Web front-end (2) - Trình duyệt web là gì?

Bài trước: Web front-end (1) - Web là gì?

-----

1.1       Trình duyệt web

Web là không gian thông tin toàn cầu, để có thể truy cập vào không gian thông tin toàn cầu này, người dùng cần có phần mềm chuyên dụng. Phần này sẽ tìm hiểu kĩ hơn về trình duyệt, một phần mềm chuyên dụng để truy cập web.

Với người dùng, trình duyệt là công cụ để khai thác và sử dụng tài nguyên web. Với lập trình viên, trình duyệt là công cụ để dịch mã nguồn, để hiển thị kết quả.

Trình duyệt web là gì?

Trình duyệt web (web browser) hay được gọi tắt là trình duyệt (browser) là một phần mềm, được sử dụng để truy cập thông tin trên web. Mỗi một tài nguyên web (dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, video) đều có một URL xác định, trình duyệt sẽ dựa theo các URL này để tải nội dung về và hiển thị cho người dùng.

Do web hoạt động theo kiến trúc client-server, nên thông tin web sẽ được đặt tại các máy server, người dùng sẽ sử dụng trình duyệt để yêu cầu thông tin từ một server cụ thể (bước 1). Khi nhận được yêu cầu từ trình duyệt, server sẽ xử lý yêu cầu (bước 2) và gửi lại kết quả (bước 3) để hiển thị lên trình duyệt (bước 4). Xem hình minh họa.


Trình duyệt đầu tiên do Tim Berners-Lee tạo ra năm 1990, có tên ban đầu là WorldWideWeb, sau đổi tên thành Nexus.

Trình duyệt thường được cài đặt trên một số thiết bị phổ biến như máy tính để bàn (desktop), máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smartphone). Hiện nay có rất nhiều trình duyệt khác nhau, ví dụ Chrome, Firefox, Microsoft Edge, Safari, Opera, Cốc Cốc.

Trình duyệt gồm nhiều thành phần như: User interface, Browser engine, Rendering engine, Networking, JavaScript Interpreter, UI Backend, Data Persistence. Xem hình minh họa.


Trong đó,

– User interface: là toàn bộ giao diện của trình duyệt, ngoại trừ phần cửa sổ chứa nội dung của trang web, cho phép người dùng tương tác với trình duyệt. Một số thành phần của User interface: menu, thanh địa chỉ, các nút, thanh trạng thái.

– Browser engine: thực hiện ghép nối, điều phối hoạt động giữa User interface và Rendering engine. Ví dụ, Browser engine sẽ nhận lệnh từ User interface và gửi cho Rendering engine thực thi. Ví dụ, khi bạn bấm nút Reload this page (thuộc thành phần User interface), lệnh này sẽ được Browser engine gửi cho Rendering engine để tải và hiển thị lại nội dung trang web hiện thời.

– Rendering engine: phân tích mã HTML, CSS để hiển thị nội dung web ra cửa sổ trình duyệt

– Networking: thực hiện các giao tiếp mạng, truyền dữ liệu giữa trình duyệt và máy server

– JavaScript Interpreter: phân tích và thực thi mã JavaScript

– UI Backend: thực hiện vẽ các đối tượng cơ bản, ví dụ các cửa sổ, combo box

– Data Persistence: thực hiện các công việc liên quan đến lưu trữ dữ liệu trên máy cục bộ (ví dụ cookie, cache)

Rendering engine còn có tên gọi khác là Layout engine.

Các trình duyệt khác nhau thường sử dụng các Rendering engine và JavaScript interpreter[1] khác nhau. Ví dụ,

Trình duyệt

Rendering engine/

Layout engine

JavaScript Interpreter

Chrome

Blink

V8

Mozilla Firefox

Gecko

SpiderMonkey

Microsoft Edge

EdgeHTML

Chakra JavaScript engine

Opera

Blink

V8

Internet Explorer

Trident

Chakra JavaScript engine

Apple Safari

Webkit

JavaScript Core (Nitro)

Có thể thấy, trình duyệt là một phần mềm khá đặc biệt, nó vừa nhận mã nguồn từ máy server gửi tới, vừa thực thi mã nguồn để xuất ra kết quả (đóng vai trò là trình thông/biên dịch) và cho người dùng tương tác với kết quả hiển thị (chạy ứng dụng).

Là một lập trình viên, bạn cần phải xem xét trình duyệt ở cả hai vai trò. Thứ nhất, là người sử dụng, bạn sẽ sử dụng trình duyệt để duyệt web. Thứ hai, là lập trình viên, bạn sẽ sử dụng trình duyệt để xem trước trang web kết quả, sửa lỗi, và thiết kế giao diện.

Sử dụng trình duyệt để duyệt web

Với vai trò là người sử dụng, cần phân biệt hai khu vực khác nhau của trình duyệt. Một là giao diện của trình duyệt (vùng 1) và hai là giao diện của trang web hay ứng dụng web (vùng 2). Xem hình minh họa.



Giao diện của trình duyệt

Mỗi loại trình duyệt sẽ có giao diện khác nhau, tuy nhiên, thường sẽ gồm các phần sau: các tab, thanh địa chỉ, các nút điều khiển, menu, thanh trạng thái, thanh cuộn (ngang, dọc).

– Người dùng thường có nhu cầu mở nhiều trang web cùng một lúc, mỗi trang web sẽ nằm trên một tab. Để mở trang web trên một tab mới, người dùng sẽ bấm vào nút “New tab”.

– Sau khi mở tab mới, người dùng sẽ nhập địa chỉ của trang web (ứng dụng web, hoặc tài nguyên web bất kỳ) vào thanh địa chỉ. Bấm phím Enter để trình duyệt lấy tài nguyên web từ server về và hiển thị.

– Thanh trạng thái (status bar): hiển thị URL khi người dùng rê chuột lên các liên kết của trang web, hoặc hiển thị thông báo khi trang web đang được tải về. Thường thì thanh trạng thái sẽ không xuất hiện, nó chỉ xuất hiện khi có thông tin cần được hiển thị.

– Trên giao diện của trình duyệt cũng có các nút điều khiển, chúng được sử dụng để tải lại trang web hiện tại (reload), trở về trang mặc định do người dùng thiết lập (home page), trở về trang trước (go back), đi tới trang sau (go forward), và nhiều nút chức năng khác.

– Menu: chứa các chức năng cho phép người dùng thiết lập chế độ hiển thị, ngôn ngữ, bảo mật, cài thêm các chức năng mở rộng, mở bộ công cụ cho lập trình viên (developer tools), và nhiều chức năng khác.

– Thanh cuộn (của trình duyệt): cho phép người dùng cuộn ngang và dọc để xem các phần thông tin chưa được hiển thị hết trong khung nhìn hiện tại.

Giao diện của trang web

Giao diện của trang web, hay của ứng dụng web là phần nội dung được trình duyệt lấy từ server về và hiển thị cho người dùng. Nó chính là trang tin, trang thương mại điện tử hoặc các ứng dụng web khác, mà người sở hữu trang web muốn gửi tới người dùng và khách hàng của họ.

Sử dụng trình duyệt trong quá trình tạo ra trang web

Để tạo ra trang web, lập trình viên thường sử dụng các trình viết mã (text editor, code editor) hoặc môi trường phát triển tích hợp (IDE). Tuy nhiên, trong quá trình tạo ra trang web, lập trình viên cũng có thể kết hợp thêm một số tiện ích của trình duyệt để thiết kế giao diện, kiểm tra và sửa lỗi, xem trước kết quả.

Các hướng dẫn liên quan đến sử dụng trình duyệt trong quá trình tạo ra trang web sẽ lần lượt trình bày trong những phần sau.

Quá trình hiển thị trang web của trình duyệt

Như đã biết, do web hoạt động theo kiến trúc client-server, nên để có trang web trên trình duyệt cần trải qua các bước sau:

– Người dùng nhập địa chỉ trang web (URL) vào thanh địa chỉ

– Trình duyệt dựa vào URL trong thanh địa chỉ, kết nối tới máy web server, gửi yêu cầu tới web server (ví dụ yêu cầu: gửi cho nội dung trang web en.wikipedia.org).

– Web server xử lý yêu cầu, gửi trả kết quả về cho trình duyệt (ví dụ nội dung trang web dưới dạng mã nguồn HTML, CSS và JavaScript).

– Quá trình hiển thị trang web của trình duyệt được thực hiện sau khi trình duyệt đã nhận được kết quả trả về của web server (gồm mã HTML, CSS, JavaScript). Xem hình minh họa.


Các bước của quá trình hiển thị:

– Phân tích mã HTML để tạo cây DOM (DOM tree)

– Phân tích mã CSS để tạo CSSOM (CSS Object Model - mô hình đối tượng CSS)

– Kết hợp cây DOM và CSSOM để tạo ra cây kết xuất (Render tree)

– Dựng khung giao diện (layout) dựa trên cây kết xuất

– Hiển thị nội dung lên trình duyệt (painting)

Lưu ý: do việc hiển thị nội dung lên trang web có liên quan đến việc xử lý ba loại mã khác nhau là HTML, CSS và JavaScript. Quá trình xử lý mỗi loại mã cũng khác nhau. Vì vậy, kĩ thuật viết và tổ chức mã nguồn của một trang web có ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ hiển thị. Ngoài ra, các trình duyệt khác nhau thường sử dụng các Rendering engine khác nhau nên kết quả hiển thị cũng sẽ khác nhau trên mỗi trình duyệt.

Xem và đọc thêm

Trình duyệt (tiếng Việt): https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%ACnh_duy%E1%BB%87t_web

Trình duyệt (tiếng Anh): https://en.wikipedia.org/wiki/Web_browser

Hiểu về quá trình hiển thị trang web của trình duyệt (tiếng Việt): https://vntesters.com/hieu-ve-trinh-duyet-how-browsers-work/.

Hiểu về quá trình hiển thị trang web của trình duyệt (tiếng Anh): http://taligarsiel.com/Projects/howbrowserswork1.htm

Trình duyệt web (xem): https://www.youtube.com/watch?v=mxpost8rwXE

How a web browser builds and displays a web page (view): https://www.youtube.com/watch?v=DuSURHrZG6I&t=121s

How do web browser work (view): https://www.youtube.com/watch?v=WjDrMKZWCt0

Các từ khóa (sử dụng các từ khóa này để tìm kiếm trên Google hoặc Youtube để đọc và xem thêm): trình duyệt là gì, web browser là gì, web browser tutorial, how to web browser display a web page.

Bài tập và thực hành

Bài tập 1. Truy cập và sử dụng một số trang web, ghi lại các thông tin được hiển thị trên thanh trạng thái (nằm ở phía dưới cùng của cửa sổ trình duyệt). Mục đích: để giúp bạn quan sát được quá trình lấy mã nguồn trang web từ server về trình duyệt, và quan sát các liên kết có trong một trang web.

[Gợi ý]

– Bước 1. Mở trình duyệt web

– Bước 2. Nhập địa chỉ của một trang web (URL) vào thanh địa chỉ (ví dụ trang https://en.wikipedia.org), bấm Enter.

– Bước 3. Ngay khi bấm Enter ở bước 2, nhìn xuống phía dưới cùng, góc trái của cửa sổ trình duyệt sẽ thấy dòng chữ “waiting for ….”. Ví dụ “waiting for en.wikipedia.org”.

­– Bước 4. Khi trang web đã hiển thị xong, dùng chuột di chuyển trên các danh mục, các tiêu đề bài viết, hoặc các nút bấm của trang web, quan sát nội dung xuất hiện trên thanh trạng thái, đó chính là các URL của các liên kết. Ghi lại các thông tin để hiểu thêm về URL.

Bài tập 2. Tạo bookmark cho 5 trang web hữu ích đối với bạn.

[Gợi ý]

(thực hiện trên trình duyệt Chrome)

– Bước 1. Mở trang web cần tạo bookmark

– Bước 2. Bấm vào nút Bookmark this tab (hình ngôi sao) ở cuối thanh địa chỉ, để mở cửa sổ Bookmark added, chọn Edit bookmark để mở cửa sổ Edit bookmark

– Bước 3. Trong cửa sổ Edit bookmark thực hiện đặt lại tên, và chọn vị trí lưu bookmark phù hợp

– Bước 4. Khi cần mở lại một trang web đã được lưa vào bookmark, chỉ cần bấm vào tên tương ứng trong bookmark.

 Bài tập 3. Lưu đoạn mã nguồn của trang web sau vào một tập tin (test.html). Sau đó mở tập tin bằng trình duyệt. Sử dụng tab Elements của Developer tools, chỉ ra mã nguồn HTML, CSS và cây DOM của trang web.

[test.html]

<!DOCTYPE html>

<html>

<head>

    <style>

        h1 { color: red; }

        p { color: green; }

    </style>

</head>

<body>

    <h1>Trang web đầu tiên của bác Tèo</h1>

    <p>Học về web browser</p>

</body>

</html>

[Gợi ý]

Để mở developer tools, cần mở trình duyệt, và sử dụng một trong các cách sau:

– Bấm tổ hợp ba phím Ctrl+Shift+I

– Bấm phím F12

– Vào menu của trình duyệt tìm tới mục Developer tools

– Bấm chuột phải vào trang web, chọn Inspect

Trong cửa sổ của Developer tools, chọn tab Elements

– Khung bên trái của cửa sổ Elements chính là cây DOM, cũng là nội dung mã HTML của trang web hiện tại

– Khung bên phải của cửa sổ Elements (tab Styles) chính là CSS của trang web

Bài tập 4 (nâng cao). Add-on của trình duyệt là gì? Thực hành thêm một add-on bất kỳ cho trình duyệt. Tìm hiểu cách lập trình một add-on cho trình duyệt (dùng JavaScript), ví dụ, tạo ra chức năng THÊM, XÓA, SỬA các mục từ cho trang Google Sheet sau: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1koyx85jh12QUat8FQxkVh8AI4Gr-E6NZkfXN84Fc1oE/edit?usp=sharing

Câu hỏi ôn tập

Câu hỏi 1. Trình duyệt web đầu tiên do ai tạo ra?

A. Steve Jobs

B. Tim Berners-Lee

C. Bill Gates

D. Chrome

Câu hỏi 2. Có thể sử dụng trình duyệt web để?

A. Xem nội dung trang web

B. Hỗ trợ quá trình thiết kế giao diện

C. Giúp tìm và sửa lỗi trong quá trình phát triển web

D. Cả A, B, và C

Câu hỏi 3. A web browser (commonly referred to as a browser or internet browser) is an _________ for accessing the World Wide Web.

A. application software

B. operating system

C. library

D. framework

Câu hỏi 4. Mã nguồn trang web, khi trình duyệt nhận về từ web server có thể gồm?

A. HTML, CSS, PHP, JavaScript

B. HTML, CSS, C#

C. CSS, C#, SQL

D. CSS, JavaScript, HTML

Câu hỏi 5. Một số kết quả trung gian được tạo ra khi trình duyệt hiển thị trang web là gì?

A. DOM, CSSOM, Trang web kết quả, HTML

B. CSS, DOM, Trang web kết quả, DOM Tree

C. DOM tree, CSSOM, Trang web kết quả, Render tree

D. CSSOM, DOM tree, OOP, Render tree

Câu hỏi 6. CSSOM là viết tắt của?

A. CSS Object Modern

B. CSS Oriented Model

C. CSS Object Mode

D. CSS Object Model

---------

Cập nhật: 18/3/2024

-----

Tải tài liệu đầy đủ: Tự học HTML căn bản

Web front-end (1) - Web là gì?

Bài trước: Web (7) - Lộ trình học web front-end

-----

1         Web

1.1       Web là gì?

Web còn có tên gọi khác là WWW[1], hoặc World Wide Web. Web là không gian thông tin toàn cầu. Cụ thể hơn, web là một không gian, được tạo ra bởi thông tin và có phạm vi toàn cầu.


Năm 1989, Tim Berners-Lee là người phát minh ra web. Một năm sau đó, ông cũng là người đã tạo ra chương trình để đọc thông tin trên web, gọi là trình duyệt web (web browser), hay được gọi tắt là trình duyệt (browser).

Không gian thông tin toàn cầu có một số đặc điểm sau:

– Có phạm vi toàn cầu: người dùng ở mọi nơi đều có thể truy cập vào không gian thông tin này. Họ chỉ cần có một trong các thiết bị như máy tính, tivi, điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) hoặc một thiết bị điện tử bất kỳ (gọi chung là máy tính), miễn là có kết nối tới Internet.

– Thông tin trong hệ thống web tồn tại ở nhiều dạng: văn bản (text), hình ảnh, video, âm thanh. Các thông tin này được gọi chung là tài nguyên web. Mỗi tài nguyên web được xác định bằng một địa chỉ cụ thể gọi là URL.

– Không gian thông tin được tạo ra bởi rất nhiều các liên kết (link) (cũng được gọi là siêu liên kết - hyperlink) giữa các tài nguyên web với nhau. Các liên kết này được các lập trình viên tạo ra trong quá trình làm web, thực chất nó là liên kết tới các URL.

– Hạ tầng của không gian thông tin toàn cầu chính là Internet. Hạ tầng Internet gồm hai loại: hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Trong đó, hạ tầng cứng bao gồm các thiết bị mạng, máy tính, môi trường truyền; và hạ tầng mềm gồm các giao thức và các phần mềm.

Mỗi khi nói đến web, người ta thường nhắc đến các thành phần có liên quan như: máy tính, mạng, Internet, web, trình duyệt, máy tìm kiếm (search engine) hay được gọi là trang tìm kiếm, và nội dung.


Để dễ hiểu về web, hãy quan sát quá trình bạn lên mạng, để tìm hiểu về thuật ngữ “World Wide Web” chẳng hạn:

– Đầu tiên, bạn cần có một máy tính kết nối vào mạng Internet

– Mở trình duyệt, nhập từ khóa “World Wide Web” vào một trang tìm kiếm bất kỳ (ví dụ Google), bấm Enter để tìm kiếm

– Trang tìm kiếm sẽ trả về các liên kết (link) tới trang web cụ thể (các URL) có nội dung liên quan tới “World Wide Web”.

– Bạn bấm vào các liên kết để mở nội dung (content) cần tìm hiểu. Mỗi kết quả tìm kiếm sẽ có một URL khác nhau

1.2       Nội dung của web

Nội dung trên web rất đa dạng, có thể là văn bản, hình ảnh, video, âm thanh. Bạn hãy mở các trang web có nội dung tương ứng, sau đó chép đường dẫn (URL) của mỗi trang, lưu lại và quan sát các URL.

Ví dụ:

– Trang web có nội dung là văn bản: https://en.wikipedia.org/wiki/World_Wide_Web

– Trang web có nội dung là hình ảnh: https://pixabay.com/vi/

– Trang web có nội dung là video: https://www.youtube.com/watch?v=J8hzJxb0rpc

– Trang web có nội dung âm thanh: https://www.thisamericanlife.org/706/a-mess-to-be-reckoned-with

– Đa số các trang web sẽ có nội dung là kết hợp của nhiều dạng dữ liệu khác nhau, vừa có văn bản, hình ảnh, video và âm thanh. Ví dụ các ứng dụng web hoặc các trang thương mại điện tử.

Là một lập trình viên trong tương lai, bạn nên suy nghĩa về việc làm thế nào để biểu diễn được các loại thông tin (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video) lên một trang web, sau đó đưa trang web lên hệ thống web.

Quan sát các URL ở ví dụ trên sẽ thấy, mỗi URL luôn bắt đầu là https:// hoặc http://, sau đó là một chuỗi các kí tự, kí hiệu khác nhau. Bạn sẽ tìm hiểu kĩ hơn về URL ở các phần sau.

Con người đã ứng dụng web vào rất nhiều lĩnh vực, từ y tế, văn hóa, kinh tế, chính trị, giáo dục, truyền thông, giải trí.

1.3       Xem và đọc thêm

Bạn có thể đọc thêm về world wide web trên mạng, bằng cách vào trang tìm kiếm bất kỳ, gõ từ khóa “world wide web tutorial”, “học world wide web”, mở trang kết quả bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để đọc thêm. Ví dụ: https://en.wikipedia.org/wiki/World_Wide_Web

Bạn có thể xem thêm về world wide web trên mạng, bằng cách vào trang chuyên về video gõ từ khóa “world wide web tutorial” “tìm hiểu về world wide web”, mở một vài clip bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh để xem. 

– World wide web (computer science): https://www.youtube.com/watch?v=guvsH5OFizE

– World wide web: https://www.youtube.com/watch?v=83y4X8S2BEI

– World wide web là gì? https://www.youtube.com/watch?v=cgUZmx7EhKU

1.4       Bài tập và thực hành

Cách đặt tên thư mục/tập tin

Việc đặt tên thư mục/tập tin theo quy ước giúp hình thành tính cẩn thận, tính chuyên nghiệp, dễ dàng làm việc với các thành viên khác trong nhóm và hạn chế việc phát sinh các lỗi không đáng có.

Sau đây là một số quy ước nên theo:

Sử dụng phần mở rộng của tập tin (filename extension) chính xác, ví dụ các tập tin HTML sẽ có phần mở rộng là .html, hoặc hình ảnh thì sẽ có phần mở rộng là .gif, .png, .jpg hoặc .jpeg.

Không đặt tên thư mục/tập tin có dấu tiếng Việt, có thể đặt tên tập tin bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Việt không dấu, ví dụ login.html hoặc dang-nhap.html.

– Không nên đặt tên thư mục/tập tin có chứa khoảng trắng, với các tên gồm nhiều từ, thì nên nối các từ đó bằng dấu gạch nối (-) (hyphen), hoặc gạch chân ( _ ) (underline, underscore), ví dụ dang-nhap.html hoặc dang_nhap.html. Cũng có thể viết liền và viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi từ, ví dụ: dangNhap.html, hoặc DangNhap.html.

Không sử dụng các kí tự đặc biệt (special characters) để đặt tên, ví dụ không sử dụng các kí tự sau: %, ?, #, /, :, ;, *. Nên đặt tên bằng các kí tự thông thường (letter), kí số (number), dấu gạch nối, dấu gạch chân, dấu chấm.

Một số hệ thống có phân biệt chữ hoa và chữ thường, ví dụ DANG-NHAP.html sẽ khác với dang-nhap.html vì vậy nên sử dụng toàn bộ là chữ thường.

Tên tập tin nên đặt ngắn gọn, giúp dễ đọc, dễ quản lý.

Tự lựa chọn và hình thành cho mình phong cách đặt tên cho chuyên nghiệp, thống nhất, điều này giúp việc lập trình dễ dàng hơn, ví dụ sẽ ít bị gõ sai tên các tập tin khi cần tham chiếu đến nó.

Bài tập 1. Tạo liên kết để mở một trang web trên hệ thống web.

– Bước 1. Mở một trình soạn văn bản thuần (plain text) bất kỳ (ví dụ Notepad)

– Bước 2. Nhập vào đoạn mã sau:

<a href="https://en.wikipedia.org/wiki/World_Wide_Web">Đọc thêm về World Wide Web trên Wikipedia</a>

– Bước 3. Lưu tập tin với tên bất kỳ, với phần mở rộng là “html”, ví dụ bai_tap1.html

Chú ý: khi lưu trong Notepad, để chắc chắn phần mở rộng của tập tin là “.html” chứ không phải là “.html.txt” thì trong lúc lưu, tới phần nhập tên cho tập tin, mục File name, nhớ bao phần tên và phần mở rộng bằng dấu nháy kép (“”), ví dụ “bai_tap1.html”.

– Bước 4. Mở tập tin bai_tap1.html bằng trình duyệt

– Bước 5. Trên trình duyệt sẽ xuất hiện dòng chữ:

Đọc thêm về World Wide Web trên Wikipedia

– Bước 6. Bấm vào dòng chữ trên, để mở trang nội dung viết về “World Wide Web”.

Bài tập 2. Phát triển từ bài tập 1, hãy tạo năm liên kết đến năm trang web mà bạn hay mở mỗi ngày. Thiết lập trang web này là trang mặc định, khi mở trình duyệt.

Tham khảo:

[bai_tap2.html]

<a href="https://tuoitre.vn/">Đọc tin tức</a>

<a href="https://www.youtube.com/">Nghe nhạc</a>

<a href="https://www.thisamericanlife.org/">Học tiếng Anh</a>

<a href="https://www.udemy.com/">Học lập trình</a>

<a href="http://legiacong.blogspot.com/">Viết blog</a>

– Mở trình duyệt (chrome), vào mục Settings \ ở khung bên trái, chọn On startup \ chọn tiếp Open a specific page or set of pages \ chọn tiếp mục Add a new page \ nhập đường dẫn trang web bạn vừa tạo, ví dụ: file:///C:/Users/Maxsys/Desktop/ bai_tap2.html

– Tắt trình duyệt và mở lại, bạn sẽ thấy trang web của bạn xuất hiện khi mở trình duyệt

1.5       Câu hỏi ôn tập

Câu 1. WWW là viết tắt của?

A. Wordl Wide Wed

B. World Wide Web

C. Word Wide Web

D. Word Wibe Web

Câu 2. URL là gì?

A. Một giao thức trong Internet

B. Xác định tên của một máy tính trên mạng

C. Định vị một tài nguyên cụ thể trên web

D. Một chuẩn trong truyền dữ liệu trên web

Câu 3. The Web is an information system where documents and other web resources are identified by Uniform Resource Locators (URLs, such as https://example.com/), which may be interlinked by ________, and are accessible over the Internet.

A. URL

B. pages

C. computers

D. hyperlinks

Câu 4. HTML là viết tắt của?

A. HyperText Makeup Language

B. HTTP Technology Model Language

C. HyperText Markup Language

D. HyperTest Makeup Language

Câu 5. Trình duyệt web là một ứng dụng phần mềm để truy cập thông tin trên World Wide Web. Mỗi trang web, hình ảnh và video riêng lẻ được xác định bằng một _________ riêng biệt, cho phép các trình duyệt truy xuất và hiển thị chúng trên thiết bị của người dùng.

A. công nghệ

B. mã HTML

C. liên kết

D. URL

---------
---------
Cập nhật: 18/3/2024

-----

Tải tài liệu đầy đủ: Tự học HTML căn bản


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/World_Wide_Web

-----

LIÊN HỆ TÁC GIẢ