[Chép về từ fb của bạn Trang Phan - https://www.facebook.com/trang.phan.77] - Để đọc lại khi cần
Học chuyên ngành khoa học tại các trường đại học khai phóng (Liberal Arts Colleges - LAC): Một nền giáo dục tốt hơn?
Tác giả: Thomas R. Cech, cựu sinh viên đại học khai phóng Grinnell, Giáo sư Hóa học và Hóa Sinh Đại học Colorado, Boulder, giải thưởng Nobel Hóa học năm 1989.
Cảm ơn chị Song Nguyen đã giúp em dịch bài báo rất hay này trên MIT Press. Em cũng đã gửi bài cho con cái mình và bạn bè, cả LAC lẫn NU đọc. Các bạn NU cũng nên biết, để có thể tự đào tạo mình thêm những tố chất mà thường chỉ các trường theo triết lý giáo dục khai phóng Liberal Arts chú trọng đào tạo.
Để tránh hiểu nhầm, mình xin nói rõ là mình không làm dịch vụ tư vấn, dù vẫn hay tư vấn miễn phí cho con cái bạn bè và người thân. Hơn nữa, mình hoàn toàn không có nhu cầu quảng cáo cho Augustana College hay bất kỳ trường đại học khai phóng nào khác.
Gần đây có nhiều phát biểu khá cảm tính về việc LAC yếu kém, không có khả năng đào tạo, và học nhiều môn vô bổ, lương thấp cuối bảng, nên mình muốn cung cấp thêm thông tin và một góc nhìn khác cho phụ huynh và các con, nhất là các con đã quyết định học LAC. Mình muốn các con tự tin, tận dụng hết mọi nguồn lực ở trường, để tăng cơ hội thành công trong tương lai.
Xin tóm tắt triết lý giáo dục khai phóng ở đây:
“Các vận động viên thường kết hợp nhiều bài tập khác nhau không trực tiếp liên quan đến môn thể thao của họ để cải thiện sức mạnh tổng thể và điều hòa. Ví dụ, vận động viên bơi lội và cầu thủ bóng đá tập luyện chéo bằng cách nâng tạ. Việc tập luyện chéo có thể rèn luyện các nhóm cơ chính hiệu quả hơn so với việc dành cùng một khoảng thời gian để tập luyện môn thể thao yêu thích. Tương tự, giáo dục khai phóng khuyến khích các nhà khoa học cải thiện “lợi thế cạnh tranh” bằng cách đào tạo chéo về nhân văn hoặc nghệ thuật. Việc đào tạo chéo mang tính học thuật như vậy sẽ phát triển kỹ năng của sinh viên trong việc thu thập, sắp xếp các sự kiện và ý kiến, phân tích và cân nhắc giá trị của chúng, đưa ra lập luận rõ ràng, và phát triển những kỹ năng này hiệu quả hơn so với việc viết thêm một báo cáo thí nghiệm khác.”
Lưu ý: Tất cả các trường Ivy của Mỹ đều theo trường phái giáo dục khai phóng.
- Khi sinh viên đại học nộp đơn vào Harvard, là vào Harvard College, thực chất là một trường Liberal Arts College trực thuộc Harvard University.
- Columbia yêu cầu tất cả sinh viên bậc đại học, bất kể theo học chuyên ngành nào, đều phải hoàn thành Chương trình đào tạo cốt lõi 62 tín chỉ bao gồm năm khóa học - Văn minh đương đại, Văn học, Nghệ thuật, Âm nhạc và các môn Khoa học cơ bản (Contemporary Civilization, Literature Humanities, Art Humanities, Music Humanities and Frontiers of Science).
- Thực tế, Dartmouth giữ tên “Dartmouth College” dù trường này nằm trong bảng xếp hạng National University là để thể hiện bản chất khai phóng của trường. Thế kỷ thứ 19, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các đại học khai phóng tái cơ cấu và tạo ra thêm nhiều trường con là các trường khoa học và công nghệ.
Ngoài các thông tin được phân tích trong bài viết này, mình xin cung cấp thêm thông tin từ Official Nobel Prize Website: các trường LAC sau có cựu sinh viên đạt giải Nobel. Thống kê chưa đầy đủ.
Amherst College: 8 Nobel Prizes
Swarthmore College: 8 Nobel Prizes
Haverford College: 7 Nobel Prizes
Oberlin College: 7 Nobel Prizes
Williams College: 4 Nobel Prizes
Reed College: 2 Nobel Prizes.
Wellesley College: 1 Nobel Prize.
Bryn Mawr College: 1 Nobel Prize
Grinnell College: 1 Nobel Prize
Augustana College: 1 Nobel Prize – Cựu sinh viên Daniel Chee Tsui của Augustana College là giáo sư vật lý đại học Princeton.)
Còn đây là bài báo, xin cảnh báo là vô cùng dài nhưng rất đáng đọc: https://www.jstor.org/stable/20027545
MÙA HÈ NĂM 1970, Carol và tôi đã học bốn năm tại Grinnell College, trường nằm trong vùng nông thôn buồn tẻ của Grinnell, Iowa. Lúc bấy giờ, chúng tôi vừa mới kết hôn, hai đứa lái xe về phía Tây, nơi chúng tôi sẽ theo học tiến sĩ hóa học tại Đại học California, Berkeley. Nền tảng giáo dục từ một trường đại học khai phóng sẽ hỗ trợ chúng tôi thế nào ở bậc học Tiến sĩ tại một trong những trường đại học nghiên cứu lớn trên thế giới? Khi chúng tôi gặp những người bạn mới cùng lớp, định kiến của chúng tôi nhanh chóng tan biến: Sinh viên sau đại học ở Berkeley không chỉ đến từ các đại học quốc gia (National Universities - NU), mà từ khắp nơi, gồm cả các trường khai phóng, rất nhiều trường kém danh tiếng hơn Grinnell. Khi chúng tôi làm bài kiểm tra năng lực cũng như vật lộn với các bài cơ học lượng tử, mọi lo ngại còn sót lại của chúng tôi về chất lượng đào tạo chúng tôi được chuẩn bị cho bậc sau đại học đều tan biến. Nhờ kết hợp những gì các giáo sư đã dạy ở Grinnell và nỗ lực cá nhân, chúng tôi đã sẵn sàng cho ngành khoa học ở cấp độ nghiên cứu.
Tôi dùng câu chuyện cá nhân này để thu hút sự quan tâm của độc giả, nhưng không chỉ vì mỗi thế; nó cũng là tuyên bố miễn trừ trách nhiệm có thể phát sinh với luật "sự thật trong quảng cáo". Tôi thú nhận mình là một người đam mê và ủng hộ các trường LAC nhỏ và chọn lọc. Nhịp tim của tôi đập nhanh hơn khi nhìn thấy các sinh viên từ Carleton, Haverford và Williams nộp đơn xin vào chương trình Ph.D của chúng tôi. Tôi hiện có chân trong hội đồng quản trị của Grinnell College. Bên cạnh đó, tôi giảng dạy và hướng dẫn sinh viên đại học trong phòng thí nghiệm nghiên cứu tại University of Colorado, vì vậy tôi cũng có kinh nghiệm cá nhân với việc giảng dạy khoa học tại một trường NU.
Do đó, khi nhận thức được rằng tôi đã nắm rõ chủ đề này để có thể khách quan, tôi đã cố gắng mở rộng quan điểm của bằng một số cách. Tôi đã thu thập số liệu thống kê định lượng về thành công trong giảng dạy khoa học ở các trường LAC so với các trường NU, mặc dù việc diễn dịch những con số này cũng có lúc mơ hồ. Tôi cũng phỏng vấn các nhà khoa học đạt được mức độ thành công cao nhất trong các học viện và chính phủ để thu thập những nhận định về điểm mạnh và điểm yếu mang tính tương đối trong quá trình chuẩn bị nền tảng học thuật cho sinh viên từ các LAC. Tôi làm như vậy vì biết rằng những người được phỏng vấn đều rất xuất sắc trong nghề nghiệp của họ, vì vậy chúng ta mong đợi họ sẽ nhiệt tình với chương trình giảng dạy đã giúp họ tiến tới thành công đó. Cuối cùng, tôi đi tìm kiếm lời khuyên của một số học giả giảng dạy ngành khoa học bậc đại học giỏi nhất nước, những người thực sự đam mê chủ đề này. Và còn những người khác, những người đã phân tích chủ đề giáo dục khoa học tại các LAC với tư cách độc lập cũng đã đưa ra những kết luận tương tự, mang lại niềm tin nhất định rằng quan điểm mà tôi muốn chia sẻ này có tính xác thực của nó.
Mục đích của bài tiểu luận này là khám phá ba câu hỏi liên quan đến giảng dạy khoa học ở bậc đại học.
Đầu tiên, những sinh viên tốt nghiệp LAC thành công như thế nào so với những sinh viên tại các NU lớn?
Phân tích này dựa trên các thước đo thành công khách quan, bao gồm tỷ lệ phần trăm sinh viên tốt nghiệp đại học tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ.
Thứ hai, giảng dạy bậc đại học tại LAC so với giảng dạy tại các NU như thế nào? Kinh nghiệm học tập và nghiên cứu trong lớp cũng sẽ được xem xét.
Thứ ba, tại sao các LAC hàng đầu lại thành công trong việc đào tạo các nhà khoa học tài giỏi? Ở đây, chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: những trường này thành công vì họ làm rất tốt công việc đào tạo sinh viên, hay là những sinh viên tham gia chương trình của họ đã được tuyển chọn kỹ lưỡng đến mức họ được định sẵn để thành công, bất kể họ nhận được loại hình giáo dục nào?
Các trường LAC thành công thế nào trong đào tạo các nhà khoa học?
Trước khi xem xét câu hỏi điều gì đã khiến các LAC thành công trong việc đào tạo các nhà khoa học tương lai, sẽ rất hữu ích khi đọc qua các dữ liệu khách quan về sự thành công. Khoảng 8% sinh viên ghi danh vào các Baccalaureate college (Hệ thống trường chỉ đào tạo bậc cử nhân, các LAC nằm trong diện này). Trong số những sinh viên lấy tiếp bằng tiến sĩ khoa học, 17% tốt nghiệp đại học từ các trường trên. Do đó, các trường này có năng suất cao gấp đôi so với mặt bằng chung trong việc đào tạo tiến sĩ. Mặt khác, cũng chính những trường này lại chỉ đào tạo được 4% số tiến sĩ về kỹ thuật, nên năng suất của họ chỉ bằng một nửa trong lĩnh vực đó. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì rất ít LAC có chương trình đào tạo kỹ thuật.
Một cái nhìn chi tiết hơn được cung cấp qua việc xem xét các sinh viên được đào tạo bởi các LAC hàng đầu.
Các trường được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái trong bảng 1 là đại diện cho những trường tốt nhất ở Hoa Kỳ.
Việc kiểm tra bảng 1 cho thấy rằng hầu hết các trường LAC hàng đầu đã đào tạo từ một trăm đến ba trăm sinh viên có bằng tiến sĩ trong thời gian 5 năm từ 1991-1995. Những con số này đã đưa một số trường LAC vào bảng xếp hạng top 100 trường hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo Tiến sĩ (xem "Xếp hạng" trong bảng 1). Tuy nhiên, hầu hết các trường xếp hạng trong top 100 đều là trường NU với các đặc điểm điển hình là có đến 20 đến 30 nghìn sinh viên, trong khi các LAC thường tuyển sinh từ 1300 đến 2600, ít hơn khoảng 10 lần. Vì vậy, để so sánh hiệu quả đào tạo Ph.D. từ các trường có quy mô khác nhau, cần tính đến tỉ lệ Ph.D trên tổng số sinh viên đại học. Lưu ý rằng tỷ lệ này xấp xỉ bằng tỷ lệ phần trăm sinh viên có bằng đại học từ các trường chỉ có hệ 4 năm đại học lấy được bằng Tiến sĩ khoa học hoặc kỹ thuật. Hầu hết các LAC hàng đầu đều có từ 5% đến 18 % sinh viên tốt nghiệp lấy được bằng tiến sĩ khoa học hoặc kỹ thuật (bảng 1, cột cuối cùng). Xét về mặt sinh viên tốt nghiệp LAC ngoài chuyên ngành khoa học, thì còn từ nhiều chuyên ngành khác như tiếng Anh, lịch sử, nghệ thuật và các ngành nhân văn khác, thì con số này thể hiện một tỷ lệ đáng kinh ngạc.
Để so sánh, hãy xem xét mức độ mà những người tốt nghiệp từ các trường chuyên đào tạo cử nhân tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ khoa học và kỹ thuật ở các trường NU hàng đầu. Các trường NU là nguồn chính đào tạo tiến sĩ, nên cũng dễ hình dung sinh viên bậc đại học của họ sẽ tiếp tục hướng tới việc học sau đại học. Quả thực, như thể hiện trong bảng 2, sinh viên đại học từ các trường này chiếm từ 300 đến hơn 1.000 bằng tiến sĩ trong thời gian 5 năm gần đây. (Tiêu chí cho các hợp đồng và khoản hỗ trợ của liên bang thường ưu ái các tổ chức lớn mà không liên kết với các trường Y. Ví dụ: CalTech không đáp ứng tiêu chí này. Tuy nhiên top 20 vẫn bao gồm các trường không đáp ứng tiêu chí trên khi thay thế bằng các tiêu chuẩn khác về thành công trong nghiên cứu. Hầu hết các trường NU nghiên cứu được xếp hạng trong số 50 trường đầu bảng về số lượng sinh viên đại học sau đó có bằng Ph.D. Nếu chuẩn hóa theo tổng số sinh viên đại học, thì chỉ có 1% hoặc nhiều nhất là 22% số sinh viên đại học tiếp tục lấy được bằng Tiến sĩ (xem bảng 2)
Để không quá lạm dụng số liệu thống kê, vẫn còn một cách hữu ích khác để so sánh các LAC với các trường khác về mặt đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư bậc tiến sĩ. Tất cả các trường LAC và NU có thể được liệt kê theo tỷ lệ số sinh viên có bằng đại học từ các trường đại học hệ 4 năm và cuối cùng đã nhận được bằng Tiến sĩ khoa học và kỹ thuật (bảng 3). Với cách tính này thì quy mô không còn là lợi thế nữa, các LAC thậm chí còn ấn tượng hơn nhiều.
Swarthmore, Carleton và Reed College chỉ xếp dưới ba trường chuyên sâu về khoa học – CalTech, MIT và Harvey Mudd – về khả năng đào tạo tiến sĩ ngành khoa học. Điều này thật đáng kinh ngạc, bởi vì sinh viên tại các LAC này ít quan tâm đến khoa học, họ sử dụng tòa nhà khoa học để đi tắt cho khỏe từ lớp học nhân văn đến lớp học nghệ thuật trong mùa đông lạnh giá. Trong khi ngược lại ba anh kỹ thuật hàng đầu kia chuyên đào tạo các nhà khoa học và kỹ sư lại chỉ hơn họ một bậc. Do đó, có lẽ sẽ công bằng hơn khi so sánh các LAC này với Chicago, Rice, Princeton, Harvard, Stanford và Brown, những nơi có sự phân bổ các chuyên ngành hóa học, tiếng Anh và mỹ thuật tương tự nhau hơn. Tuy nhiên, kết luận vẫn như cũ: sinh viên khoa học tốt nghiệp từ LAC có thành tích tốt hơn so với những sinh viên tốt nghiệp từ các trường Ivy League và các trường NU hàng đầu khác.
Các lãnh đạo của khoa học Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ sự đại diện không cân xứng của sinh viên đại học từ LAC. Hãy xem những người được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia trong thời gian hai năm gần đây được đào tạo ở Hoa Kỳ, 19% có bằng cử nhân từ LAC. Do đó, những người tốt nghiệp LAC không chỉ có bằng tiến sĩ mà còn tiếp tục vượt trội trong lĩnh vực nghiên cứu của họ với tỷ lệ cao hơn ít nhất hai lần so với những người nhận bằng cử nhân nói chung.
Trải nghiệm LAC và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của các nhà khoa học trẻ
Ở phần trước, tôi đã kết luận rằng các LAC rất thành công trong việc đào tạo tiến sĩ. Họ chỉ chiếm một phần nhỏ (17%) của cộng đồng tiến sĩ khoa học của cả nước, nhưng khi dữ liệu được chuẩn hóa theo quy mô sinh viên học ở mỗi trường, thì rõ ràng là họ cực kỳ thành công. Câu hỏi cuối cùng sẽ là một trong những mối quan hệ nhân quả: những sinh viên tốt nghiệp LAC thành công nhờ kinh nghiệm đại học của họ, hay độc lập với kinh nghiệm đó, hoặc thậm chí có lẽ bất chấp kinh nghiệm đó? Vì vậy, tiếp theo cần nhìn vào thực tế giáo trình giảng dạy và hoạt động khoa học ở LAC - và so sánh nó với giáo trình tương tự tại một NU nghiên cứu. Nếu muốn xét một cách rốt ráo thì là hai giáo trình phải giống hệt nhau, bất kỳ sự khác biệt nào về kết quả đầu ra sẽ được cho là do sự khác biệt về chất lượng đầu vào của hai nhóm sinh viên hơn là sự khác biệt về chất lượng đào tạo. Than ôi, như được mô tả trong phần này, hai môi trường này rất khác biệt, khiến chúng ta phải vật lộn với câu hỏi về quan hệ nhân quả trong phần cuối cùng của bài tiểu luận này.
Chương trình trên lớp
Đầu tiên, chương trình giảng dạy khoa học giữa các LAC và NU khác nhau thế nào? Tên của các khóa học đại học và nội dung của chúng thì tương tự nhau. Sự khác biệt xảy ra trong cách thức các khóa học được giảng dạy. Tại các LAC, các lớp hiếm khi quá 50 sinh viên trong một lớp nhập môn và có lẽ giảm xuống còn khoảng chục sinh viên trong các lớp cấp cao hơn, trong các lớp đó hầu hết là sinh viên khoa học năm 3, năm 4. Tại các NU nghiên cứu, con số này thường cao hơn nhiều, đôi khi lên tới năm trăm sinh viên trong một lớp học cho lớp đại cương và lên tới một trăm sinh viên cho các lớp chuyên ngành. Trong những lớp học quy mô lớn như vậy, khó tránh khỏi việc học sinh trở thành người tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Các lớp học nhỏ sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tham gia tích cực vào quá trình học tập.
Các giáo viên ở hai hình thức giáo dục này cũng có định hướng giáo dục rất khác nhau. Nhiều giáo sư NU yêu thích công việc giảng dạy, hoặc ít nhất là hài lòng với công việc giảng dạy của mình, nhưng hiếm khi đó là mối tình đầu của họ. Họ được đào tạo chủ yếu để trở thành nhà nghiên cứu, các quyết định thăng chức và bổ nhiệm của họ chủ yếu dựa vào thành tích nghiên cứu, và danh tiếng trong nước và quốc tế của họ phụ thuộc hoàn toàn vào các bài báo họ xuất bản và các cuộc tọa đàm nghiên cứu mà họ được mời trình bày. Các đồng nghiệp bên ngoài trường của họ sẽ hiếm khi biết họ dạy tốt như thế nào, hoặc thậm chí họ có đứng lớp hay không. Ngược lại, với các giáo sư LAC, “giảng dạy” là lựa chọn nghề nghiệp của họ. Sự thỏa mãn về sự nghiệp và danh tiếng của họ được ràng buộc chặt chẽ với việc dạy học. Việc giảng dạy này, theo cách vừa khắt khe, vừa cải tiến, vừa phổ cập, được đánh giá đặc biệt cao. Họ cũng cam kết nghiên cứu, điều này ở các trường LAC hàng đầu là một tiêu chí chính để thăng tiến, nhưng ở LAC các nghiên cứu lại mang tính tương hợp: chương trình nghiên cứu dự kiến sẽ mang đến tính kích hoạt và học thuật, tạo ra các công trình có thể xuất bản và góp phần vào việc dậy các chuyên ngành khoa học (Grinnell College), trái ngược với việc thành lập một lĩnh vực mới, tiêu hao hàng triệu đô la mỗi năm từ nguồn tài trợ của liên bang và cho ra đời mỗi năm vài ấn bản, thỉnh thoảng được đăng trong tạp chí Science hoặc Nature (UC Berkeley).
Do định hướng giảng dạy khác nhau, các giảng viên của LAC thường tiếp xúc với sinh viên cả trong và ngoài lớp. Đáp lại, sinh viên tương tác nhiều hơn với những giảng viên nhiệt tình để khám phá các vấn đề mình thắc mắc một cách sâu sắc bằng cách ghé qua văn phòng hoặc gọi điện cho giảng viên tại nhà. Với những tiêu chí này đối với giảng viên, chúng ta có thể thấy rằng việc giảng dạy tốt hoặc xuất sắc là điều kiện tiên quyết ở các LAC, trong khi việc đó chỉ coi như là thêm thắt ở những trường NU lớn.
Cũng cần nói thêm, giảng dạy khoa học ở NU cũng có những đặc điểm vượt trội. Những giáo sư đang làm việc ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực của họ, hoặc có thể đang nỗ lực xác định vị trí dẫn đầu, có thể mang đến hứng thú đặc biệt khi giảng dạy. Trong một số trường hợp, họ chia sẻ những khám phá mới của mình hoặc của đồng nghiệp với lớp học đại học của họ. Họ hiểu rõ hơn đồng nghiệp của mình ở LAC nội dung nào trong sách giáo khoa hiện đang được quan tâm và những gì sót lại ở đó do quán tính. Vì vậy, ở một số khía cạnh, việc giảng dạy ở LAC và NU nên được coi là khác nhau chứ không chỉ là vấn đề hay dở. Tuy nhiên, tỷ lệ thấp giữa sinh viên và giảng viên ở các LAC mang lại lợi thế rất lớn cho sinh viên, vì bất kỳ ai đã giảng dạy ở nhiều quy mô lớp học khác nhau đều sẽ chứng thực điều này.
Các khóa học khoa học thường có các buổi học trong phòng thí nghiệm. Ở đây, sự tương phản giữa trải nghiệm của sinh viên tại LAC và một trường đại học lớn thậm chí còn rõ ràng hơn. Nhiều LAC tích hợp các dự án thí nghiệm mang đậm tính chất mở và ít tính áp đặt ngay cả trong các khóa học cơ bản, khiến chúng giống như những dự án nghiên cứu mini. Trong khi các trường NU cũng đi theo hướng tương tự, thì họ bị hạn chế nhiều bởi quy mô lớp học lớn và ngân sách thấp, vì vậy các phòng thí nghiệm đặc thù có xu hướng được dành riêng cho các chuyên ngành khoa học năm 3 và 4. Hơn nữa, các phòng thí nghiệm của NU luôn được giám sát bởi TA (trợ giảng), thường là sinh viên sau đại học. Tuy các TA thường làm việc chăm chỉ và nhiệt tình, rất ít người trong số họ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy hoặc được đào tạo hơn một tuần, và nhiều người trong số họ giảng dạy chủ yếu vì công việc đó mang lại thù lao cho họ. Ngược lại, phần thí nghiệm của LAC thường được giảng dạy bởi cùng một giảng viên, cũng là những người đứng lớp do đó đảm bảo được tính liên tục giữa bài giảng và phòng thí nghiệm. Quan trọng hơn nữa, giáo sư LAC có nhiều kinh nghiệm hơn, tận tâm hơn với giáo dục và có lẽ kiên nhẫn hơn so với một trợ giảng thông thường.
Còn các khóa học diễn ra bên ngoài tòa nhà khoa học thì như thế nào?
Sinh viên chọn theo học các LAC vì đam mê của họ trải rộng nhiều lĩnh vực, và cũng chỉ có ở đây, LAC khuyến khích sinh viên định hướng lại đam mê của mình thông qua tư vấn hoặc các tiêu chuẩn cơ bản cần có. Khi còn là sinh viên tại Grinnell College, tôi đã tìm cách tham gia khóa học lịch sử hiến pháp nâng cao của Joe Wall, khóa học mà tôi thiếu các điều kiện đầu vào. Harold Varmus (giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia, giải Nobel Y học 1989) học chuyên ngành tiếng Anh tại Amherst. Jennifer Doudna (giáo sư dự khuyết đại học Yale) yêu thích lịch sử thời trung cổ và tiếng Pháp tại Pomona. Kathy Friedman (Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đại học Washington) bị giằng xé giữa việc học chuyên ngành tiếng Anh hay sinh học tại Carleton.
Ngược lại, các NU cung cấp cho sinh viên cơ hội tập trung nhiều vào chuyên ngành họ yêu thích, và hầu hết các chuyên ngành khoa học đều tập trung vào khoa học. Tại Đại học Colorado, tôi nói chuyện với nhiều sinh viên theo học hai chuyên ngành, trong đó điển hình là hóa sinh và sinh học phân tử. Chuyên ngành kép về hóa sinh cộng với tiếng Anh hoặc lịch sử là rất hiếm.
Chương trình giảng dạy LAC có tác động gì đến sự nghiệp khoa học?
Nhìn chung, các buổi học trên lớp và trong phòng thí nghiệm mang tính cá nhân hơn, trong khi việc tham gia vào các khóa học ngoài khoa học thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng tư duy phê phán và phát triển kỹ năng giao tiếp qua văn bản và lời nói. Ảnh hưởng của những nhân tố này trên nền giáo dục LAC sẽ được phân tích trong phần tiếp theo của bài tiểu luận này.
Nghiên cứu bậc đại học
Ở cả LAC và NU, các sinh viên chuyên ngành khoa học được khuyến khích thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập dưới sự hướng dẫn của cố vấn khoa. Ở một số trường, nghiên cứu độc lập thậm chí còn là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các chuyên ngành. Những trải nghiệm này cho thấy khác biệt rõ rệt giữa chuyện học và hành. Trong các buổi học trên lớp các dự án đặt ra đều có kết thúc mở; thông thường, không rõ dự án sẽ kéo dài bao lâu, dữ liệu sẽ chính xác hay thậm chí tự nhất quán đến mức nào, liệu cách tiếp cận và phương pháp đang được sử dụng có thực sự tối ưu hay liệu dữ liệu có cung cấp bằng chứng thuyết phục hoặc bằng chứng phủ nhận giả thuyết hay không. Ngoài ra, các thiết bị và máy tính sẵn có cho dự án thường phức tạp, được trang bị công nghệ hiện đại và cũng có thể sử dụng các chất phản ứng đắt tiền. Điều này trái ngược với thực tế trong phòng thí nghiệm, nơi thường có lịch trình cố định, ngân sách ít, cộng thêm hạn chế của việc phải cung cấp trải nghiệm tương tự cho nhiều sinh viên, nên các dự án thường đơn giản, dễ hiểu, và kết quả dễ dự đoán hơn.
Nói tóm lại, một dự án nghiên cứu độc lập cung cấp cho hầu hết sinh viên trải nghiệm trực tiếp đầu tiên về cuộc đời của một nhà khoa học thực hành. Sinh viên đạt được các kỹ năng xác định và giải quyết vấn đề, lập luận, sắp xếp dữ liệu khoa học, trình bày kết quả và diễn giải, đồng thời, đạt được các kỹ năng kỹ thuật tiên tiến nhất. Sinh viên thường đánh giá trải nghiệm này là trải nghiệm quan trọng nhất và đáng nhớ nhất trong quá trình học đại học và nhận thức chính xác rằng nó phù hợp nhất với việc làm thực tế trong tương lai.
Trong hai năm cuối tại Pomona College, tôi đã chế tạo một máy quang kế tốc độ cao để nghiên cứu thiên văn học và thực sự đã sử dụng nó tại Đài thiên văn Palomar. Các giáo sư ở Pomona đã cho tôi một chỗ ở tầng hầm để làm việc. Đó là một môi trường tuyệt vời. Ở tầng hầm, có một cửa hàng điện tử nhỏ với một kỹ thuật viên làm việc toàn thời gian và một cửa hàng máy móc với một thợ máy làm việc toàn thời gian, với cả hai tiện nghi này dành riêng cho những người như tôi. (Gomer, cử nhân vật lý Pomona College, phó giáo sư đại học Rice).
Do tầm quan trọng của nghiên cứu độc lập, tiếp theo chúng ta cần khám phá trải nghiệm này ở LAC khác NU như thế nào. Hai câu hỏi sẽ được xem xét:
Chất lượng của nghiên cứu được so sánh như thế nào và giá trị của trải nghiệm nghiên cứu đối với sinh viên được so sánh như thế nào?
Một người không quen với nghiên cứu khoa học ở bậc đại học có thể dự đoán rằng chất lượng nghiên cứu ở các trường NU sẽ tốt hơn nhiều so với ở các LAC. Xét cho cùng, số tiền tài trợ nghiên cứu, sự sẵn có của các thiết bị hiện đại, danh tiếng nghiên cứu của khoa, chất lượng của thư viện và tần suất các nhà khoa học thành công cao ghé thăm để tổ chức hội thảo và chia sẻ các ý tưởng nghiên cứu, tất cả điều này khiến lợi thế nghiêng hẳn về NU. Cụ thể hơn, trong khi các giáo sư LAC thành công có thể huy động được vài chục nghìn đô la mỗi năm cho nghiên cứu của mình thì các giáo sư NU thành công thường huy động được hàng triệu đô la mỗi năm. Trong khi một trường LAC có thể tự hào một cách chính đáng khi có máy quang phổ NMR 400 MHz (Cộng hưởng từ Nuclear) có giá khoảng 400.000 USD, thì các NU tranh giành NMR 800 MHz có giá khoảng 2 triệu USD. Cuối cùng, trong khi các trường LAC hàng đầu có thể đón tiếp một nhà khoa học nổi tiếng quốc tế đến trường của họ một hoặc hai ngày mỗi tháng, thì các trường NU hàng đầu lại được kích hoạt bởi các diễn giả trên hàng tuần, trong từng lĩnh vực khoa học.
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích rõ ràng này của việc nghiên cứu tại một trường NU, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sinh viên đại học của họ cuối cùng thực hiện nghiên cứu tốt hơn. Ở cả hai loại hình này, một nghiên cứu đại học thành công thường đạt đến đỉnh cao bằng việc công bố trên một tạp chí chuyên ngành trong đó sinh viên là đồng tác giả. Các tạp chí này đặt ra một tiêu chuẩn rất cao và chắc chắn nhiều dự án nghiên cứu tốt không có cơ hội để trình làng. Nhưng nhìn chung các bài đăng cung cấp một thước đo khách quan, và được đánh giá cao về chất lượng. Tần suất xuất bản nghiên cứu ở bậc đại học không quá khác biệt giữa các trường LAC và NU đến mức buộc phải đưa ra kết luận rằng nhóm dự án nghiên cứu này hay nhóm dự án nghiên cứu khác nhìn chung có chất lượng cao hơn. Hơn nữa, trong các cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học chuyên gia hiểu biết về hoạt động nghiên cứu ở bậc đại học ở cả hai loại hình giáo dục, không có sự đồng thuận rằng nghiên cứu ở loại hình này nhìn chung tốt hơn loại kia. Ngược lại, hầu hết đều đánh giá chúng có chất lượng tương tự nhau.
Vậy thì tại sao các khoản tài trợ lớn, trang thiết bị đắt tiền, và các phòng thí nghiệm nổi tiếng hiện có tại các trường NU lại không mang đến cơ hội áp đảo cho sinh viên ở bậc đại học? Câu trả lời không quá khó hiểu. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu của NU tồn tại dựa vào năng suất của các nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và nhân viên kỹ thuật. Tiền tài trợ, khả năng tiếp cận các thiết bị trị giá hàng triệu đô la và thường là các dự án tốt nhất chủ yếu thuộc về các nhà khoa học cao cấp hơn này. Nghiên cứu ở bậc đại học được thúc đẩy chỉ vì giá trị giáo dục của nó, nhưng nó không quyết định năng suất nghiên cứu của phòng thí nghiệm.
Ngược lại, nghiên cứu tại LAC hầu như được thực hiện hoàn toàn bởi sinh viên đại học và giảng viên, và năng suất của sinh viên đại học quyết định phần lớn năng suất nghiên cứu của phòng thí nghiệm. Kết quả là, giảng viên dành nhiều thời gian hơn để tổ chức từng dự án, nhiều thời gian hơn để đào tạo sinh viên, nhiều nỗ lực hơn trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Tại các trường NU, những nhiệm vụ tốn nhiều thời gian này được giao cho các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh đang bận rộn với các dự án nghiên cứu của riêng họ. Việc đầu tư nhiều hơn về thời gian và công sức dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp tại các LAC ít nhiều bù đắp cho thực tế là các NU được thiết lập tốt hơn để thực hiện nghiên cứu.
Công bằng mà nói, tính ưu việt về tiện nghi nghiên cứu ở các trường NU cũng có tác động đến một số sinh viên đại học. Ví dụ, một số sinh viên đại học tham gia nghiên cứu về sinh học cấu trúc, một lĩnh vực dành riêng cho việc xác định hình ảnh có độ phân giải nguyên tử của các đại phân tử sinh học như protein, NMR trường cao, hệ thống nhiễu xạ tia X, máy trạm và nguồn sáng synchrotron cần thiết cho công việc đó có thể thấy ở nhiều trường NU nhưng nằm ngoài tầm với của các LAC , trừ khi sinh viên của họ được tiếp cận bằng cách tham gia vào các hoạt động nghiên cứu ngoài khuôn viên trường. Một ví dụ khác, sinh viên đại học tại các trường NU thỉnh thoảng tham gia vào một dự án “nóng” được quốc tế hoan nghênh và được đăng trên tạp chí Science hoặc Nature vì tác động và sự quan tâm rộng rãi của nó. Kết quả như vậy là rất hiếm đối với nghiên cứu bậc đại học tại một trường LAC nhỏ. Tuy nhiên, những dự án nghiên cứu cực kỳ thành công ở bậc đại học là rất hiếm ngay cả ở các trường NU. Tình hình chung là chất lượng nghiên cứu của sinh viên đại học khác biệt nhau rất nhiều ở cả hai hình thức LAC và NU, và phân bố về chất lượng nghiên cứu giao thoa khá nhiều ở cả hai loại trường.
Bây giờ chúng ta chuyển từ chất lượng của nghiên cứu sang chất lượng của trải nghiệm nghiên cứu - nó thúc đẩy sự phát triển của nhà khoa học đang được đào tạo như thế nào? Điểm đặc biệt của nghiên cứu bậc đại học tại các trường LAC là nó mang tính cá nhân hơn. Giáo sư LAC hướng dẫn nghiên cứu cho một số ít sinh viên tại một thời điểm và do đó dành nhiều thời gian cho sinh viên hơn so với giáo sư NU. Chất lượng của việc hướng dẫn nghiên cứu cho sinh viên đại học có thể rất cao khi nó được giảng dạy trực tiếp từ giảng viên đến sinh viên, thay vì qua trung gian nghiên cứu sinh hoặc sinh viên cao học.
“Nghiên cứu vật lý [của tôi] không cực tốt hay tiên phong như ở trường đại học, nhưng tôi nghĩ tôi được cố vấn của mình chú ý nhiều hơn so với khi ở trường đại học. Chẳng hạn, tôi nhớ một buổi tối tôi đã gọi điện đến nhà thầy để báo cho thầy biết về một tài liệu quan trọng mà tôi đã tìm thấy; thầy đã quay lại trường để nói chuyện với tôi về chuyện đó vào đêm hôm đó.” (Corey, cử nhân vật lý Amherst, Giáo sư trường Y Harvard)
Những sinh viên tốt nghiệp LAC khác nói về mức độ trách nhiệm và tính độc lập cao có được nhờ kinh nghiệm nghiên cứu ở bậc đại học của họ. Khi xung quanh không có nhiều sinh viên cao học hoặc nghiên cứu sinh có chuyên môn về mọi kỹ thuật hoặc quy trình, sinh viên đại học cần phải tự lực và đổi mới. Hơn nữa, sinh viên đại học năm cuối có thể được yêu cầu hướng dẫn và đào tạo sinh viên mới vào phòng thí nghiệm. Trong phòng thí nghiệm của NU, sinh viên năm cuối bậc đại học sẽ ở gần cuối bảng phân cấp về mức độ kinh nghiệm.
Tóm lại, sự quan tâm cá nhân của giáo sư thường dẫn đến trải nghiệm nghiên cứu tập trung cao độ ở LAC. Những người từng có trải nghiệm như vậy đánh giá cao nó và coi nó có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của họ với tư cách là nhà khoa học.
Vì sao sinh viên khoa học LAC thành công như vậy?
Một môi trường nuôi dưỡng
Nhiều đặc điểm của nền giáo dục LAC đã được đề cập ở trên kết hợp lại để tạo ra một môi trường rất thoải mái và hỗ trợ tích cực cho học tập. Những đặc điểm này bao gồm tỷ lệ sinh viên-giảng viên thấp và sự tham gia của giảng viên vào toàn chương trình học: từ lớp học tới phòng thí nghiệm cũng. Giảng viên LAC sẵn sàng làm việc và giao tiếp với sinh viên nhiều hơn so với NU, những người bị phân tán thời gian bởi kỳ vọng rằng họ phải đóng góp vào các sứ mệnh đa dạng của NU: giáo dục bậc đại học, giáo dục bậc cao học, tạo ra kiến thức mới, khẳng định sự tồn tại trên bình diện quốc gia và thế giới, bảo vệ tài sản trí tuệ của NU thông qua bằng sáng chế, dịch vụ công, và thậm chí còn hỗ trợ sự phát triển kinh tế của bang họ.
“Chỉ có hai người chúng tôi trong phòng thí nghiệm, vì vậy chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giáo sư. Cô ấy luôn ở đó để giúp chúng tôi. Cũng có những sinh viên xuất sắc tại Yale, nhưng họ được giao cho sinh viên cao học hoặc nghiên cứu sinh để hỗ trợ nghiên cứu. Nó không thể so sánh với chất lượng trải nghiệm nghiên cứu mà tôi có được ở Pomona.” (Doudna, cử nhân hóa học Pomona college, Giáo sư dự khuyết đại học Yale)
Cũng có thể có những sinh viên tại NU coi giáo sư của họ là những người khổng lồ đến mức họ không thể tưởng tượng mình đạt được những đỉnh cao như vậy. Đội ngũ giảng viên dễ tiếp cận hơn ở LAC cung cấp những hình mẫu ít đáng sợ hơn. Sinh viên được khuyến khích duy trì niềm đam mê khoa học trong giai đoạn then chốt này cho đến khi họ trưởng thành - cả về trí tuệ và cá nhân - sẽ phát triển đến mức họ có thể hình dung mình sẽ lấy được bằng Tiến sĩ. Nói một cách tổng quát hơn, ở LAC, sinh viên chưa tốt nghiệp là trung tâm của sự chú ý, là lý do tồn tại của trường. Điều này có thể mang lại sự tự tin và cảm giác về giá trị bản thân.
Đào tạo chéo về Nhân văn và Nghệ thuật
Các vận động viên thường kết hợp nhiều bài tập khác nhau không trực tiếp liên quan đến môn thể thao của họ để cải thiện sức mạnh tổng thể và điều hòa. Ví dụ, vận động viên bơi lội và cầu thủ bóng đá tập luyện chéo bằng cách nâng tạ. Việc tập luyện chéo có thể rèn luyện các nhóm cơ chính hiệu quả hơn so với việc dành cùng một khoảng thời gian để tập luyện môn thể thao yêu thích. Tương tự, giáo dục khai phóng khuyến khích các nhà khoa học cải thiện “lợi thế cạnh tranh” bằng cách đào tạo chéo về nhân văn hoặc nghệ thuật. Việc đào tạo chéo mang tính học thuật như vậy sẽ phát triển kỹ năng của sinh viên trong việc thu thập, sắp xếp các sự kiện và ý kiến, phân tích và cân nhắc giá trị của chúng, đưa ra lập luận rõ ràng, và phát triển những kỹ năng này hiệu quả hơn so với việc viết thêm một báo cáo thí nghiệm khác.
Giá trị của việc đào tạo chéo trí tuệ như vậy là gì? Giống như toán học được coi là bài tập tốt cho não ngay cả đối với những người sẽ không bao giờ làm toán trong tương lai, việc nghiên cứu những cuốn sách hay, lịch sử, ngôn ngữ, âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác ngoài khoa học có thể sẽ trau dồi khả năng của một nhà khoa học trong việc nhận thức và giải thích thế giới tự nhiên. Cụ thể hơn, trong lịch sử, văn học và nghệ thuật, thường gặp những "dữ liệu" đa dạng, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, quan điểm khác nhau do kiến thức không đầy đủ hoặc nền tảng kiến thức khác nhau của những người xem. Người ta học cách chắt lọc yếu tố quan trọng từ những điều không liên quan, tổng hợp những quan sát có vẻ trái ngược nhau và phát triển một lập luận vững chắc. Mặc dù dữ liệu khoa học thường được cho là tồn tại trên một bình diện khác, tuyệt đối, chính xác, rõ ràng và không có gì đáng chê trách - nhưng điều đó hiếm khi xảy ra. Sai số ngẫu nhiên và sai lệch hệ thống phải được tính đến. Việc lựa chọn thiết kế thí nghiệm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả thu được. Các diễn giải thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi những kỳ vọng, do đó kỳ vọng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi những kết quả nghiên cứu đã được công bố trước đó. Các nhà khoa học cần những kỹ năng tương tự như các nhà nhân văn để vượt qua những quan sát sai lệch và đi đến một cách giải thích có thể biện minh được, và việc đào tạo chéo trí tuệ trong các ngành nhân văn sẽ rèn luyện các phần liên quan của não.
Một giá trị rõ ràng khác của các lớp học nhân văn đối với một nhà khoa học là sự phát triển kỹ năng giao tiếp. Thành công trong khoa học, giống như nhiều nỗ lực khác, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng viết bản thảo và đơn xin tài trợ nghiên cứu được trình bày rõ ràng và thuyết phục của nhà khoa học. Kỹ năng ăn nói cũng quan trọng không kém, bao gồm khả năng trình bày nghiên cứu của mình theo cách không chỉ thuyết phục mà còn thú vị và thậm chí có thể mang tính giải trí. Những thành tựu nghiên cứu dù xuất sắc nhất cũng sẽ không có ảnh hưởng gì trừ khi chúng có thể được truyền đạt tới khán giả bên ngoài.
Khả năng thuyết trình của tôi, chẳng hạn như biết chắt lọc các kết quả phân tích thành các bài viết, có được là nhờ việc học phân tích thơ tiếng Anh. Kỹ năng biểu diễn trên sân khấu và hùng biện cũng đã giúp ích cho các bài giảng khoa học của tôi sau này. (Kuriyan, cử nhân hóa học Juniata College, Giáo sư Haggerty đại học Rockefeller)
Những bài luận trong các lớp học nhân văn giúp sinh viên phát triển kỹ năng phát biểu lập trường, đánh giá nó theo tư duy phản biện, trình bày dẫn chứng (nội bộ, chẳng hạn như trích dẫn từ bài đang được phân tích và ngoại bộ, từ các tác giả khác) và sắp xếp mạch lạc lập luận của mình. Phác thảo, vẽ tranh và điêu khắc giúp học sinh phát triển các kỹ năng nhận thức và xây dựng các phương tiện trực quan minh họa các quan sát hoặc mô hình khoa học. Giống như đào tạo chéo trong thể thao, rèn luyện kỹ năng giao tiếp của một người trong các lĩnh vực không liên quan đến khoa học có thể có lợi hơn việc lấy thêm một lớp khoa học nữa.
Giá trị của các trải nghiệm giáo dục đa dạng của LAC khó có thể định lượng được, và xác định ảnh hưởng của nó cũng rất khó. Tuy nhiên, trong số những người đã được hưởng một nền giáo dục như vậy, nhiều người tin chắc rằng trải nghiệm giáo dục đó mang lại lợi ích rõ ràng khi họ trở thành nhà khoa học. Lợi ích thiết thực này bổ sung cho mục tiêu đã nêu của giáo dục LAC: nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Phản biện: Một số nhược điểm của giáo dục LAC
Hai đặc điểm giáo dục mà các LAC không thể sánh được với các NU đã được đề cập: một số sinh viên đại học tại các trường NU được tiếp cận với trang thiết bị và thuốc thử để thực hiện các dự án nghiên cứu phức tạp mà ngay cả ở các trường LAC được trang bị tốt cũng không đáp ứng được, và cảm giác hồi hộp đặc biệt khi được hiện diện trong quá trình thực hiện những phát minh quan trọng thường chỉ có được ở các NU. Tuy nhiên cả hai trải nghiệm này đều rất hiếm hoi, vì vậy số lượng sinh viên NU đạt được những lợi ích này còn hạn chế.
Hai lĩnh vực khác mà các LAC có thể không bằng các NU cần được thảo luận ở đây. Thứ nhất, một sinh viên tốt nghiệp LAC lưu ý rằng việc đặt mục tiêu quá thấp có thể là mối nguy hiểm thực sự. Nếu không có cơ hội tiếp xúc với những nghiên cứu khám phá tầm nhân loại, có thể những sinh viên tài năng không nhận thức được sự tồn tại của các nghiên cứu đó và hình dung mình tham gia vào nghiên cứu đó như thế nào. Tuy nhiên, điều lo ngại này thường chỉ có ở các LAC thu hút nhiều sinh viên bản địa. Các LAC quốc gia hàng đầu, như những trường được liệt kê trong bảng 1, rất thành công trong việc đưa sinh viên của họ vào các chương trình sau đại học cạnh tranh nhất. Một nhược điểm thứ hai của LAC thường được nhắc đến trong nhiều cuộc phỏng vấn là: các LAC thường khá khép kín, sinh viên nói chung không có khái niệm về thế giới nghiên cứu “thực sự” của các khoản tài trợ nghiên cứu trị giá hàng triệu đô la, thông cáo báo chí và sự cạnh tranh khốc liệt. Lập luận phản bác nhược điểm này là việc tiếp xúc sớm với những vấn đề thực tế này có thể khiến nhiều sinh viên nản lòng với việc theo đuổi sự nghiệp khoa học. Trong mọi trường hợp, có thể không nhất quán khi ca ngợi những ưu điểm của môi trường thân thiện, ấm áp, hỗ trợ ở các LAC và đồng thời than phiền về sự tách biệt của các trường này ra khỏi bình diện chính trị của khoa học lớn.
Nguyên nhân hay kết quả?
Các LAC hàng đầu có tính chọn lọc cao trong việc tuyển sinh và đào tạo ra những nhà khoa học rất thành công. Họ thành công vì họ làm tốt công việc hay vì đầu vào có chất lượng cao như vậy? Chúng tôi không có điều kiện để có thể nhận hai nhóm sinh viên giống hệt nhau, xếp một nhóm vào các LAC và nhóm kia vào NU, rồi quay lại bốn năm hoặc hơn sau đó để đánh giá thành công tương đối của họ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các trường NU tư nhân có tính chọn lọc cao nhất (Harvard, Princeton, Stanford, Columbia và Yale) có tính chọn lọc cao hơn bất kỳ LAC nào và sinh viên của họ có điểm SAT cao hơn so với bất kỳ sinh viên LAC nào. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đào tạo tiến sĩ của họ lại tụt hậu so với các LAC hàng đầu (bảng 3). Rõ ràng là các LAC đang làm nhiều việc hơn là chỉ tuyển dụng những sinh viên tài năng và hy vọng họ sẽ thành công. Một lưu ý chủ quan hơn, trong các cuộc phỏng vấn với những sinh viên thành công tốt nghiệp khoa học tại các LAC, không ai cho rằng sự thành công của họ chủ yếu là nhờ vào đầu vào cao. Thay vào đó, họ cho rằng chất lượng đầu vào và chất lượng giáo dục đều góp phần vào thành công.
Thêm vào sự phức tạp của câu hỏi về năng lực bẩm sinh hay môi trường nuôi dưỡng là xu hướng những sinh viên tài năng thường sẽ được khuyến khích để đạt được thành tích cao khi được vây quanh bởi những học sinh đạt thành tích cao hơn khác. Gần đây đã có cuộc thảo luận xem cha mẹ hay bạn bè thường có nhiều ảnh hưởng hơn trong việc xác định giá trị, nguyện vọng và thành công cuối cùng của con trẻ. Cũng có cả xu hướng đánh giá thấp tác động của bạn bè đồng môn đối với chất lượng giáo dục. Về mặt này, các LAC có thể thành công vì vây quanh một sinh viên không chỉ đơn giản là những sinh viên thông minh khác, đạt thành tích tốt trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn mà còn với những sinh viên hào hứng học tập, tự tin nhưng không quá tự mãn về khả năng của bản thân và những bạn chăm chỉ học tập.
Vì vậy, chúng tôi đi đến kết luận, có lẽ hiển nhiên ngay từ đầu, rằng tài năng bẩm sinh và giảng dạy chất lượng đều góp phần vào sự thành công của sinh viên khoa học tốt nghiệp các LAC. Trí thông minh, sự sáng tạo và sự chăm chỉ có thể đưa học sinh tiến xa, nhưng chúng tạo thành một sự kết hợp thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi được định hướng, chỉ dẫn, và động viên bởi những giáo viên xuất sắc trong một môi trường hỗ trợ học tập.
TÓM TẮT VÀ TRIỂN VỌNG
Các LAC đào tạo ra số lượng Tiến sĩ khoa học nhiều gấp đôi so với mặt bằng chung, và các trường LAC hàng đầu cạnh tranh với các trường NU hàng đầu về hiệu quả đào tạo Tiến sĩ khoa học. Nói một cách chủ quan hơn, khi các nhà khoa học thành công so sánh nền tảng giáo dục LAC của họ với những gì họ có thể nhận được ở NU quy mô lớn, hầu hết đánh giá kinh nghiệm đại học như một lợi thế đáng kể cho sự nghiệp của họ. Các đặc điểm nổi bật của giáo dục LAC bao gồm các lớp học nhỏ, đội ngũ giảng viên luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên, sự tập trung chủ yếu vào giáo dục đại học, và việc kết hợp các khóa học về nhân văn và nghệ thuật nhằm thúc đẩy “đào tạo chéo” trí tuệ. Nghiên cứu độc lập tại các LAC không tiếp cận được đỉnh cao của các lĩnh vực khoa học như nghiên cứu được thực hiện tại NU, nhưng được hưởng lợi từ sự tương tác trực tiếp mang tính cá nhân cao giữa sinh viên và giáo viên hướng dẫn, tạo nên trải nghiệm tổng thể thường là vượt trội so với các NU lớn. Nhờ những đặc điểm này, giảng dạy khoa học ở LAC được sinh viên tốt nghiệp đánh giá cao và đóng góp vào sức mạnh khoa học của quốc gia ở mức độ vượt xa quy mô nhỏ của nó.
Liệu việc giảng dạy khoa học tại các LAC có tiếp tục phát triển mạnh trong thế kỷ tới? Xét cho cùng, nguồn cung cấp khoa học đang tăng giá nhanh hơn tốc độ lạm phát chung. Các thiết bị đo ngày càng đa dạng và phức tạp về mặt kỹ thuật, mà đây lại là điều rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học nếu không việc đào tạo sẽ trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, các LAC quốc gia đã rất thành công trong việc thu hút các nguồn lực nội bộ, các khoản tài trợ của quỹ liên bang và tư nhân cũng như quyên góp để có được vật tư và thiết bị hiện đại hơn những thứ có sẵn trong các phòng thí nghiệm ở nhiều trường NU lớn; Với sự thành công đã được chứng minh trong việc sử dụng các nguồn lực này để nâng cao chất lượng giáo dục của những sinh viên thành công, các trường LAC đã xây dựng một nền tảng vững chắc để tiếp tục có được các nguồn lực khoa học mà họ mong muốn. Hơn nữa, nếu kinh phí cho vật tư và thiết bị bị thắt chặt, các giảng viên năng động sẽ tìm cách thay thế bằng các bài tập thí nghiệm ít tốn kém hơn nhưng có giá trị giáo dục tương đương. Điều mà giáo dục khai phóng sẽ khó thay đổi, nếu không thỏa hiệp về trái tim và tâm hồn, là cách tiếp cận cá nhân trong giảng dạy và đội ngũ giảng viên tận tâm làm cho việc giáo dục bậc cao trở nên quá tốn kém. Tiếp tục cung cấp một hệ thống giáo dục như vậy cho sinh viên có nền điều kiện kinh tế khác nhau là thách thức chung với tất cả các ngành, không chỉ với các ngành khoa học. Đây cũng là thách thức của LAC trong thế kỷ XXI.