Xin lỗi

Ngày thứ nhất, một em bé đánh anh của nó, mẹ nó nói: con xin lỗi anh đi! Nó xin lỗi. Mẹ và anh bỏ qua chuyện em đánh anh.

Ngày thứ hai, nó lại đánh anh, mẹ lại nói: con xin lỗi anh đi! Nó lại xin lỗi. Mẹ và anh cũng bỏ qua, tuy nhiên người anh bắt đầu cảm thấy bực tức và nghi ngờ cách hành xử của mẹ và đứa em.

Có thể đứa em học được một bài học là cứ phạm lỗi đi, chỉ cần xin lỗi là xong thôi mà. Người mẹ có thể cũng nghĩ “khi phạm lỗi, chỉ cần xin lỗi là đủ”. Người mẹ đã hình thành ở em bé một thói quen không tốt.

Thực tế không phải vậy, lần đầu bạn phạm lỗi (lỗi nhẹ thôi nha), bạn xin lỗi. Mọi người có thể nguôi ngoai bỏ qua. Tuy nhiên, bạn lại tái phạm, và lại xin lỗi, thì chữ “xin lỗi” lần thứ hai này trở thành một từ gây ác cảm cho người nghe. Họ nghi ngờ sự chân thành của lời, của hành động, của người xin lỗi. Uy tín của bạn và niềm tin của mọi người dành cho bạn đã bị hạ thấp khủng khiếp.

Do đó, chữ xin lỗi chỉ nên sử dụng khi đi kèm ngay sau đó là hành động SỬA LỖI (sửa sai), nghĩa là hành động khắc phục hậu quả, điều chỉnh hành vi, phương pháp làm việc, thay đổi thói quen để lỗi đó không bị lặp lại.

Tốt nhất là nên học hỏi liên tục, rèn luyện bản thân, để hạn chế việc tạo ra lỗi. Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo, tuy nhiên, quá trình đi đến sự hoàn hảo cũng thú vị, và đáng để chúng ta cố gắng mỗi ngày.

nvteo.

8/11/2023