Đọc sách 1

[122] Quyền lực mới
Tác giả: Jeremy Heimans & Henry Timms
Dịch: Huỳnh Hữu Tài
NXB: Tổng hợp TP.HCM - 342 trang - bản in 2018
-------
[121] Đại học - định chế giáo dục cao thay đổi thế giới
Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh
NXB: Tổng hợp TP.HCM - 555 trang - bản in 2019
-------
[120] Thế giới mạng và tôi (* * * +)
Tác giả: Nguyễn Thị Hậu
NXB: Văn học - 220 trang - bản in 2014

29 tết nguyên đán 2020, lần đầu cả nhà lang thang ở đường hoa Nguyễn Huệ, chụp hình (vài kiểu, vì cả nhà ít thích chụp hình), ăn kem, ngó nghêng đường sách, bao la bát ngát toàn sách là sách.

Cả nhà lang thang các con đường khu trung tâm, ăn uống, vào khu mua sắm của Vincom, qua nhà hát lớn, khu bán tranh (con gái mê tranh)...vừa đi vừa đọc cuốn này.

Cuốn sách nhẹ nhàng, đồng cảm với nhiều suy nghĩ lung tung lang tang của tác giả.

Ra về lấy xe máy, trả tiền gửi xe (tư nhân) là 30 ngàn/1 xe, trong khi ngay bên cạnh chỗ gửi xe của nhà nước là 6 ngàn (lúc tới, đã hết chỗ).
-------

[119] Cái dũng của thánh nhân (* * * *)
Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
NXB: Trẻ - 142 trang - bản in 2019

Ngưỡng mộ tác giả này đã lâu. Lang thang ở nhà sách của Nhà Thờ Chánh tòa Đà Lạt thấy cuốn này.

Sách mỏng, nhẹ, giá bằng 3 ổ bánh mì. Cho miệng ăn nhiều rồi, bữa nay cho não ăn một chút :D.

Sách bàn vễ chữ "dũng". Dũng về thể lực là "bình thường", dũng về trí lực mới "ghê".
-------
[118] Một đời thương thuyết (* * * *)
Tác giả: Phan Văn Trường
NXB: Trẻ - 380 trang - bản in 2019

Cuốn thứ 2 trong bộ ba "một đời..." của cùng tác giả viết về các trải nghiệm thương thuyết.
Nhiều bài học hay từ thực tế thương thuyết.
-------
[117] Một đời như kẻ tìm đường (* * * *)
Tác giả: Phan Văn Trường
NXB: Trẻ - 414 trang - bản in 2019

Nội dung sách như một hồi kí, ghi lại những trải nghiệm và cảm nhận của tác giả.

Nhiều nhận định và bài học bổ ích cho quá trình tìm kiếm, dấn thân, làm việc để có một cuộc sống có ý nghĩa, thành công và hạnh phúc.

Trích một đoạn (trang 300): "Rốt cuộc tôi mới khám phá ra rằng lý tưởng là có thân thể của người 30 và trí tuệ của người 70. Tôi chưa đoán được tuổi 80 sẽ coi 'thằng' 70 như con nít hay không, nhưng tôi tin chắc rằng vào tuổi đó, cách hiểu cuộc đời còn thâm thúy đậm đà hơn nhiều! Bằng chứng là mãi đến năm 65 tuổi, tôi mới hiểu quá muộn bí quyết của sức khỏe. Thật quá đơn giản! Chẳng phải chạy mỗi ngày 5km, hoặc cử tạ mỗi buổi sáng. Chẳng phải uống thêm vài viên vitamin hay một loại thực đơn nào. Hãy cứ ăn đủ mọi loại thức ăn, không cần tự cấm, nhưng chỉ mỗi thứ một ít. Hãy đi bộ tới sở nếu không quá xa. Hãy đi ngủ ngay khi thấy buồn ngủ. Hãy quên việc sở khi về nhà, và tránh làm cái gì nhiều quá. Và hãy xem may rủi trong cuộc đời là chuyện bình thường. Rồi đâu sẽ có đó, trời sinh voi trời sinh cỏ. Tóm lại hãy bình dị hóa cuộc sống, chỉ có thế.

Hãy đừng quan tâm lương cao thấp, vì lương nào cũng đủ sống. Hãy tránh dày vò chính mình và gia đình vì những chuyện vớ vẩn, nhất là những bài toán không có giải pháp. Hãy tránh can thiệp vào chuyện của người khác, vì mỗi người có nghiệp chướng khác nhau, bạn chẳng thay đổi được gì cho họ cũng như họ sẽ chẳng mang lại đươc cái gì cho bạn. Ngay cả với những đứa con của mình cũng thế.

...Sống thế có được gọi là ích kỷ không? Bạn ạ, đó mới chính là nghệ thuật sống để khỏe mạnh và hạnh phúc"
-------

[116] Cẩm nang SCRUM (* * * * +)
Tác giả: nhóm tác giả của Học viện Agile
NXB: Thế giới - 264 trang - bản in 2019

Cả nhóm cùng chung vai để hoàn thành một dự án. Vẫn có quy trình, vẫn lập tài liệu, vẫn có hợp đồng và kế hoạch, tuy nhiên, trên hết vẫn là hiệu quả của công việc, là sự linh hoạt trong quá trình làm dự án.

Một tài liệu rất có ích, nó giúp người đọc nắm được tinh thần của quản trị dự án linh hoạt, rất phù hợp với các nhóm khởi nghiệp, hoặc làm các dự án hoàn toàn mới mẻ.

Cuốn sách hướng dẫn rất chi tiết các bước cần thực hiện, các công cụ liên quan để có thể dễ dàng tiếp cận một phương pháp quản trị và phát triển các dự án, không chỉ cho lĩnh vực phần mềm mà có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, marketing, khởi nghiệp.

Một cuốn sách hay, viết và trình bày rất cẩn thận và chuyên nghiệp.
-------
[115] Cha voi - dạy con nên người ở thời đại số (* * * *)
Tác giả: Trương Nguyện Thành
NXB: Tổng hợp TP.HCM - 332 trang - bản in 2019

Nhiều bài học hay về cách dạy con của chính tác giả, một việt kiều sống tại Mỹ.

Tác giả kể lại những bài học từ cách dạy của ông, của cha ông từ lúc còn nhỏ. Nó ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của ông sau này.

Nói chung, con người sẽ trưởng thành hơn nhờ lao động và kiếm sống từ nhỏ.

Một đứa trẻ cần được dạy về: kỹ năng, nhân cách, tư duy và kiến thức. Nếu cha mẹ chỉ tập trung cho con về kiến thức, sẽ dẫn tới trẻ phát triển không đầy đủ về kỹ năng sống (năng lực sống), cách tư duy, nhân cách. Thực tế, bốn thứ trên đều quan trọng như nhau. 
-------

[114] Thiên đường ở trên cao (* * * *)
Tác giả: Võ Hồng
NXB: Văn học - 363 trang - bản in 2009

Đoạn đời rất ngắn của một cô gái: con nhà giàu, giận người yêu, bỏ đi, sử dụng ma túy, hết tiền, bám theo các đại gia để lấy tiền mua ma túy, yêu một người tử tế, nhưng bệnh tật, quá khứ làm cô mệt mỏi, muốn quay lại làm người bình thường cũng khó, cô tự tử.

Hay, cảm động, nhiều bài học.
-------

[113] Việc làng (* * * +)
Tác giả: Ngô Tất Tố
NXB: Văn học - 132 trang - bản in 2015

"Lệ làng" những năm 1940 ở miền bắc, giờ vẫn thấy thấp thoáng đâu đó.

Nỗi sợ bị làng "tẩy chay" (gạt ra khỏi sổ đinh, sống không ngồi ăn cùng, chết không ai khiêng) ám ảnh mỗi con người một cách ghê gớm. Nó làm cho bao gia đình kiệt quệ về kinh tế, vì phải "khao làng" trong những việc không đâu.

Tất cả gói gọn trong hai thứ là "ăn" và "sĩ diện hão". Xét trên nhu cầu của con người thì bình thường, cũng là nhu cầu cơ bản (ăn), và nhu cầu được tôn trọng, nhưng cái cách để đạt được nó thì thật là "thảm".
-------
[112] Chuyện nhà tôi - bao giờ bước tới bờ vui (* * * *)
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hải
NXB: Tổng hợp TP.HCM - 307 trang - bản in 2018

Nhẹ nhàng, hóm hỉnh, chuyện nhà mà không phải chuyện nhà.

Chuyện đất nước, thế thái, cuộc đời.

Nhiều điều để nghĩ.
-------

[111] Tầm vóc đích thực (* * * +)
Tác giả: Stephen R. Covey
Dịch: Tú Ân
NXB: Tổng hợp TP.HCM - 233 trang - bản in 2018

Theo la bàn chứ không nên theo đồng hồ.

Sự chính trực <> dường như là

Ưu tiên đích thực <> xao lãng

Hy sinh <> mờ ám

Phục vụ <> ích kỷ

Trách nhiệm <> đổ lỗi

Trung tín <> thiếu tôn trọng

Có qua có lại <> được lợi gì?

Đa dạng <> dập khuôn

Học liên tục <> lạc hậu

Rèn mới <> Suy tàn

Giảng dạy <> quên kiến thức đã học
-------

[110] Người tối giản (* * * +)

Tác giả: Phạm Quỳnh Giang
NXB: Hồng Đức - 196 trang - bản in 2018

Một cách để tập trung vào mục tiêu quan trọng, an nhiên, tự tại, tiến tới.
-------
[109] Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam (* * * *)
Tác giả: Nguyễn Quốc Vương
NXB: tri thức - 259 trang - bản in 2017

Trong giáo dục, hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh, cảm thấy bản thân tiến bộ quan trọng hơn niềm vui chiến thắng người khác. (tr 74)

"Người giáo viên quyền uy" khác "người giáo viên quyền lực" (tr 88)

Việc học nghề ở bậc THPT tại Nhật. (tr 125) => được làm thử một số nghề từ THCS, đến THPT thì học nghề thực sự.

Học sử có lợi gì cho mỗi cá nhân? (tr 180) => lý giải các hiện tượng hàng ngày một cách thực chứng, logic, khoa học; định vị được bản thân trong trục thời gian và không gian của lịch sử.

-------

[108] Làm như chơi (* * * *)
Tác giả: Minh Niệm
NXB: văn hóa văn nghệ - 262 trang - bản in 2016

Ở đây và bây giờ.

Ba cấp độ của hạnh phúc: Sự hài lòng (contentment) - Bình yên bên trong (inner peace) - Sự quan tâm hay sẻ chia (caring).

Sự thỏa mãn đem lại nghiện ngập và bất an. Sự hài lòng đem lại an trú thường thức trọn vẹn.

Sự hài lòng vẫn còn phụ thuộc vào điều kiện thuận lợi bên ngoài. Bình yên bên trong là dừng hết mọi mong muốn, không quan trọng cái bên ngoài.

Sự sẻ chia là không con bị kẹt vào cái tôi nhỏ hẹp. Nuôi dưỡng, chia sẻ, bảo vệ "cái tôi chung" (tr. 258)
------

[107] Cuộc cách mạng nền tảng (* * * +)
Tác giả: Geoffrey G. Parker - Marshall W. Van Alstyne - Sangeet Paul Choudary
Dịch: Huỳnh Hữu Tài
NXB: Công thương - 418 trang - bản in 2017

"Việc loại bỏ người gác cổng cũng cho phép người tiêu dùng tự do lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Mô hình giáo dục đại học truyền thống buộc học sinh và phụ huynh phải trả tiền cho một nhóm bao gồm quản lý, giảng dạy, cơ sở vật chất, nghiên cứu và nhiều hơn nữa. Trong vai trò là người gác cổng, trường đại học có thể yêu cầu sinh viên mua toàn bộ gói sản phẩm vì đó là cách duy nhất họ có thể nhận được tấm bằng có giá trị ở mức độ được định sẵn.

Tuy nhiên, nếu được lựa chọn, nhiều sinh viên sẽ lựa chọn các dịch vụ mà họ muốn. Một khi việc sở hữu giấy chứng nhận thay thế được các nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận, các trường đại học sẽ ngày càng khó khăn hơn để duy trì gói sản phẩm cũ. Không có gì đáng ngạc nhiên, việc đưa ra giấy chứng nhận thay thế là một trong những mục tiêu chính của các công ty giáo dục dựa trên nền tảng như Coursera"(p.27)

"... chỉ làm mỗi việc nhận diện thương hiệu thôi thì chưa đủ để khách hàng chấp nhận và sử dụng sản phẩm. Việc đẩy sản phẩm và dịch vụ về phía khách hàng giờ đây không còn là chìa khóa dẫn đến thành công nữa. Thay vào đó, những sản phẩm và dịch vụ này phải được thiết kế sao cho có thể hấp dẫn và lôi cuốn khách hàng về phía mình một cách tự nhiên nhất." (p.125)
--------

[106] Tĩnh lặng (* * * +)
Tác giả: Thích Nhất Hạnh
Dịch: Chân Hội Nghiêm
NXB: thế giới - 188 trang - bản in 2017

Ở đây và bây giờ.
Không tách công việc ra khỏi cuộc sống.
--------

[105] Chốt sales (* * * +)
Tác giả: Stephen M. R. Covery
Dịch: Trịnh Hoàng Kim Phượng
NXB: Tổng hợp TPHCM - PACE - 124 trang - bản in 2018

Cách hiệu quả nhất để thuyết phục khách hàng là hành trình giúp họ thành công.
--------
[104] Kết nối (* * * *)
Tác giả: GS John Vu
Dịch: Ngô Trung Việt
NXB: First News - Tổng hợp TP.HCM - 176 trang - bản in 2017

Với sinh viên,

- Đây là cuốn sách giúp các em xác định được phương pháp học đúng. Việc học không chỉ dừng lại ở mức ghi nhớ và hiểu vấn đề nữa, mà nó phải đi xa hơn, ít nhất cũng phải biết sử dụng vào công việc thực tế.

- Nên xác định việc học sẽ không kết thúc sau khi tốt nghiệp, mà nó sẽ kéo dài suốt cuộc đời. Nên tập thói quen học bằng cách đọc nhiều, học qua Internet và "học qua hành".

- Danh sách các kĩ năng sinh viên và người đi làm cần trang bị: kỹ năng mềm, kỹ năng con người, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng trao đổi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng làm việc nhóm

- Cách lên kế hoạch cho nghề nghiệp từ khi còn trong trường đại học

- Cách tìm việc làm, quy trình chuẩn bị và tham gia phỏng vấn việc làm

Với giáo viên,

- Kinh nghiệm giúp sinh viên phải đọc sách

- Phương pháp dạy truyền thống <> phương pháp "học qua hành" (chú trọng tới kĩ năng)

- Đào tạo "hàn lâm một cách cảm tính" hay đào tạo nghề

- Khó đánh giá được sinh viên nếu chỉ dựa vào việc thi

- Các kỹ năng mềm cần trang bị cho sinh viên

- Chia sẻ một kinh nghiệp phỏng vấn việc làm hiện nay của các công ty công nghệ lớn
--------
[103] Trà hoa nữ (* * * +)
Tác giả: Alexandre Dumas
Dịch: Hải Nguyên
NXB: Văn học - 283 trang - bản in 2011

Tình yêu đẹp, mà buồn của một kỹ nữ.
Làm nghề kỹ nữ, yêu hết mình, để rồi chết vì tình yêu.
--------
[102] Cách sống (* * * *)
Tác giả: Inamori Kazuo
Dịch: Phạm Hữu Lợi
NXB: Lao động & Xã hội - 226 trang - bản in 2017

(((((chân ngã) linh hồn) bản năng) tính cách) lý tính): khi chào đời đã có ba lớp (chân ngã, linh hồn, bản năng), theo thời gian con người hình thành tính cách, có lý tính. Theo thời gian các lớp lại bị bóc tách và bị mất dần.

Hướng tới "chân - thiện - mỹ" trong công việc, cuộc sống.

Tác giả cuốn sách là người sáng lập tập đoàn Kyocera - Nhật bản.
--------
[101] Code dạo kí sự (* * * *)
Tác giả: Phạm Huy Hoàng
NXB: Dân trí - 298 trang - bản in 2017

Học sinh 12 thích ngành Công nghệ Thông tin nên đọc để chọn trường.
Sinh viên Công nghệ Thông tin nên đọc để biết cách học cho hiệu quả.
Sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, xin việc và đi làm nên đọc để định hướng thêm.

Về định hướng cho sinh viên, nên đọc thêm cuốn này:

Khởi hành - lời khuyên học sinh sinh viên Việt Nam
Tác giả: John Vu
Dịch: Ngô Trung Việt
NXB: Tổng hợp Tp.HCM - 134 trang - bản in 2016


---------
[100] Khi tựa gối khi cúi đầu (* * * * +)
Tác giả: Cao Huy Thuần
NXB: Tri thức - 306 trang - bản in 2017

Số mạng, tin rồi phó mặc, hay thử thay đổi. (số mạng)
Thái độ với chính trị, văn hóa, giáo dục (Điện ơi)
"quên đi nhiều thứ để nhớ một vài thứ"
Bài viết về thuyết tiến hóa Darwin.

----------
[99] Đàn bà thì phù phiếm (* * *)
Tác giả: Hà Thanh Vân
NXB: Phụ nữ - 294 trang - bản in 2017

Hiểu thêm về một nửa của thế giới.
----------
[98] Lý Quang Diệu bàn về cuộc đời (* * * +)
Tác giả: Janice Tay & Ronald Kow
Dịch: Nguyễn Quang Khải
NXB: Trẻ - 77 trang - bản in 2017

Lang thang ở phòng chờ máy bay, ba bố con không biết làm gì, vào cửa hàng bán sách mỗi người mua một cuốn. (18/4/2018). Bố mua cuốn này, hai con hai cuốn Doremon.

Nhiều ý ngắn gọn của Lý Quang Diệu về cuộc đời như: sức khỏe, phong cách sống, học tập, đầu tư, các mối quan hệ.

----------
[97] Vẫy vào vô tận - tùy bút chân dung học thuật (* * * * +)
Tác giả: Đỗ Lai Thúy
NXB: Phụ nữ - 463 trang - bản in 2014

1. Nguyễn Trường Tộ (1830 -1871): ước muốn canh tân đất nước - vùng vẫy mà không thoát ra được tấm mạng nhện. (Nho giáo - đề cao cộng đồng làng xã <> Kitô giáo - đề cao cá nhân)

2. Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898): mở đầu đối thoại Đông - Tây, kết hợp khoa học phương Tây và đạo lý Nho giáo.

"Nói vậy, không có nghĩa là văn hóa phương Tây không có đạo lý, mà bởi người Việt còn chưa quen với hình thức đạo lý này, nên giữ lấy đạo lý Nho học cũ. Hơn nữa, đạo lý Nho giáo ở chỗ thâm sâu nhất, tinh túy nhất cũng sẽ tham thông với Kitô giáo và văn hóa Pháp. Như vậy, cải cách xã hội là tiếp thu khoa học, kỹ thuật, các thể chế chính trị, luật pháp, giáo dục phương Tây trên cơ sở nền đạo lý Nho học" (tr.45)

3. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936): Nước Nam và chữ Quốc Ngữ, "dịch là để hoàn thiện tiếng Việt" (tr.69). Ăn mặc, lối sống phương Tây.

4. Phạm Quỳnh (1892 - 1945): Trương Vĩnh Ký mở đầu đối thoại Đông - Tây, Phạm Quỳnh tiếp tục đặt nền móng cho cuộc đối thoại này.

Giữ cái nền văn hóa Việt, bồi đắp thêm khoa học, văn minh phương Tây.

Cái cách học mà không thoát khỏi "tư cách học trò", "tâm lý học trò" thì khó mà tiến xa được, không có tinh thần "khai phóng".

"...người Nhật không học theo chế độ khoa cử Tàu, còn ta 'học Tàu lại chỉ thuần một phương diện cử nghiệp, là cái học rất thô thiển, không có giá trị gì và nghĩa lý tinh thần cả mài miệt về một đường đó trong mấy mươi đời, thành ra cái óc bị tê liệt đi mà không sản xuất ra được tư tưởng gì mới lạ nữa  " (tr.91)

5. Phan khôi (1887 -1959): thích tranh luận, tinh thần tự học. Văn minh phương Tây là văn minh vật chất, văn minh phương Đông là văn minh tinh thẩn? (tr.125)

6. Nhất Linh (1905 - 1963)

7. Đinh Gia Trinh (1915 - 1974):
- 1913 : 1932 tổng hợp văn hóa Đông - Tây
- 1930 : 1940 đoạn tuyệt văn hóa phương Đông, hướng tới văn hóa phương Tây triệt để
- 1940 : 1945 trở lại hài hòa văn hóa Đông - Tây

8. Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) tấm gương tự học, giúp nâng cao dân trí cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ
....
----------
[96] Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (* * * * +)
Tác giả: Cao Huy Thuần
NXB: Hồng Đức - 181 trang - bản in 2017

Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo

"Kho tàng văn hóa phương Đông quá dồi dào chất liệu để xây dựng một quan điểm nhân quyền có khả năng bảo vệ nhân phẩm và địa vị cao quý của con người mà Đông phương trân trọng không kém gì phương Tây. Trong tranh chấp gay gắt hiện nay về nhân quyền, phương Đông không việc gì để sợ phương Tây. Chỉ thiếu một điểm thôi là ý muốn xây dựng một lý thuyết đích thực, có khả năng áp dụng đích thực." (tr.108)

Người Nhật cũng đã từng làm theo cách này thì phải, chủ trương của họ là "Khoa học phương Tây nhưng tinh thần Nhật Bản".

Vậy "tinh thần Việt Nam" là gì?

"Có lẽ ai cũng thấy xã hội cần luật. Nhưng hình như văn minh Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam không duy lý như văn minh Âu châu. Hình như đạo đức vẫn là đòi hỏi từ trong tâm khảm. Hình như tính xuề xòa vẫn là khuyết tật cố hữu: chín bỏ làm mười. Hình như đức tính khoan hòa, độ lượng, trung dung vẫn là lý tưởng trong cách xử thế của con người." (tr.148)

Chỉ theo "nhân trị - nhân chi sơ tính bản thiện" của Khổng tử, Mạnh tử (khổng giáo) cũng không tốt.

Chỉ theo "pháp trị - bản tính con người là ác, bản chất là lợi/sợ => thưởng/phạt" của Hàn Phi Tử cũng không tốt.

Cả Phương Đông và Phương Tây đang kết hợp cả nhân trị và pháp trị (có tình có lý??).

"Ở các đất giàu, màu mỡ hơn, sản xuất dễ, đạo đức nhấn mạnh trên phân phối, trên bố thí. Nhật là đất nghèo, sản xuất là sống chết, vì vậy đạo đức đặt nặng trên cần lao, ở mọi ngành nghề" (tr.173)

----------
[95] Đường về nô lệ (?????)

Tác giả: F.A.Hayek
Dịch: Phạm Nguyên Trường
NXB: Tri Thức - 440 trang - bản in 2009

Hiểu lơ mơ về kinh tế học.
----------

[94] Bút kí Lang thang như gió (* * * *)

Tác giả: bác sĩ Nguyễn Đình Phương
NXB: Phụ nữ - 262 trang - bản in 2013

"Một bác sĩ lành nghề sẽ không hốt hoảng, không run rẩy, không hớt hơ hớt hải, không phí thời gian ân cần...khi bệnh nhân trở nặng. Người bác sĩ đó phải tỉnh táo, thậm chí lạnh lùng để nhanh chóng giải bài toán cấp cứu trong đầu mình, càng nhanh càng tốt. Không có chỗ cho cảm xúc ở đây! Càng nhiều cảm xúc chi phối, con người thoi thóp trước mặt càng ít có cơ may được cứu sống. (tr 68).

Đường đi hay đích đến? Phàm là dân đi bụi, chắc ai cũng biết câu "đích đến không quan trọng bằng đường đi".

Nhiếp ảnh hay photo-graphy, theo từ nguyên là vẽ bằng ánh sáng. Nhưng làm sao tôi vẽ được cái kinh khủng, khốc liệt của tia sáng cuối cùng của sự sống khi đi qua đôi đồng tử giãn rộng méo mó của những bệnh nhân tôi trong phút lìa đời. (tr.176)

Nơi đó, hắn gặp một cụ già, tò mò ngắm nghía hắn rình rập chụp lũ cò trắng xa xa với nụ cười móm mém nhưng đáng yêu quá chừng. Một cái vỗ vai, "để tui đi đuổi tụi cò bay lên cho chú chụp". Không chụp nổi thư cụ! Vì cái cười bao dung của cụ, đã làm cho gã thị thành cảm động đến tận đáy lòng, làm sao chụp nổi. Có chăng, là chụp lại nụ cười móm mém của cụ, chụp lại cái tình quê đáng yêu của ruộng đồng này. (tr.185)

Dưới bàn tay của Zim, tình yêu đầu đời của Chopin hiện ra, nguyên vẹn, thanh khiết, đầy hân hoan nhưng ngập tràn khắc khoải. Chopin hiện dần ra dưới ngón đàn Zim, trầm mặc, đượm buồn với đôi mắt sâu thẳm, xanh xao gầy guộc với bàn tay thanh tú. Được bộ dây tuyệt luân của dàn nhạc ve vuốt, cây Steinway cực tốt của Zim ngân nga, sang trọng, cao quý, rơi rụng từng giọt như sương đêm, lấp lánh như ngọc. 


----------
[93] Những bài chưa xuất bản (* * * * +)
Tác giả: Alan Phan
NXB: Hồng Đức - 257 trang - bản in 2017

"Cho nên, dù chúng ta đang ngồi trên một 'hàng không mẫu hạng' lênh đênh không bờ bến, chúng ta vẫn có thể tự xây cho mình và bạn bè gia đình những con thuyền nhỏ, tự lo bơi về một bến bờ mong ước của mình" (p.43)

Suy nghĩ của tác giả về nhiều thứ trong cuộc sống.
----------
[92] Khế ước xã hội (?????)

Tác giả: Jean-Jacques Rousseau
Dịch: Dương Văn Hóa
NXB: Thế Giới - 239 trang - bản in 2016

Chưa đủ khả năng để hiểu cuốn sách này, ẹ ẹ!