Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (4)

(Tiếp theo của "Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (3)")




Gộp cạc mạng (NIC teaming)


Tạm gọi NIC teaming là gộp cạc mạng, NIC team là cạc mạng gộp. Gộp cạc mạng là một chức năng (hay tiện ích) của Windows Server 2012 R2, nó cho phép chúng ta gộp nhiều cạc mạng lại để tăng hiệu xuất truyền dữ liệu và tăng khả năng chịu lỗi.

Dựa vào ảo hóa, chúng ta có thể sử dụng một server thật để cài đặt nhiều server ảo trên đó, mỗi server ảo cài đặt một chức năng quan trọng nào đó trong hệ thống mạng. Tuy nhiên, nếu server thật có trục trặc thì sẽ dẫn đến các server ảo cũng bị ảnh hưởng theo. Ví dụ, server thật bị hư cạc mạng, hoặc switch nối với server thật bị hư, hoặc quên chưa cắm cáp cho máy server thật, những lỗi này sẽ dẫn tới máy server thật và cả các server ảo đều không thể giao tiếp với hệ thống mạng.

Teaming có ý nghĩa tương tự với: bonding, balancing và aggregation.

Trước đây, gộp cạc mạng là chức năng đi kèm với các phần cứng cụ thể.

Windows Server 2012 R2 cung cấp chức năng gộp cạc mạng độc lập với phần cứng. Nó cho phép kết hợp nhiều cạc mạng vật lý thành một cạc mạng duy nhất. Cạc mạng gộp (thường) có băng thông bằng tổng băng thông của nhiều cạc mạng gộp lại, đồng thời tăng khả năng chịu lỗi cho kết nối, bởi nếu có một vài cạc mạng vật lý bị trục trặc thì hệ thống vẫn duy trì kết nối bình thường, tất nhiên băng thông có bị giảm.

Gộp cạc mạng trong Windows Server 2012 R2 hỗ trợ hai kiểu (mode)[1]: Switch Independent Mode và Switch Dependent Mode.

-          Switch Independent Mode: các cạc mạng được kết nối vào các switch khác nhau, cung cấp các đường truyền dự phòng cho hệ thống mạng.

-          Switch Dependent Mode: các cạc mạng được nối vào cùng một switch, cung cấp kết nối với băng thông bằng tổng băng thông của các cạc mạng.

Trong kiểu Switch Independent Mode bạn có hai lựa chọn là:

-          Active/active all adapters: tất cả các cạc mạng đều ở chế độ hoạt động (active), băng thông sẽ là tổng băng thông của các cạc mạng. Nếu một cạc mạng bị hư, lưu lượng mạng sẽ được chia tải cho các cạc mạng còn lại.

-          Active/standby: một cạc mạng sẽ được thiết lập ở chế độ dự trữ (standby), khi nào có một cạc mạng bị hư, cạc mạng ở chế độ dự trữ sẽ được chuyển sang chế độ hoạt động (active). Như vậy, trước và sau khi một cạc mạng bị hư, băng thông của hệ thống sẽ không thay đổi.

Trong kiểu Switch Dependent Mode bạn có hai lựa chọn là:

-          Generic (hay static) teaming: kiểu cấu hình này yêu cầu cấu hình trên cả switch và host để xác định liên kết nào sẽ tham gia vào cạc mạng gộp. Vì cấu hình bằng tay, nên không cần thêm giao thức để hỗ trợ switch và host trong việc xác định đường truyền và xác định các lỗi trong quá trình thiết lập. Kiểu này được hỗ trợ bởi các server-class switch. Kiểu này được sử dụng nhiều trong việc chia tải giữa các cạc mạng trong hệ thống.

-          Dynamic teaming (Link Aggregation Control Protocol – LACP, IEEE 802.1ax): kiểu này còn có tên khác là IEEE 802.3ad. Dynamic teaming làm việc dựa trên giao thức LACP. Giao thức này tự động xây dựng, điều chỉnh các cạc mạng gộp, tự động xác định các kết nối nào giữa switch và host sẽ tham gia vào cạc mạng gộp. Yêu cầu các thiết bị phải có hỗ trợ LACP.

Có thể tạo và quản lý cạc mạng gộp bằng Server Manager hoặc Windows PowerShell.

Sau đây là các bước để tạo cạc mạng gộp bằng Server Manager:

1.      Trong môi trường máy ảo (VMware), thực hiện gắn thêm cạc mạng cho máy ảo. Trong giao diện của phần mềm VMware, vào trình đơn VM, chọn Settings, bấm vào mục Add…, chọn mục Network Adapter, bấm Next để thêm cạc mạng.


2.      Trong Server Manager, mục NIC Teaming đang ở trạng thái Disabled, bấm chuột vào chữ Disabled.



3.      Cửa sổ NIC Teaming xuất hiện, trong phần TEAMS, bấm vào mục TASKS, chọn New Team. 



4.      Trong cửa sổ New team bấm vào mục Additional properties để mở rộng các mục cần cấu hình.



5.      Tại cửa sổ New team, nhập tên cho cạc mạng gộp sẽ tạo vào mục Team name, ví dụ NICTeam1. Trong mục Member adapters, đánh dấu chọn vào các cạc mạng sẽ tham gia vào NICTeam1, ví dụ: Ethernet, Ethernet2.



6.      Chọn kiểu cho cạc mạng gộp trong mục Teaming mode, có thể chọn các kiểu sau:

- Static Teaming (thuộc kiểu switch dependent mode) 

-  Switch Independent

- LACP (thuộc kiểu switch dependent mode)

7.      Chọn kiểu chia sẻ tải trong mục Load balancing mode, có thể chọn các kiểu sau:

- Address Hash

- Hyper-V Port 

- Dynamic

8.      Nếu mục Teaming mode bạn chọn kiểu Switch Independent thì mục Standby adapter sẽ được bật để bạn chọn cạc mạng nào sẽ chuyển sang trạng thái chờ (standby) – dự phòng, hoặc không có cạc mạng nào ở trạng thái chờ (None). Ví dụ ở đây sẽ chọn cạc mạng Ethernet ở trạng thái chờ.



9.      Bấm nút OK để xem kết quả.



10.  Khi cạc mạng gộp đã được tạo, bạn sẽ sử dụng cửa sổ NIC Teaming để theo dõi trạng thái hoạt động của các cạc mạng gộp cũng như của từng cạc mạng. Nếu có cạc mạng nào đó có vấn đề, bạn sẽ nhận được thông báo, và tùy thuộc vào kiểu cạc mạng gộp đã được cấu hình hệ thống sẽ có những thay đổi cần thiết.

 

[1] agnosticcomputing.com

---------------------
Tham khảo (Lược dịch): 
Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
---------------------------
Cập nhật 2014/9/7 
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (5)