TinHocPhoThong(2): Tổ chức, lưu trữ dữ liệu

Bài trước: TinHocPhoThong(1)_Gõ bàn phím

-----

1.2       Tổ chức, lưu trữ dữ liệu

1.2.1       Lưu dữ liệu trong máy tính

Dữ liệu trong máy tính tồn tại ở nhiều dạng, như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, mã thực thi,…v.v.

Dữ liệu được lưu trong các tập tin (file).

Tập tin là một đơn vị dữ liệu được đặt tên.

Tên của tập tin thường có định dạng như sau:

TenTapTin.PhanMoRong

Ví dụ: tập tin DuLieu.docx, sẽ có tên là DuLieu và phần mở rộng là docx.

Tên tập tin giúp người dùng nhận diện và phân biệt giữa các tập tin, phần mở rộng giúp máy tính biết dùng chương trình nào để mở tập tin. Ví dụ, nếu phần mở rộng là docx thì sẽ dùng chương trình Microsoft Word để mở; nếu phần mở rộng là jpg thì dùng chương trình xem/xử lý ảnh để mở.

Khi có nhiều tập tin, việc quản lý, tìm kiếm và sử dụng sẽ gặp khó khăn nếu chúng ta không sắp xếp, và tổ chức chúng một cách hợp lý. Để sắp xếp và tổ chức tập tin, trong máy tính có khái niệm Thư Mục (folder, directory). Có thể hiểu đơn giản, thư mục là ngăn chứa, dùng để chứa tập tin. Nếu coi các tập tin là các cuốn sách, thì thư mục giống như các ngăn của giá sách, dùng để chứa các cuốn sách. Mỗi thư mục cũng có một cái tên, ví dụ: DuLieu2024, GhiChep, CongViec.

Bạn có thể tạo thư mục trong ổ đĩa cứng của máy tính, trong các ổ đĩa gắn ngoài (USB, DVD), trên mạng nội bộ hoặc trên Internet (Google Drive).


1.2.2       Quy ước đặt tên thư mục, tập tin

Để đặt tên thư mục và tập tin một cách chuyên nghiệp, bạn có thể thực hành theo các gợi ý sau đây.

Nguyên tắc đặt tên cho thư mục và tập tin:

-          Tên nên có tính mô tả chính xác nội dung bên trong của thư mục/tập tin, tránh dùng các tên chung chung, mơ hồ. Ví dụ: không nên đặt tên tập tin là abc.docx, word2.docx

-          Tên nên đặt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; không nên có các từ ngữ không cần thiết. Ví dụ chỉ cần đặt tên là DuLieu2024.docx, chứ không cần dài dòng là DuLieuCuaNam2024.docx

-          Lựa chọn và sử dụng nhất quán một cách đặt tên cho bản thân. Điều này giúp cho hệ thống thư mục và tập tin của bạn rất chuyên nghiệp và thuận tiện trong quá trình sử dụng. Ví dụ: có thể luôn viết Hoa chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong tên, không sử dụng khoảng trắng, không dùng tiếng Việt có dấu; ví dụ có thể đặt tên là DuLieu.docx, BaiTap1.pptx;

-          Sử dụng các kí tự hợp lệ để đặt tên, gồm chữ hoa (A-Z), chữ thường (a-z), kí số (0-9), dấu gạch ngang (-), dấu gạch chân (_); không sử dụng một số kí tự đặc biệt (ví dụ \, /, :, *, ?, ", <, >, |)

Có thể sử dụng thêm một số quy tắc khác khi đặt tên như: thêm số thứ tự cho các tập tin, thư mục; thêm thời gian (tháng, năm); thêm các từ khóa vào tên.

1.2.3       Lưu dữ liệu trên mạng

Để lưu trữ dữ liệu trên mạng, bạn có thể lưu trong mạng nội bộ của công ty/cơ quan, hoặc lưu trên Internet.

Lưu dữ liệu trong mạng nội bộ

Bạn sẽ lưu dữ liệu trên các máy chủ, các thiết bị lưu trữ của riêng công ty/cơ quan (Hình 4. Lưu trữ dữ liệu trong mạng nội bộ). Điều này giúp dữ liệu của bạn được bảo mật, an toàn. Khi vào làm việc tại các công ty/cơ quan, bạn sẽ được hướng dẫn, để có thể sử dụng các hệ thống lưu trữ này. Các thao tác liên quan đến truy cập, quản lý, sử dụng thư mục và tập tin cũng khá giống khi thực hiện trên máy cục bộ.


Lưu dữ liệu trên Internet

Lưu trữ dữ liệu trên Internet hay còn gọi là lưu trữ trên đám mây (cloud) là việc lưu trữ dữ liệu của bạn trên các máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ ở nơi khác. Bạn sẽ thực hiện việc lưu trữ, truy cập dữ liệu thông qua kết nối Internet.

Một số nhà cung cấp dịch vụ phổ biến như: Google Drive, Dropbox, Onedrive, Box, Mega.


1.2.4       Lưu dự phòng dữ liệu

Một điều chắc chắn là máy tính không thể hoạt động ổn định mãi được. Tới một thời điểm nào đó sẽ bị trục trặc phần cứng, phần mềm, hoặc bị virut tấn công, dẫn tới mất dữ liệu.

Để không bị rơi vào tình trạng bị mất dữ liệu, ảnh hưởng tới công việc; bạn nên có kiến thức và thực hiện các biện pháp lưu dự phòng dữ liệu.

Để lưu dự phòng dữ liệu, chúng ta cần xác định nhu cầu lưu dự phòng, lựa chọn phương pháp lưu dự phòng và lựa chọn phần mềm lưu dự phòng.

Xác định nhu cầu lưu dự phòng:

-          Xác định loại dữ liệu cần lưu dự phòng (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video)

-          Ước lượng dung lượng cần lưu dự phòng (để chuẩn bị thiết bị lưu trữ phù hợp)

-          Xác định tần xuất lưu dữ phòng

-          Xác định ngân sách cho việc lưu dự phòng

Lựa chọn phương pháp lưu dự phòng:

-          Lưu trữ cục bộ

-          Lưu trữ trên Internet

-          Lưu trữ kết hợp

Lựa chọn phần mềm lưu dự phòng:

-          Tùy theo nhu cầu sử dụng, bạn có thể sử dụng các phần mềm lưu trữ cho phù hợp

-          Phần mềm có phí hay miễn phí

-          Phần mềm dùng để lưu dự phòng cho cá nhân hay tổ chức

-          Lưu dự phòng trên máy cá nhân, mạng nội bộ, hay trên Internet

Một vài kinh nghiệm cho cá nhân:

-          Không lưu dữ liệu trên ổ đĩa chứa hệ điều hành (hệ điều hành thường được cài đặt ở ổ đĩa C:\)

-           Chỉ lưu dự phòng các tài liệu do quá trình làm việc hàng ngày tạo ra, các tài liệu có sẵn trên Internet hoặc chép từ nguồn khác về thì không cần phải lưu dự phòng.

-          Tập thói quen lưu dự phòng cho các tài liệu cá nhân hàng ngày hoặc hàng tuần

1.2.5       Xem và đọc thêm

Tìm kiếm trong google, hoặc ra lệnh trong chatbot để đọc thêm, sử dụng các từ khóa: tổ chức, lưu trữ dữ liệu trong máy tính;

1.2.6       Bài tập và thực hành

Bài tập 1. Bật và tắt chế độ xem phần mở rộng của tập tin trong File Explorer.

Bài tập 2. Tổ chức thư mục lưu trữ như sau, thực hiện trên máy tính cá nhân:

|\CongViec

|  |--\2024

|  |  |--\Thang1

|  |  |  |----DoanhThu.xlxs

|  |  |  |----Luong.xlxs

|  |  |--\Thang2

|\TaiLieu

|  |----MauCongVan.docx

|  |----MauGiayNghiPhep.docx

|\TuHoc

|  |----AITrongMarketing.docx

|  |----PhanTichDuLieu.docx

Chụp hình hệ thống thư mục và tập tin vừa tạo.

Bài tập 3. Tổ chức thư mục lưu trữ như sau, thực hiện trên Google Drive:

|\CongViec

|  |--\2024

|  |  |--\Thang1

|  |  |  |----DoanhThu.xlxs

|  |  |  |----Luong.xlxs

|  |  |--\Thang2

|\TaiLieu

|  |----MauCongVan.docx

|  |----MauGiayNghiPhep.docx

|\TuHoc

|  |----AITrongMarketing.docx

|  |----PhanTichDuLieu.docx

Chụp hình hệ thống thư mục và tập tin vừa tạo.

Gợi ý:

Bài tập 1. Trong chương trình File Explorer, vào mục View, đánh dấu chọn vào mục File name extensions để hiển thị phần mở rộng, bỏ dấu chọn để ẩn phần mở rộng.

1.2.7       Câu hỏi ôn tập

1. Phần mở rộng của một tập tin cho biết điều gì?

A. Tên của người tạo ra tập tin

B. Kích thước của tập tin

C. Dùng chương trình nào dùng để mở tập tin

D. Ngày tạo tập tin

2. Trong hệ điều hành Windows, tên thư mục nào sau đây không hợp lệ?

A. thumuc*

B. 9thuMuc

C. thu-muc

D. @thumuc

3. Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về Google Drive?

A. Phải trả phí mới sử dụng được

B. Dung lượng sử dụng có giới hạn

C. Phải có kết nối Internet mới dùng được

D. Là sản phẩm của công ty Google 

-----

Cập nhật: 6/9/2024

-----

Bài sau: