(Tiếp theo của "Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (6)")
Tóm tắt nội dung
-
Sử dụng Server Manager, người quản trị có thể thực hiện
mọi công việc quản lý Windows Server từ xa mà không cần phải thao tác trực tiếp
tại máy server. Server Manager có thể quản trị cả máy thật và máy ảo. Tuy
nhiên, trước khi có thể quản trị máy tính từ xa, người quản trị phải thực hiện
một số thiết lập ngay tại máy server.
-
Khi cài đặt, nếu bạn chọn chế độ giao diện Windows
Server 2012 R2 là Server Core, thì bạn vẫn có thể thực hiện mọi cấu hình từ chế
độ dòng lệnh.
-
Mục Properties trong Server Manager giúp bạn thực hiện
một số cài đặt giống như chức năng của Initial Configuration Tasks trong các
Windows phiên bản trước.
-
Trong
Windows Server 2012 R2, bạn có
thể chuyển đổi qua lại giữa hai chế độ GUI và Server Core mà không phải cài đặt
lại hệ điều hành.
-
Gộp cạc mạng là một chức năng mới trong Windows Server
2012 R2, nó cho phép người quản trị kết hợp nhiều cạc mạng lại với nhau, nhằm tăng
hiệu xuất truyền dữ liệu và tăng khả năng chịu lỗi.
-
Server Manager cho phép người quản trị nhóm các server lại
để dễ quản lý. Có thể nhóm theo vị trí, theo chức năng hoặc theo một tiêu chí
bất kì tại mỗi cơ quan.
-
Ngoài việc sử dụng Server Manager để cài đặt các chức
năng cho máy server trên mạng, nó còn cho phép cài đặt các chức năng cho máy ảo
đang ở trạng thái tắt.
Câu hỏi ôn tập
- Để chuyển từ giao diện đồ họa (GUI) sang giao diện dòng lệnh (Server Core) cần gỡ bỏ các thiết lập nào? (chọn nhiều đáp án)
- Windows Management Instrumentation (WMI)
- Graphical Management Tools and Infrastructure
- Desktop Experience
- Server Graphical Shell
- Kiểu cấu hình gộp cạc mạng nào sau đây, vừa cung cấp khả năng chịu lỗi, vừa tăng băng thông cho hệ thống?
- Hyper-V live migration
- Switch Independent Mode
- Switch Dependent Mode
- Link Aggregation Control Protocol
- Để kết nối (join) một máy tính vào domain, sử dụng lệnh của chương trình nào sau đây?
- Net.exe
- Netsh.exe
- Netdom.exe
- Ipconfig.exe
- Câu nào sau đây nói không đúng về Server Manager?
- Server Manager có thể cùng một lúc cài đặt nhiều chức năng cho nhiều server
- Server Manager có thể cài đặt các chức năng vào các đĩa cứng ảo (VHD – Virtual Hard Disk) ngay cả khi máy ảo (VM – Virtual Machine) đang tắt
- Server Manager có thể cài đặt nhiều chức năng (role và feature) cùng lúc
- Server Manager có thể cài đặt các chức năng cho mọi máy Windows Server 2012 trên mạng
- Những thao tác nào sau đây không thể thực hiện được với một dịch vụ (service) trong Server Manager?
- Tắt một dịch vụ đang chạy (Stop)
- Chạy một dịch vụ (Start)
- Vô hiệu một dịch vụ (Disable)
- Cấu hình để một dịch vụ tự chạy khi máy tính khởi động
1.3 Cấu hình lưu trữ tại máy server
Mặc dù Windows Server 2012 R2 được thiết kế để hướng đến lưu
trữ từ xa và sử dụng điện toán đám mây. Tuy nhiên, việc cấu hình cho hệ thống
lưu trữ tại máy server cũng không kém phần quan trọng.
Lựa chọn giải pháp
Một máy Windows Server vẫn có thể hoạt động bình thường khi
sử dụng thiết bị lưu trữ giống như một máy trạm. Tức là, vẫn có thể sử dụng một
hoặc nhiều đĩa cứng thông thường nối vào cổng SATA (Serial ATA). Tuy nhiên, nhu
cầu về đọc và ghi đĩa cứng trên máy server lớn hơn nhiều so với các máy trạm. Vì
vậy, một hệ thống lưu trữ thông thường, không đạt chuẩn, rất dễ bị quá tải khi
có hàng trăm người dùng cùng truy cập một lúc. Ngoài ra, các hệ thống đĩa cứng
thông thường cũng không có cơ chế dự phòng và rất khó cho việc nâng cấp, mở
rộng về sau.
Các yếu tố cần phải xem xét khi chọn giải pháp cho việc lưu
trữ:
-
Tổng dung lượng đĩa cần thiết cho server
-
Số lượng người dùng cùng truy cập một lúc tới server
-
Mức độ bí mật của dữ liệu
-
Mức độ quan trọng của dữ liệu đối với tổ chức
Bao nhiêu server thì đủ?
Trong triển khai mạng, có một câu hỏi hay được đặt ra là nên
trang bị một máy server lớn hay nhiều máy server nhỏ hơn? Để trả lời được câu
hỏi này cần xem xét một số khía cạnh sau:
-
Các chức năng của hệ thống sẽ được cài đặt trên các máy
server thật hay cài trên các máy server ảo (sử dụng công nghệ ảo hóa)
-
Nếu sử dụng công nghệ ảo hóa, cũng nên biết những giới
hạn trong việc lưu trữ của Windows Server 2012 R2
-
Nếu hạ tầng mạng của tổ chức có sử dụng đường thuê bao
mạng WAN để giao tiếp giữa các chi nhánh, thì sử dụng các server tại chỗ sẽ
kinh tế hơn
-
Cũng cần xem xét đặc thù giao dịch tại mỗi bộ phận
trong tổ chức: các thao tác xử lý mang tính cục bộ tại mỗi bộ phận hay cần phải
lưu trữ và xử lý tập trung trong toàn tổ chức
-
Yêu cầu về tính sẵn sàng và khả năng chịu lỗi của hệ
thống
Ước lượng dung lượng đĩa
Tổng dung lượng đĩa cần thiết cho hệ thống phụ thuộc vào các
yếu tố sau:
-
Dung lượng đĩa cần thiết để cài đặt các ứng dụng
-
Dung lượng đĩa mà các phần mềm yêu cầu cần có để chạy
-
Dung lượng đĩa cho mỗi người dùng, nếu mọi người dùng
đều cần lưu trữ dữ liệu của họ trên server
-
Nhu cầu mở rộng của tổ chức trong tương lai về ứng dụng
và số lượng người dùng
Sử dụng công nghệ Storage Spaces
Storage Spaces là công nghệ ảo hóa đĩa cứng của Windows
Server 2012 R2. Nó cho phép server gom các đĩa cứng vật lý để tạo thành một
khối chung, gọi là các storage pool, sau đó bạn có thể sử dụng storage pool này
để tạo ra các đĩa cứng ảo với kích thước đa dạng.
Đặc trưng của công nghệ ảo hóa này cũng tương tự như SAN và
NAS (Network Attached Storage).
Nó cũng đòi hỏi đầu tư nhiều về phần cứng và quản trị, nó cho phép thay thế đĩa
cứng mà không cần tắt máy, sử dụng giải pháp JBOD (Just a Bunch of Disks).
Storage Spaces sẽ tạo ra các storage pool từ các đĩa cứng
vật lý chưa được sử dụng. Dung lượng của các storage pool này có thể điều chỉnh
được bằng cách thêm đĩa cứng vật lý vào pool hoặc gỡ bỏ đĩa cứng vật lý ra khỏi
pool.
Từ storage pool người quản trị sẽ tạo ra các đĩa cứng ảo với
kích thước tùy ý. Việc thao tác trên đĩa cứng ảo hoàn toàn giống với thao tác
trên đĩa cứng vật lý. Người dùng không cần quan tâm dữ liệu sẽ được lưu vào đĩa
vật lý nào, việc này đã có storage pool thực hiện ngầm bên dưới.
Bạn cũng có thể cung cấp khả năng chống lỗi (fault
tolerance) cho các đĩa cứng ảo bằng cách sử dụng các đĩa cứng thật trong
storage pool để chạy dự phòng theo kiểu mirroring hoặc parity.
Sau khi tạo đĩa cứng ảo, bạn có thể thực hiện tạo các volume
trên các đĩa cứng ảo này.
Sử dụng công cụ Server Manager để tạo và quản lý các storage
pool.
Cài đặt đĩa cứng trong Windows
Nếu server chỉ có một đĩa cứng thì không có vấn đề gì, vì khi
cài hệ điều hành, hệ thống đã tự động thực hiện một số cài đặt. Tuy nhiên, nếu
phải gắn thêm một đĩa cứng mới hoặc bạn muốn tự mình thiết lập đĩa cứng thì bạn
phải thực hiện một số công việc sau:
-
Lựa chọn kiểu quản lý partition: Windows Server 2012 R2
hỗ trợ hai kiểu quản lý là MBR (Master Boot Record) và GPT (GUID Partition
Table). Với mỗi đĩa cứng vật lý, bạn phải chọn một trong hai, không thể chọn cả
hai loại cùng một lúc.
-
Loại đĩa cứng: Windows Server 2012 R2 hỗ trợ hai kiểu
là basic và dynamic. Trên một máy tính có thể vừa có đĩa cứng kiểu basic vừa có
đĩa cứng kiểu dynamic. Tuy nhiên, một đĩa cứng thì không thể cùng một lúc thuộc
hai kiểu này.
-
Chia đĩa cứng thành các phân vùng (partition) hoặc các
ổ đĩa logic (volume): mặc dù có thể sử dụng hai khái niệm partition và volume
thay thế cho nhau, vì thực tế có thể xem chúng đều là các ổ đĩa logic. Tuy
nhiên, chính xác thì partition được sử dụng cho đĩa cứng kiểu basic, còn volume
được sử dụng cho đĩa cứng kiểu dynamic.
-
Chọn kiểu định dạng (hệ thống quản lý tập tin) cho
partition hoặc volume: Windows Server 2012 R2 hỗ trợ các hệ thống quản lý tập
tin NTFS, FAT (FAT16, FAT32, exFAT), và ReFS.
Phần sau trình bày chi tiết hơn các nội dung trên.
Lựa chọn kiểu quản lý
partition
- MBR: Đây là
kiểu quản lý partition đã có từ trước khi có Windows, hiện tại nó vẫn được sử
dụng phổ biến cho các máy tính chạy trên nền x86 và x64.
- GPT: Đây là
kiểu quản lý partition xuất hiện khoảng cuối những năm 1990, các phiên bản
Windows trước Windows Server 2008 và Windows Vista chạy trên nền x86 không hỗ
trợ kiểu quản lý partition này. Hiện nay (2014), hầu hết các hệ điều hành đều
hỗ trợ kiểu quản lý partition này.
Các máy tính chạy trên nền x64 đều có thể làm việc được với
cả MBR và GPT, miễn là đĩa khởi động không nằm trên đĩa kiểu GPT.
Máy tính muốn khởi động được từ đĩa kiểu GPT nó phải hỗ trợ
khởi động từ EFI (Extensible Firmware Interface). Nếu không, máy tính buộc phải
có một đĩa cứng kiểu MBR, khi đó GPT chỉ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu.
Loại đĩa cứng
Hầu hết các máy tính cá nhân đều sử dụng đĩa cứng kiểu basic
vì quản lý nó đơn giản. Đĩa cứng kiểu basic sử dụng MBR để quản lý các
partition, gồm: partition kiểu primary, partition kiểu extended và các ổ đĩa
logic. Hệ điều hành sẽ được cài đặt vào một partition kiểu primary đã được đánh
dấu là active.
Trong Windows Server 2012 R2 sử dụng snap-in Disk
Management để quản lý đĩa cứng kiểu basic, chia đĩa theo MBR. Khi chia đĩa, chỉ
có thể tạo tối đa là ba partition (hay volume) kiểu primary, partition thứ tư
sẽ có kiểu extended, tạo thêm các ổ đĩa logic trong partition kiểu extended.
Khi bạn chọn kiểu chia đĩa là GPT, bạn có thể tạo tới 128 ổ
đĩa logic (volume), mỗi volume được xem như một partition kiểu primary. Trong
hệ thống GPT không có partition kiểu extended và ổ đĩa logic (logical drive).
Có thể chuyển đĩa cứng từ kiểu basic sang dynamic và ngược
lại. Khi chuyển sang kiểu dynamic, bạn có thể tạo các volume với số lượng không
hạn chế. Đĩa cứng kiểu dynamic hỗ trợ nhiều loại volume.
---------------------
Tham khảo (Lược dịch):
Craig Zacker, Exam
Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft
Press, 2014
---------------------------
Cập nhật 2014/9/16---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (8)