Ngu ngơ học làm web (5) - Xem mã HTML trong ứng dụng web

tiếp theo của: Ngu ngơ học làm web (4) - Hoạt động của trình duyệt
---------

Phần 5.       Xem mã HTML trong ứng dụng web


Vậy là đã có một chút hiểu biết về HTML rồi, giờ thử “xuống núi” một chuyến xem sao. Sẽ mở mã nguồn của ứng dụng openemr để xem trong đó có những gì, xem nó có giống với những gì mình đã được biết không?

Vì mã nguồn chính là các lệnh điều khiển được chứa trong các tập tin dạng văn bản, nên dùng phần mềm soạn thảo văn bản nào mở cũng được.

Tuy nhiên, trong thư mục openemr có rất nhiều tập tin và thư mục con, giờ sẽ bắt đầu từ đâu, mở tập tin nào? Tại sao lại phải băn khoăn trong việc chọn tập tin để mở? Mục đích ở đây là để biết được cái logic xử lý của một ứng dụng web? Nó bắt đầu từ đâu, dẫn tới đâu?

Thử quan sát và phân tích xem thế nào. Mở trình duyệt, nhập vào địa chỉ http://www.open-emr.org
Lưu ý, ở đây là đang mở website open-emr.org để tìm hiểu về cách truy cập và chuyển hướng trên một website, chứ chưa chạy ứng dụng openemr.

Tại giao diện của website open-emr.org, lần lượt bấm vào các tab: Features, Demo, rồi quan sát sự thay đổi trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Nếu bấm chuột phải vào các tab đó, chọn Copy link address, rồi đem dán vào một cửa sổ soạn thảo văn bản nào đó sẽ thấy các địa chỉ tương ứng như sau:

Ban đầu địa chỉ sẽ là http://www.open-emr.org

Tab Features > có địa chỉ là http://www.open-emr.org/wiki/index.php/OpenEMR_Features

Tab Demo > có địa chỉ là http://www.open-emr.org/wiki/index.php/OpenEMR_Demo

Như đã biết để truy cập một trang web, website hay ứng dụng web, người dùng phải nhập địa chỉ của nó vào trình duyệt.

Địa chỉ có dạng tổng quát là:

Scheme://domain:port/path?query_string#fragment_id

Trong ví dụ đang xem xét thì: giao thức để giao tiếp giữa trình duyệt và web server là “http”, địa chỉ của website là “open-emr.org”, thư mục gốc là “/”, thư mục con là “wiki”, tập tin được chỉ định để hiển thị là “index.php”.

Như vậy nội dung của đường dẫn trên thanh địa chỉ sẽ được web server tiếp nhận và xử lý, sau đó web server gửi trang web phù hợp về cho người dùng. Hay nói cách khác, thanh địa chỉ sẽ là một phương tiện để web client và web server nói chuyện với nhau. Ngôn ngữ được sử dụng để nói chuyện có thể là một giao thức hay scheme nào đó, ví dụ: http, https, ftp. Thông thường, khi người dùng truy cập tới một website hoặc một ứng dụng web thì server sẽ gửi cho họ trang mặc định, ví dụ trang index.

Giờ sẽ tìm tập tin index ở thư mục gốc của openemr, nếu có thì mở ra để xem nội dung của nó. Openemr được viết bằng PHP nên tập tin tìm được là index.php.

Xem qua mã nguồn trong index.php, chưa thấy bóng dáng của HTML. Tuy nhiên, để ý thấy có dòng mã trỏ tới interface/login/login.php. Theo đường dẫn này, mở tập tin login.php xem sao.

Tập tin login.php đã có cấu trúc của một trang HTML, ví dụ có các thẻ <html>, <head>, <body>, <meta>, <link>, và rất nhiều các thẻ khác cùng với các thuộc tính.


Tuy nhiên, bên cạnh mã HTML thì còn rất nhiều mã của các thứ khác đan xen vào nhau. Nhìn hoa cả mắt, chả hiểu gì!

Xem qua mã nguồn, thấy mình giống như người mới học tiếng Anh, bỗng nhiên gặp một ông “tây ba lô” ở ngoài đường, ông ấy bắt chuyện với mình. Tuy nhiên mình chỉ biết ông ta đang nói tiếng Anh, còn ông ấy nói cái gì,… thì chịu, “bó tay”. Thôi, về núi học tiếp.
-----------
Cập nhật [21/01/2020]
-----------