------
Phần 46.
Cài đặt và sử dụng XAMPP
Như đã biết, Web Server gồm có phần cứng, hệ điều hành, phần
mềm Web Server và nội dung của Website.
Phần này sẽ dựng một Web Server xem hình hài của nó như thế
nào. Hiện tại, đã có sẵn phần cứng là cái Laptop, hệ điều hành là Windows 8.1
(hoặc Windows 10). Vậy còn thiếu phần mềm Web Server và nội dung của Website.
Có nhiều phần mềm Web Server đang được sử dụng hiện nay, ví
dụ: Apache, Nginx, IIS, GWS.
Phần này sẽ thực hiện cài đặt Apache.
Cùng xem và làm theo clip sau, được chia sẻ bởi tác giả Thạch
Phạm,
Ghi lại một số ý,
Theo wiki, XAMPP là chương trình tạo Web Server, được tích
hợp sẵn: Apache, PHP, MySQL, FTP Server, Mail Server và các công cụ như
phpMyAdmin, FileZilla.
Mặc dù khi tải XAMPP về, tập tin có tên là xampp-win32, tuy
nhiên cài cho Windows 64-bit vẫn chạy bình thường.
Sau khi cài đặt thành công, để chạy XAMPP, vào C:\\xampp, bấm
chuột phải vào tập tin xampp-control.exe, chọn Run as Administrator. Tại hàng
Apache, bấm nút Start.
Chương trình Apache của XAMPP hay xung đột cổng (port) với
các chương trình khác, vì vậy, nếu có lỗi, để ý cái thông báo lỗi của nó, lên
google để tìm cách sửa lỗi. Ví dụ, máy này đang chạy vmware-hostd.exe, nên Apache
không chạy được, phải vào Task Manager để tắt cái process vmware-hostd.exe đi.
Để kiểm tra Apache đã chạy được chưa? Mở trình duyệt, tại
thanh địa chỉ, nhập vào http://localhost hoặc http://127.0.0.1. Nếu trình duyệt
xuất hiện trang dashboard của XAMPP là được.
Đôi khi, Apache cũng không thể Start được, do liên quan đến
mục chọn trong cột Service trên cửa sổ XAMPP Control Panel, đọc thêm về nó trên
Internet.
Để đổi cổng của Apache từ 80 thành 8888, tại cửa sổ XAMPP
Control Panel, hàng Apache, bấm vào nút Config, chọn Apache(httpd.conf), tìm
tới hàng Listen, đổi giá trị 80 thành 8888, lưu lại, Stop và Start Apache.
Các thư mục và tập tin của “tên miền” localhost được chứa
trong C:\xampp. Sẽ tìm hiểu kĩ hơn về localhost ở các phần sau.
Thư mục C:\xampp\htdocs chứa toàn bộ các nội dung sẽ được
hiển thị ra ngoài, đây chính là DocumentRoot hay WebRoot.
Tạo một thư mục (ví dụ test) trong C:\xampp\htdocs, trong
thư mục, tạo tập tin index.html, nhập nội dung bất kì cho tập tin index.html, ra
ngoài trình duyệt, truy cập vào thư mục test để xem kết quả (http://localhost/test hoặc http://localhost/test/index.html hoặc
http://localhost:8888/test hoặc http://localhost:8888/test/index.html).
Cấu trúc chung của một URL có dạng sau: Scheme://domain:port/path?query_string#fragment_id
Ở đây, mới quan tâm tới Scheme://domain:port/path,
ví dụ http://localhost:8888/test.
Quan sát sẽ thấy, tại trình duyệt, khi nhập vào thanh địa
chỉ một URL, kết thúc là một thư mục (ví dụ, http://localhost:8888/test), Web Server
sẽ tìm trong thư mục đó xem có tập tin index không? Nếu có, nó sẽ gửi trang
index.html cho trình duyệt, nếu không nó sẽ gửi toàn bộ nội dung của thư mục.
Xem thêm về XAMPP tại wiki: https://en.wikipedia.org/wiki/XAMPP
Các kí hiệu của XAMPP có nghĩa là:
- X: viết tắt của Linux, Windows, Solaris và MacOS
(cross-platform: đa nền tảng); XAMPP có thể chạy trên các hệ điều hành này.
- A: viết tắt của Apache, phần mềm Web Server, là phần mềm
mã nguồn mở, miễn phí, xử lý các yêu cầu gửi tới máy chủ dựa trên giao thức
HTTP.
- M: viết tắt của MariaDB (tên cũ là mySQL); hệ quản trị cơ
sở dữ liệu mã nguồn mở, miễn phí.
- P: viết tắt của PHP; biên dịch mã nguồn PHP
- P: viết tắt của Perl; biên dịch mã nguồn Perl
Các phần mềm có chức năng tương tự như XAMPP gồm:
- WAMP: Windows, Apache, Mysql, PHP
- LAMP: Linux, Apache, Mysql, PHP
- MAMP: Macintosh, Apache, Mysql, PHP
- WIMP: Windows, IIS, Mysql, PHP
Mở thử ứng dụng openemr: chép thư mục openemr vào trong thư
mục C:\xampp\htdocs, mở trình duyệt, nhập vào đường dẫn sau:
localhost:8888/openemr, để xem kết quả.
Vậy là đã dựng được một Web Server và mở được ứng dụng
openemr (mặc dù chưa mở được trang giao diện, do phải cài đặt thêm một số thứ).
Trên đây là những kiến thức cơ bản về XAMPP, tạm đủ để làm
các bài thực hành liên quan đến lập trình phía server như PHP, mySQL, PHP
framework. Tuy nhiên, nếu rảnh nên làm thêm các cấu hình khó hơn một chút liên
quan đến XAMPP sau:
- Cài đặt XAMPP vào ổ đĩa bất kì (khác ổ đĩa C:\), để không phải lo mất dữ liệu XAMPP, khi hệ điều hành bị trục trặc.
- Cấu hình tên miền ảo (virtual host), thực hiện cấu hình
trên tập tin httpd-vhosts.conf, để có thể mở ứng dụng với URL kiểu như thế này:
http://local.example.
- Cấu hình tên miền ảo (virtual host), thực hiện cấu hình
trên tập tin httpd-vhosts.conf, để có thể mở ứng dụng với URL kiểu như thế này:
http://local.example:8888.
- Cấu hình tên miền ảo (virtual host), thực hiện cấu hình
trên tập tin httpd.conf, để có thể mở ứng dụng với URL kiểu như thế này: http://local.example.
- Cấu hình tên miền ảo (virtual host), thực hiện cấu hình
trên tập tin httpd.conf, để có thể mở ứng dụng với URL kiểu như thế này: http://local.example:8888.
- Tạo thư mục WEBROOT trong ổ đĩa D:\ (nghĩa là thư mục
WEBROOT đóng vai trò là htdocs), chuyển các dự án từ XAMPP\htdocs vào trong thư
mục WEBROOT. Mục đích là để nếu phải cài đặt lại XAMPP thì các dự án đã tạo trước
đó không bị ảnh hưởng.
Trong cấu hình XAMPP có hai việc nên để ý là:
Một là gắn tên miền vào một thư mục, đây là đoạn lệnh (trong
tập tin httpd-vhosts.conf hoặc httpd.conf) :
<VirtualHost *:80>
DocumentRoot
"D:/WEBROOT/bansach"
ServerName
local.bansach
</VirtualHost>
Hai là gắn tên miền vào một địa chỉ IP, đây là đoạn lệnh
(trong tập tin C:\Windows\System32\drivers\etc\hosts):
127.0.0.1 local.bansach
-----------
Cập nhật [6/10/2020]
-----------