NMMT - 2 - Bien

(tiếp theo của Nhập môn máy tính - 1)



Chú thích

Trong khi viết mã, để ghi lại các lưu ý cho một đoạn mã, cho một dòng mã, hay một ghi chú bất kì, bạn có thể sử dụng chức năng chú thích.

Chú thích sẽ được bắt đầu bằng dấu //, sau đó là nội dung của chú thích. Toàn bộ nội dung trên một hàng, nằm sau dấu chú thích sẽ được máy tính bỏ qua trong quá trình thực thi đoạn mã.

Ví dụ, bạn nhập đoạn mã sau và chạy thử.

<!DOCTYPE html>
<html>
<body>

<script>
 //Vi du ve chuoi
 document.write(1); //in so 1
 document.write ("document.write(1);"); //in mot chuoi
</script>

</body>
</html>

 

Biến và dấu gán “=”


Phần này trình bày về khái niệm biến và lệnh gán trong đoạn mã lập trình.

Biến giống như một cái hộp trong bộ nhớ máy tính, cái hộp này dùng để chứa: một số, một chuỗi, hoặc một giá trị bất kì (Hình 5).



Từ hình trên (Hình 5), var x là lệnh khai báo một biến có tên là x. Nói một cách hình ảnh, sau lệnh var x, máy tính sẽ tạo một cái hộp trong bộ nhớ và gắn nhãn là x.

Dấu “=” trong lệnh x = 7 sẽ thực hiện gán giá trị cho một biến, ở đây là gán giá trị 7 vào biến x, nghĩa là đem bỏ số 7 vào cái hộp.

Nhập đoạn mã sau và chạy thử.

<!DOCTYPE html>
<html>
<body>

<script>

var x;
 x = 7;

 document.write(x);
 document.write("<br/>" + "Gia tri cua bien la: ", x);  //<br/> lenh xuong hang
 document.write("<br/>" + "Noi dung cua hop la: ", x);

</script>

</body>
</html>

Khi chạy đoạn mã trên, máy tính sẽ xuất ra màn hình ba hàng, với số 7 ở cuối mỗi hàng, cụ thể là:

7
Gia tri cua bien la: 7
Noi dung cua hop la: 7

Trong đoạn mã, các lệnh:

 document.write(x);
 document.write("<br/>" + "Gia tri cua bien la: ", x);  //<br/> lenh xuong hang
 document.write("<br/>" + "Noi dung cua hop la: ", x);

có sử dụng đến biến x, trong trường hợp này là lấy giá trị đang chứa trong biến x để in ra màn hình. Hay nói cách khác là lấy giá trị đang có trong cái hộp x để in ra màn hình.

Tiếp theo, hãy thay đổi hàng x = 7 thành x = 8, rồi chạy thử đoạn mã. Bạn sẽ thấy kết quả xuất sẽ đồng loạt thay số 7 thành số 8.

Như vậy, lệnh x = 8 đã làm thay đổi giá trị của biến x. Do biến x chỉ chứa được một giá trị, nên lệnh x = 8 sẽ bỏ số 7 trong hộp x ra và thay vào đó là số 8.

Chúng ta đã biết có hai kiểu dữ liệu phổ biến là số và chuỗi. Vì vậy, bạn có thể thử bỏ một chuỗi vào trong hộp x xem sao. Để thực hiện chỉ cần thay dòng lệnh x = 8 thành x = “hi”. Chạy đoạn mã, sẽ thấy trong kết quả, toàn bộ số 8 được thay thế bằng chuỗi “hi”.

Để đặt tên cho biến, có thể chọn tên bất kì không nhất thiết phải là x như trong ví dụ. Bạn có thể đặt tên biến là abc, như trong đoạn mã sau.

var abc;
 abc = 7;
 document.write(abc);
 document.write("<br/>" + "Gia tri cua bien la: ", abc
 document.write("<br/>" + "Noi dung cua hop la: ", abc);

Sử dụng biến sẽ giúp tăng hiệu quả trong các công việc có tính lặp lại. Ví dụ, khi muốn thử chạy chương trình với một số giá trị nào đó. Chúng ta sẽ tạo ra một biến, gán giá trị cho biến, và các câu lệnh tiếp sau sẽ sử dụng tới tên biến này. Nếu chúng ta cần chạy chương trình trên các giá trị còn lại, chúng ta chỉ cần thay đổi giá trị một lần tại lệnh gán giá trị cho biến.

Lưu ý: dấu = ở đây có ý nghĩa khác so với dấu = trong toán học. Trong toán học khi bạn nói x = y nghĩa là x luôn luôn bằng y. Tuy nhiên, trong đoạn mã lập trình, dấu bằng chỉ là lệnh gán giá trị. Ví dụ, lệnh x = 7 sẽ lấy giá trị 7 bỏ vào cái hộp có gắn nhãn là x, tức là tại thời điểm lệnh này chạy, hộp x sẽ có giá trị bằng 7, còn sau đó trong chương trình nếu có lệnh gán giá trị khác cho x thì lúc đó x không bằng 7 nữa.

Bài tập

Viết một đoạn mã để xuất các nội dung sau ra màn hình. Yêu cầu trong đoạn mã, từ Dalat chỉ được xuất hiện một lần.

Dalat Dalat Dalat Dalat
Mau xanh Dalat
Nho ve Dalat mot chieu mua

Đáp án:

<!DOCTYPE html>
<html>
<body>

<script>

var x;
 x = "Dalat";

 document.write(x, x, x, x);
 document.write("<br/>" + "Mau xanh ", x);
 document.write("<br/>" + "Nho ve ", x, " mot chieu mua");

</script>

</body>
</html>


-------------------------
Tham khảo
Dựa theo bài giảng của tác giả Nick Parlante, trong loạt bài giảng về Computer Science 101 – Đại học Stanford – Mỹ - 2014.
https://class.coursera.org/cs101-selfservice/wiki/view?page=code-1
------------------------
Cập nhật: 2014/6/21