Web front-end (11) - HTML - Liên kết trang web_2

-----

1.1.1       Liên kết ngoài

Để tạo liên kết đến các trang bên ngoài website, cần sử dụng URL tuyệt đối. Ví dụ,

[HTML]

                        <h3>Một số trang để học làm web</h3>

                        <ul>

                                    <li><a href="https://www.w3schools.com/">W3Schools</a></li>

                                    <li><a href="https://stackoverflow.com/">Stack Overflow</a></li>

                                    <li><a href="https://github.com/">Github</a></li>

                        </ul>

[Kết quả]

Một số trang để học làm web

·        W3Schools

·        Stack Overflow

·        Github

1.1.2       Liên kết trong một website

Phần lớn liên kết trong thực tế thuộc loại này, đó là các liên kết giữa các trang thuộc cùng một website (hay cùng một server). Các liên kết này sử dụng đường dẫn tương đối (hay đường dẫn tập tin), trình duyệt sẽ dựa vào đường dẫn tập tin (pathname) để tìm được thư mục hoặc tập tin mong muốn.

Đường dẫn tâp tin được đặt theo quy ước của Unix, nghĩa là sẽ sử dụng các dấu xuyệt (slash, forward slash  - /) để phân tách thư mục và tập tin, đừng nhầm với dấu xuyệt ngược (backslash - \).

Đường dẫn tập tin sẽ mô tả cách để lấy được tài nguyên liên kết, tính từ vị trí hiện hành.

Một số lưu ý liên quan đến cú pháp của đường dẫn tập tin:

– Không sử dụng dấu xuyệt ngược (\)

– Không để tên ổ đĩa (ví dụ, C:, D:) ở đầu đường dẫn

– Không sử dụng giao thức file://

Liên kết trong một website là việc liên kết giữa các tập tin nằm trong cấu trúc thư mục của website. Ví dụ, liên kết các tập tin trong cùng một thư mục, liên kết cha-con (từ thư mục cha tới thư mục con), liên kết con-cha (từ thư mục con lên thư mục cha).

Hình dưới đây là cấu trúc thư mục của một website, có tên là bookonline.


Liên kết trong cùng thư mục

Đây là kiểu liên kết đơn giản nhất, để liên kết tới một tập tin trong cùng một thư mục, chỉ cần đặt tên tập tin trong thuộc tính href của phần tử a.

Ví dụ, thực hiện liên kết từ trang index.html tới trang about.html,

– Đầu tiên, tạo thêm trang about.html trong cùng thư mục với trang index.html

[about.html]

<!DOCTYPE html>

<html>

            <head>

                        <title>Hoc lam web</title>

                        <meta charset="utf-8">

            </head>

            <body>

                        <p>Nội dung trang about</p>

            </body>

</html>

– Trong trang index.html, chèn thêm đoạn mã HTML sau,

            <a href="about.html">Trang about</a>

– Mở trang index.html bằng trình duyệt, bấm vào dòng chữ “Trang about” trình duyệt sẽ mở trang about.html.

Xem hình minh họa,


Sau khi trình duyệt mở trang about.html rồi, làm sao để quay lại trang index.html? Hãy mở trang about.html, chèn đoạn mã sau vào cuối tập tin, để tạo một liên kết.

[HTML]

<a href="index.html">Quay về trang chủ</a>

[Kết quả]

Nhờ có liên kết, người duyệt web có thể chuyển qua lại giữa hai trang một cách dễ dàng.

Liên kết đến tập tin trong thư mục con

Nếu tập tin cần liên kết đến (tập tin đích) không nằm cùng thư mục, mà nằm ở thư mục con thì trong thuộc tính href cần có thêm thông tin về đường dẫn tập tin (pathname).

Ví dụ, thực hiện liên kết từ trang index.html đến trang view1.html,

– Trong thư mục gốc của website (bookonline), tạo thêm thư mục View

– Trong thư mục View, tạo tập tin view1.html, với nội dung bất kì

[view1.html]

<!DOCTYPE html>

<html>

            <head>

                        <title>Hoc lam web</title>

                        <meta charset="utf-8">

            </head>

            <body>

                        <p>Nội dung trang view1</p>

            </body>

</html>

– Trong trang index.html, chèn đoạn mã HTML sau,

            <a href="View/view1.html">Trang view1</a>

– Mở trang index.html bằng trình duyệt, bấm vào dòng chữ “Trang view1” trình duyệt sẽ mở trang view1.html.

Xem hình minh họa,


Ý nghĩa của href=“View/view1.html” là hãy tìm trong thư mục hiện tại (thư mục chứa tập tin index.html) xem có thư mục View không, nếu có, hãy tìm tiếp trong thư mục View xem có tập tin view1.html không?

Liên kết đến tập tin trong thư mục cháu

Liên kết đến tập tin trong thư mục cháu là liên kết đến tập tin trong thư mục con cấp 2. Ví dụ, tạo liên kết từ tập tin index.html đến tập tin book1.html.

– Tạo thêm thư mục Books và tập tin book1.html có cấu trúc như trong hình minh họa

– Trong tập tin index.html thêm đoạn mã sau,

<a href="View/Books/book1.html">Trang book1</a>

Xem hình minh họa,


Ý nghĩa của href=“View/Books/book1.html” là hãy tìm trong thư mục hiện tại (thư mục chứa tập tin index.html) xem có thư mục View không, nếu có, hãy tìm tiếp trong thư mục View xem có thư mục Books không, nếu có, hãy tìm tiếp trong thư mục Books xem có tập tin book1.html không?

Liên kết đến tập tin trong thư mục cha

Liên kết đến tập tin trong thư mục cha là liên kết ngược, từ tập tin nằm trong thư mục con đến một tập tin nằm trong thư mục cha.

Điều quan trọng nhất cần nhớ, kí hiệu “../” trong Unix có nghĩa là hãy chuyển lên thư mục cha, là thư mục trên một cấp trong cây thư mục.

Ví dụ, tạo liên kết từ tập tin view1.html đến tập tin index.html.

– Trong tập tin view1.html thêm đoạn mã sau,

<a href="../index.html">Quay về trang chủ</a>

Xem hình minh họa,


Ý nghĩa của href=“../index.html” là hãy lên thư mục cha của thư mục hiện tại (thư mục chứa tập tin view1.html), rồi tìm trong đó xem có tập tin index.html hay không. Vì view1.html đang ở thư mục View, nên dấu “../” sẽ chuyển con trỏ lên thư mục bookonline.

Liên kết đến tập tin trong thư mục ông

Liên kết đến thư mục ông là liên kết ngược 2 cấp, để thực hiện, chỉ việc sử dụng hai lần kí hiệu “../”, cụ thể là: “../../”.

Ví dụ, thực hiện liên kết từ tập tin book1.html đến trang index.html.

– Trong tập tin book1.html thêm đoạn mã sau,

<a href="../../index.html">Quay về trang chủ</a>

Xem hình minh họa,


Ý nghĩa của href=“../../index.html” là hãy lên thư mục cha của thư mục hiện tại (thư mục chứa tập tin book1.html), rồi lên thư mục cha nữa, rồi tìm trong đó xem có tập tin index.html hay không. Vì book1.html đang ở thư mục Books, nên dấu “../” đầu tiên sẽ chuyển con trỏ lên thư mục View, dấu “../” kế tiếp sẽ chuyển con trỏ lên thư mục bookonline.

Liên kết từ thư mục gốc

Ở các phần trên, bạn đã biết tạo liên kết từ trang web nguồn tới trang web đích, theo hướng tiếp cận là xuất phát từ trang web hiện tại, dựa vào đường dẫn tập tin của Unix để tìm đến được trang web đích.

Phần này sẽ giới thiệu một cách khác, để thực hiện liên kết tới trang web đích.

Để ý là mọi website đều có thư mục gốc (root directory), đây là thư mục chứa toàn bộ các tập tin và thư mục của website. Vậy là bạn có thể xuất phát từ thư mục gốc của website, duyệt theo đường dẫn thư mục để tìm tới mọi trang web đích.

Trong Unix, dấu xuyệt (forward slash - /) đứng ở đầu đường dẫn tập tin (pathname) sẽ đại diện cho tên của thư mục gốc.

Ví dụ,

Để thực hiện liên kết từ trang index.html đến trang book1.html, trong trang index.html chèn đoạn mã HTML sau,

<a href="/View/Books/book1.html">Trang book1</a>

Đoạn mã trên có nghĩa là hãy bắt đầu từ thư mục gốc (bookonline), tìm xem trong đó có thư mục View hay không, nếu có, hãy tìm tiếp trong View xem có thư mục Books hay không, nếu có, hãy tìm tiếp trong Books xem có tập tin book1.html hay không.

Lưu ý, bạn không cần ghi tên thư mục gốc vào đường dẫn tập tin, vì dấu “/” đã thay thế cho tên của nó.

Xem hình minh họa,


Phương pháp liên kết này hữu ích trong ba trường hợp sau:

– Tập tin chứa liên kết không nằm cố định tại một thư mục, mà nó có thể bị di chuyển tới thư mục khác

– Các liên kết được phát sinh động

– Cần sao chép liên kết giữa các trang web khác nhau

Tuy nhiên, phương pháp liên kết này sẽ không hoạt động khi thư mục gốc của website đặt trên máy cục bộ, vì khi đó, kí hiệu “/” sẽ trỏ tới ổ đĩa gốc (ví dụ, C: hoặc D:), chứ không trỏ tới thư mục gốc của website. Chỉ khi nào đặt website lên web server thì nó mới hoạt động bình thường.

Lưu ý, quy tắc thiết lập đường dẫn cho thuộc tính href mà bạn đã thực hiện trên tập tin, cũng được áp dụng cho thuộc tính “src” của thẻ <img>. Ví dụ, <img src="../../images/spoon.gif" alt="">

-----

Cập nhật: 30/11/2022

Tải tài liệu đầy đủ: Tự học HTML căn bản

Web front-end (10) - HTML - Liên kết trang web_1

-----

1.1       Liên kết trang web

Sau các bài học trước, bạn đã có thể sử dụng các thẻ HTML để tạo ra một trang web, với nội dung dạng văn bản. Trang web này được xem như một tài nguyên web, được định vị bằng một địa chỉ duy nhất (URL), được sử dụng để làm nguyên liệu, nhằm tạo thành các nút, là một điểm đến trong không gian thông tin toàn cầu (web).

Phần này, bạn sẽ tìm hiểu, để liên kết giữa các phần trong một trang web, giữa các trang web trong cùng một website, giữa các trang ở khác website. Đây chính là một trong những công việc để tạo ra mạng lưới liên kết (links), nhờ đó, người dùng có thể lang thang từ nơi này tới nơi khác trong hệ thống web.

1.1.1       Trang web, website, ứng dụng web

Trước khi tìm hiểu về cách hoạt động của liên kết, bạn sẽ tìm hiểu một số khái niệm như trang web, trang web tĩnh, trang web động, website và ứng dụng web.

Trang web

Khi làm trang web tĩnh ở các bài học trước, là bạn đã phần nào trải nghiệm với khái niệm trang web.

Trang web (webpage, web page) là một tài liệu, được sử dụng trong hệ thống web, hoặc trong trình duyệt. Tài liệu chính là một vật mang tin, “vật” ở đây chính là một tập tin, “tin” ở đây là siêu văn bản. Bạn mở trình duyệt, nhập vào một địa chỉ web, ví dụ “https://www.w3.org”, gõ phím Enter, khi đó, mọi thông tin xuất hiện trên màn hình chính là trang web ở dạng “thành phẩm”.

Với người dùng, trang web là một trang thông tin, được thể hiện trên trình duyệt. Với hệ thống máy tính, trang web là một tập tin; tùy thuộc vào ngôn ngữ tạo ra trang web, nó sẽ có phần mở rộng khác nhau, ví dụ: .html, .php, .aspx, .jsp.

Tuy nhiên, dù sử dụng ngôn ngữ gì để tạo ra trang web, thì cuối cùng, trang web cũng phải được chuyển về dạng tài liệu HTML, trước khi trình duyệt có thể hiển thị nó. Trình duyệt sẽ dich và thực thi mã HTML, mã CSS, mã JavaScript, kết hợp với hình ảnh, âm thanh, video, để hiển thị nội dung ra màn hình.

Khi ở dạng mã nguồn, trang web chỉ là văn bản thô (plain text), nghĩa là chỉ gồm các kí tự ở dạng tự nhiên nhất, dạng mã ASCII, không được định dạng, không có hình ảnh, âm thanh, video.

Ví dụ, để xem trang web ở dạng mã HTML, tại trình duyệt, bấm chuột phải vào một trang web bất kỳ, chọn “View page source”, một cửa sổ mới hiện ra, đó chính là nội dung của trang web ở dạng mã HTML.

Trang web là các trang đơn vị để cấu thành website, mỗi trang có một mục đích cụ thể, một website có thể được cấu thành từ một hoặc nhiều trang, ví dụ trang chủ, trang tin, trang quản trị, trang đăng nhập.

Trang web được chia thành hai loại: trang web tĩnh và trang web động. Bạn có thể đọc lại khái niệm trang web tĩnh ở bài học trước, trong phần “Tạo một trang web đơn giản”.

Trang web động

Trang web động (dynamic web page, live web page, hoặc interactive web page) là trang web mà nội dung của nó có thể thay đổi tùy thuộc vào ngữ cảnh và điều kiện khác nhau. Việc thay đổi có thể được thực hiện tại phía server (server-side), bằng các ngôn ngữ lập trình phía server, như C#, PHP, Java, Python, Ruby, JavaScript; hoặc tại phía client (client-side) bằng ngôn ngữ lập trình phía client, như JavaScript, hoặc kết hợp cả phía client và phía server bằng kĩ thuật Ajax.

Website

Vì chưa biết từ tiếng Việt tương đương, nên dùng luôn tiếng Anh cho khái niệm website.

Website là một tập hợp nhiều trang web có liên quan đến nhau. Thông thường, website có một cái tên duy nhất, gọi là tên miền (domain name), ví dụ: www.w3.org. Website được đặt trên máy chủ web (web server). Người dùng có thể truy cập tới website bằng mạng công cộng (Internet) hoặc mạng nội bộ (LAN) thông qua địa chỉ của nó (URL).

Người ta sử dụng website cho nhiều mục đích khác nhau, ví dụ: giải trí, mạng xã hội, tin tức, giáo dục. Website có thể thuộc về cá nhân, công ty, chính phủ hoặc các tổ chức xã hội.

Có thể xuất bản các website ra công chúng để mọi người truy cập và hình thành không gian thông tin toàn cầu (WWW - World Wide Web). Hoặc không xuất bản ra công chúng, mà chỉ cho phép một số ít người truy cập, ví dụ website nội bộ của một công ty, chỉ cho phép các nhân viên của công ty truy cập, lúc này website trở thành một phần của mạng Intranet.

Người dùng có thể truy cập website bằng máy tính để bàn (desktop), máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng (tablet), điện thoại thông minh (smartphone) và ti vi thông minh (smart TV).

Website được chia thành hai loại là website tĩnh (static website) và website động (dynamic website).

Website tĩnh là website chỉ chứa các trang web tĩnh.

Website động là website có chứa các trang web động.

Ứng dụng web

Ứng dụng web (web application hoặc web app) là một chương trình máy tính hoạt động dựa trên mô hình client-server. Trong đó, chương trình được lưu trên server, giao diện người dùng được chạy trên một trình duyệt web. Tạm hiểu là, chương trình để ở một nơi (server), người dùng thì lại ở một nơi khác (client), hay chương trình để ở máy tính này, nhưng khi sử dụng thì lại dùng ở một máy tính khác. Nó khác so với ứng dụng trên máy tính đơn.

Ứng dụng web hoạt động dựa trên nền tảng web. Người dùng có thể chạy ứng dụng thông qua Internet, Intranet. Để tạo ra ứng dụng web, người ta thường sử dụng các ngôn ngữ lập trình kết hợp với các framework chuyên dụng.

Chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa trang web động và ứng dụng web, nói chung cứ website nào có chức năng tương tự như một ứng dụng máy tính hoặc ứng dụng di động thì được xem như một ứng dụng web.

Một số ví dụ về các ứng dụng web: thư điện tử, bán hàng trực tuyến, diễn đàn, nhật kí mạng, bản đồ, quản lý nhân lực, quản lý y tế và chăm sóc sức khỏe.

So sánh sự khác nhau giữa website động và ứng dụng web:

Website động

Ứng dụng web

– Cho phép người dùng tương tác và thêm nội dung, tuy nhiên phần lớn nội dung vẫn là do nhà phát triển tạo ra.

– Ít phức tạp và dễ phát triển hơn so với ứng dụng web.

– Hoạt động dựa trên sự tương tác từ người dùng, hầu hết nội dung và dữ liệu là do người dùng đóng góp

– Giống như một ứng dụng máy tính

– Phức tạp và cần nhiều kĩ năng hơn để phát triển so với website động

1.1.2       Tạo liên kết

Trong HTML, sử dụng phần tử a để tạo các liên kết, a viết tắt của anchor (cái mỏ neo).

Muốn tạo liên kết cho một đoạn văn bản, chỉ việc bao đoạn văn bản đó bằng phần tử a, đi kèm là thuộc tính href cho biết nơi được liên kết đến, href là viết tắt của hypertext reference – tham chiếu tới siêu văn bản. Ví dụ,

[HTML]

<a href="http://www.google.com">Trang web của Google</a>

[Kết quả]

Đoạn mã HTML trên sẽ tạo ra liên kết cho chuỗi “Trang web của Google”, khi người dùng bấm vào chuỗi này, trình duyệt sẽ mở trang web có địa chỉ là “http://www.google.com”.

Để tạo liên kết cho hình ảnh, chỉ việc bao hình ảnh đó bằng phần tử a, đi kèm là thuộc tính href cho biết nơi được liên kết đến. Mà hình ảnh được tạo ra bằng phần tử img, do vậy thực tế là đặt phần tử img vào trong phần tử a. Ví dụ,

[HTML]

<a href="http://www.google.com"><img src="logo.gif" alt="logo cong ty"></a>

[Kết quả]

Khi người dùng bấm vào hỉnh ảnh trên giao diện trang web, trình duyệt sẽ mở trang web có địa chỉ là “http://www.google.com”.

Mặc định, hầu hết các trình duyệt sẽ định dạng phần văn bản có gắn liên kết là màu xanh da trời (blue), và gạch chân; các liên kết đã được người dùng bấm chuột vào sẽ có màu tím (purple). Tất nhiên, người lập trình có thể thay đổi các định dạng mặc định này.

Bạn có thể đặt mọi phần tử hiển thị nội dung của HTML vào trong phần tử a để tạo một liên kết.

Thuộc tính href

Trình duyệt sẽ dựa vào giá trị của thuộc tính href để biết được tài liệu được liên kết đến là gì. Giá trị của href là URL của một trang web, hoặc của một tài nguyên web bất kì (hình ảnh, âm thanh, video). Nó được bao lại bằng dấu nháy kép.

URL có hai loại, là URL tuyệt đối và URL tương đối.

- URL tuyệt đối

URL tuyệt đối (absolute URL): cung cấp đường dẫn đầy đủ, để có thể lấy được tài nguyên, bao gồm giao thức (protocol), tên miền (domain name), đường dẫn tập tin (pathname). URL tuyệt đối được sử dụng để liên kết đến một tài nguyên trên Internet (không nằm trên server của bạn). Ví dụ,

href=“http://www.google.com/”

- URL tương đối

URL tương đối (relative URL): cung cấp đường dẫn tương đối, để có thể lấy được tài nguyên, thường được sử dụng khi cần liên kết đến một tài nguyên, nằm trên cùng server. Khi đó, URL sẽ không cần có giao thức và tên miền, mà chỉ cần đường dẫn tập tin (pathname). Ví dụ,

href=“images/logo.gif”

Có ba kiểu liên kết hay được sử dụng là: liên kết tới các trang bên ngoài website, liên kết trong một website và liên kết trong một trang web. Lưu ý: hai khái niệm site và website là tương đương, tuy nhiên, từ website được dùng nhiều hơn.

-----

Cập nhật: 30/11/2022

Tải tài liệu đầy đủ: Tự học HTML căn bản

Web (7) - Lộ trình học web front-end

Bài trước: Web (6) - Muốn làm web cần học những gì

---

1         Lộ trình học web front-end

Học tới phần này là bạn đang hướng tới một nghề cụ thể. Đó là nghề làm web. Tất nhiên, có thể bạn còn do dự, không biết đi theo rồi có làm được không? Lỡ học xong không xin được việc thì sao? Đam mê, sở thích của mình là gì nhỉ? Cứ tiến lên thôi bạn nhé. Nhiều bạn cứ nặng nề về đam mê, sở thích. Hãy thực tế một chút, học lấy cái nghề để kiếm việc, kiếm tiền, để tồn tại, để sống cái đã. Hãy học và làm nghề dựa vào sở trường, vì nó có vẻ lâu bền và hợp lý hơn là dựa trên đam mê, sở thích (có tính nhất thời và dễ thay đổi).

Ngoài ra, bạn nhớ thực hành và áp dụng các cách học sao cho có hiệu quả.

Chúng ta cùng nhìn lại quy trình để tạo ra một sản phẩm web:


Chúng ta sẽ học để làm việc ở bước 6, thực hiện “Cài đặt” hay lập trình ứng dụng web.

Cụ thể hơn, bạn xem lại Tháp quản lý sản phẩm ở hình sau,


Theo quy trình trên, sau bước 10, và 11, chúng ta đã có bản thiết kế (UX/UI) của ứng dụng web. Công việc tiếp theo là làm phần front-end và back-end cho ứng dụng.

Làm UI/UX và back-end là các nhánh công việc khác, bạn có thể tự tìm hiểu thêm. Phần này sẽ giúp bạn học để làm phần front-end của một ứng dụng web (bước 12).

Hiểu một cách đơn giản, làm web front-end là việc chuyển đổi từ bản thiết kế (UI/UX) sang HTML, CSS và JavaScript.

Một cách bài bản, để làm phần front-end, các bạn phải học hết Kiến thức đại cương, và Kiến thức cơ sở ngành. Một số chủ đề cần học như:

Tiếng Anh căn bản & chuyên ngành CNTT

Nhập môn CNTT

Nhập môn lập trình

Kỹ thuật lập trình

Phương pháp lập trình hướng đối tượng

Kỹ năng mềm

Cấu trúc dữ liệu và thuật giải

Cơ sở dữ liệu

Hệ điều hành

Kiến trúc máy tính và hợp ngữ

Mạng máy tính

Phần mềm Quản lý phiên bản/quản lý mã nguồn: Git, hoặc SVN, hoặc TFS

Kĩ năng và thái độ liên quan đến kĩ thuật: cách viết mã, lựa chọn giải thuật, tổ chức mã nguồn chuyên nghiệp. Kĩ năng và thái độ liên quan đến môi trường làm nghề: cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả và hạnh phúc với nghề.

Nếu vì lý do gì đó, bạn không thể học tuần tự các chủ đề có tính nền tảng như trên, thì bạn vẫn có thể bắt đầu ngay vào việc học để làm web front-end. Trong quá trình học, bạn thấy thiếu kiến thức gì thì học bổ sung.

Lộ trình học để làm phần front-end (tham khảo trên trang https://roadmap.sh/frontend):

Web căn bản

– Hoạt động của Internet

– Giao thức HTTP

– Trình duyệt web

– DNS

– Tên miền (domain name)

– Lưu trữ website (hosting)

HTML

– HTML căn bản

– Forms và validation

– Quy ước đặt tên và kinh nghiệm viết mã

CSS

– CSS căn bản

– Các kĩ thuật tạo bố cục trang (layout): float, positioning, display, box model, CSS grid, flex box

– Responsive và media queries

JavaScript

– JavaScript căn bản

– DOM

– Fetch API, Ajax

– ES6+

– Hoisting, event bubbling, scope, prototype, shadow DOM, strict

Quản lý phiên bản

– Git căn bản

– Github, hoặc Gitlab, hoặc Bitbucket

Chương trình quản lý gói

– Npm, hoặc yarn, hoặc pnpm

CSS architecture

– BEM

CSS preprocessor

– SASS

– PostCSS

Build tools

– Linters and formatters

– Task runners (npm scripts)

– Module bundlers (vite, hoặc esbuild)

Framework

– React, hoặc Angular, hoặc Vue

Modern CSS

– Styled components

– CSS modules

CSS framework

– Bootstrap

– Tailwind

Kiểm thử phần mềm (Testing your Apps)

 

… (còn nữa)

 

Các bạn nên học tuần tự các chủ đề ở bảng trên, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Nếu không, sẽ rất khó hiểu, dễ dẫn tới chán nản và bỏ cuộc.

Bạn cũng nên để ý, nếu đọc nhiều trên mạng sẽ thấy có nhiều lộ trình học. Mỗi lộ trình có sự khác biệt nhau một chút. Điều này cũng dễ hiểu, bởi để đi tới đích thì luôn có nhiều hơn một con đường. Vì vậy, hãy cứ chọn một lộ trình mà bạn thấy thích, và học theo nó. Trong quá trình học sẽ linh hoạt học thêm các chủ đề mà bạn thấy cần, thấy hữu ích.

 ---

Cập nhật: 12/3/2024

Bài sau: Web front-end (1) - Web là gì?

-----

Tải tài liệu đầy đủ: Tự học HTML căn bản

-----

LIÊN HỆ TÁC GIẢ