cấu hình bảo
mật, theo dõi máy in, .v.v cho từng người dùng, hoặc nhóm người dùng. Ví dụ,
bạn có thể tạo ra printer có độ ưu tiên cao hơn cho các sếp sử dụng, và tạo ra
printer có độ ưu tiên thấp hơn cho người dùng bình thường, mặc dù hai đối tượng
người dùng này đang sử dụng chung một thiết bị in, nhưng lệnh in của sếp
sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Chia sẻ một printer
Sử dụng Windows Server 2012 R2 để cấu hình một print server
sẽ đơn giản đối với một hệ thống mạng nhỏ, nhưng sẽ phức tạp đối với một hệ
thống mạng lớn.
Đối với các hệ thống mạng lớn, nhu cầu in ấn nhiều, thì nên
sử dụng một server chuyên dụng để thiết lập print server.
Trong Windows Server 2012 R2, với các thiết bị in
dòng cũ, để cài đặt, bạn mở Control Panel, chọn mục Devices and Printers, chọn Add
Printer Wizard. Với các thiết bị in dòng mới, thường sử dụng kết nối USB hoặc cổng
Ethernet.
Với các thiết bị in có kết nối USB,
bạn chỉ việc cắm dây nối thiết bị in vào cổng USB của máy tính, bật thiết bị in
để hệ thống tự chạy quá trình cài đặt. Bạn chỉ phải can thiệp khi Windows
Server 2012 R2 không có driver của thiết bị in.
Với các thiết bị in gắn trực tiếp vào hệ thống mạng, thiết
bị in sẽ cung cấp giao diện và địa chỉ IP, để bạn thực hiện kết nối tới thiết
bị in, thực hiện cài đặt driver, tạo printer, và thực hiện các cấu hình khác từ
máy tính.
Sau khi thực gắn và cài đặt thiết bị in trên máy Windows
Server 2012 R2, máy tính này sẽ trở thành print server, bạn có thể chia sẻ
print server này cho người dùng trong mạng. Sau đây là các bước để thực hiện chia sẻ:
1. Mở Control panel, trong mục Hardware, bấm View devices and printers để mở cửa sổ Devices and Printers.
2. Bấm chuột phải vào printer mà bạn muốn chia sẻ, chọn mục Printer Properties để mở cửa sổ Properties của printer.
3. Chọn táp Sharing.
4. Đánh dấu chọn vào mục Share this printer, nhập tên sẽ xuất hiện trên các máy người dùng trong mục Share name. Bạn có thể để tên mặc định.
5. Bạn có thể lựa chọn một hoặc cả hai tùy chọn sau:
-
Render print jobs on client computers: thực hiện một số
công đoạn liên quan đến quá trình in ấn trên máy client, do đó sẽ giảm công việc
xử lý tại máy print server.
-
List in the directory: tạo ra đối tượng printer trong
AD DS, khi đó người dùng trong AD DS có thể tìm kiếm được. Tùy chọn này chỉ
được kích hoạt khi máy tính là thành viên của AD DS.
6. Nếu bạn muốn cài đặt thêm driver cho printer thì bấm vào mục Additional Drivers, cửa sổ Additional Drivers xuất hiện, ví dụ, bạn đánh dấu chọn vào mục x86 để cài đặt thêm driver cho các hệ điều hành x86, driver này sẽ được gửi tới máy client khi họ kết nối tới máy in lần đầu tiên.
7. Sau khi chọn các driver để cài đặt thêm, bấm OK, mỗi lựa chọn cài đặt sẽ xuất hiện một cửa sổ Install print drivers.
8. Trong cửa sổ Install print drivers, bấm vào mục Browse để tìm tới vị trí chứa driver, bấm OK.
9. Bấm OK để đóng cửa sổ Additional drivers.
10. Bấm OK để đóng cửa sổ Properties. Đóng Control panel.
Bây giờ, printer đã sẵn sàng cho các client kết nối và sử
dụng.
Quản lý driver của printer
Driver của printer là phần mềm điều khiển thiết bị in, được tạo
bởi công ty sản xuất thiết bị in tương ứng. Driver giúp hệ điều hành Windows có
thể cấu hình, điều khiển và quản lý thiết bị in. Khi bạn cài driver cho printer
trên máy Windows Server 2012 R2 thì các máy Windows khác cũng có thể sử dụng
được driver này.
Tất nhiên, do Windows Server 2012 R2 đang chạy trên nền
64-bit, nên các máy tính khác muốn sử dụng chung driver, thì nó cũng phải sử dụng hệ điều hành 64-bit. Nếu
trong mạng có các máy Windows đang chạy trên nền 32-bit thì bạn phải cài đặt
thêm driver cho hệ điều hành 32-bit.
Để cài đặt thêm driver cho hệ điều hành 32-bit, thực hiện
như bước 6, phần Chia sẻ một printer. Tuy nhiên việc cài đặt phải được thực
hiện từ một hệ điều hành 32-bit. Từ máy tính đang chạy hệ điều hành 32-bit, bạn
truy cập tới máy print server bằng File Explorer, hoặc bằng snap-in Print
Management, sau đó thực hiện cài đặt driver như bình thường.
Sử dụng Easy Print
Khi một máy client kết nối từ xa tới máy server (sử dụng Remote
Desktop Services client), máy client sẽ sử dụng vi xử lý và RAM của máy server
để chạy các ứng dụng. Tuy nhiên, nếu người dùng muốn in từ các ứng dụng, thì
tác vụ in sẽ được thực hiện trên máy client.
Easy Print chính là thành phần cho phép hệ thống vận hành theo
kiểu như vậy. Nghĩa là, ứng dụng Remote Desktop tại máy client sẽ thực hiện in
như là máy client đang được kết nối trực tiếp với thiết bị in (thực tế, máy in đang được kết nối trực tiếp tới máy server). Easy Print giữ cả
hai vai trò: Printer driver và Remote Desktop Session Host role.
Remote Desktop Easy Print driver sẽ tự động xuất hiện trong
snap-in Print Management tại máy server (server phải cài sẵn role Print and Document
Services). Driver này không được gắn trực tiếp vào bất kì thiết bị in nào, nó
chỉ hoạt động giống như bộ chuyển tiếp (redirector), cho phép server có thể
truy cập tới các printer trên các máy client.
Trên Windows Server 2012 R2, để Easy Print hoạt
động, chỉ cần bật chức năng Remote Desktop hoặc cài đặt Remote Desktop Services
role.
Khi Remote Desktop client kết nối tới server bằng Remote
Desktop Connection hoặc bằng RD Web Access site, printer (máy in tượng trưng)
trên client sẽ được xuất hiện trong snap-in Print Management tại máy server
(kiểu redirected). Xem hình minh họa.
Như vậy, client đang chạy các ứng dụng trên máy server, có
thể in bằng CPU và RAM trên máy client, trong khi người quản trị vẫn có thể mở
printer trên máy client để theo dõi và quản lý.
--------------------
Tham khảo (Lược dịch):
Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
---------------------------
Cập nhật 2014/10/14
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (18)
Tham khảo (Lược dịch):
Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
---------------------------
Cập nhật 2014/10/14
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (18)