Nội dung
o Các tổ chức
o Phân loại mạng không dây
o Ứng dụng của mạng không dây
Mạng cục bộ không dây (wireless local area network – WLAN) hiện nay đang được sử dụng rộng rãi, song song với mạng có dây. Việc triển khai mạng không dây trong các tổ chức, công ty đang là xu hướng chung. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với hệ thống mạng không dây chính là vấn đề bảo mật.
Vai trò của một số tổ chức trong lĩnh vực mạng không dây
Có thể chia các tổ chức thành 3 loại, theo chức năng:
o Cơ quan quản lý: đưa ra các quy định quản lý chung, liên quan đến lĩnh vực mạng không dây. Ví dụ: về chuẩn kỹ thuật viễn thông và tần số vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện của thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện, đài vô tuyến điện. An toàn tương thích điện từ của thiết bị vô tuyến điện, thiết bị viễn thông, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện và thiết bị điện, điện tử. Lắp đặt, vận hành, kiểm thử thiết bị mạng, hạ tầng kỹ thuật viễn thông…v.v.
o Tổ chức quản lý các chuẩn về công nghệ: đưa ra các tiêu chuẩn về công nghệ, dựa vào các tiêu chuẩn này các nhà sản xuất khác nhau có thể sản xuất các thiết bị tương thích với nhau.
o Tổ chức phê chuẩn, cấp chứng nhận: kiểm tra tính tương thích, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Cơ quan quản lý
Tại Việt Nam hiện nay, quản lý chuyên ngành về viễn thông là các cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý và tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà nước về lĩnh vực viễn thông dựa trên luật Viễn thông.
Ví dụ, trích trong nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật Viễn thông:
“3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam phải đăng ký và tuân thủ các điều kiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Thiết bị vô tuyến điện khi nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị vô tuyến điện phải thực hiện quản lý chất lượng viễn thông theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định này.”
Tham khảo một số tổ chức quản lý về viễn thông trên thế giới:
Tại Mỹ, tổ chức quản lý về viễn thông là Ủy ban truyền thông liên bang (FCC - Federal Communication Commission). FCC là một cơ quan độc lập trong chính quyền Mỹ, quản lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực truyền thông. Ví dụ, FCC quy định 2 dải băng tần được sử dụng trong chuẩn IEEE 802.11 là 2,4 GHz và 5 GHz. Mọi người được tự do sử dụng 2 dải băng tần này mà không phải xin phép và không phải trả tiền. Tuy nhiên, do mọi người được tự do sử dụng nên có thể dẫn tới các vấn đề cần phải xử lý như: tranh chấp sóng, nhiễu và đảm bảo băng thông trong khu vực triển khai mạng WLAN.
Ngoài ra, FCC còn quy định về công suất đầu ra và vị trí sử dụng (trong nhà, hay ngoài trời) của các dải băng tần. Ví dụ: dải băng tần 2.4 có thể sử dụng cả trong nhà và ngoài trời, công suất phát tối đa tại bộ phát định hướng (intentional radiator) không vượt quá 1W (watt), giá trị này thường nằm trong khoảng từ 30 đến 300 mW (miliwwatt).
Tại Anh, cơ quan quản lý là tổ chức OfCom (Office of Communications).
Tại Nhật, cơ quan quản lý là Bộ thông tin và nội chính Nhật (MIC - Ministry of Internal Affairs and communications).
Trên thế giới, cơ quan điều phối là liên minh viễn thông quốc tế (ITU - International Telecommunication Union), là một tổ chức của liên hợp quốc, trụ sở tại Thụy sĩ, thành lập năm 1947, thành viên gồm các chính phủ và các công ty viễn thông. Mục đích của ITU:
o Giúp các thành viên trong liên minh hợp tác, hoàn thiện và sử dụng viễn thông hiệu quả.
o Phân bổ và quản lý tần số vô tuyến, các vị trí liên quan đến quỹ đạo của vệ tinh địa tĩnh.
o Đưa ra tiêu chuẩn viễn thông thế giới để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ.
ITU gồm 1 số bộ phận:
o Thông tin vô tuyến (ITU-R: Radiocommunication) có nhiệm vụ xác định các tần số vô tuyến (radio) toàn cầu đáp ứng lợi ích của các nhóm cạnh tranh nhau.
o Tiêu chuẩn hóa viễn thông (ITU-T: Telecommunications Standardization) tập trung vào các hệ thống điện thoại và truyền thông dữ liệu.
o Phát triển viễn thông (ITU-D: Development) tạo ra cơ chế , điều chỉnh và cung cấp các chương trình đào tạo và các phương án tài chính cho các nước đang phát triển.
Tổ chức quản lý về các chuẩn công nghệ
IEEE
Viện kỹ nghệ điện và điện tử (IEEE: Institute of Electrical and Electronics Engineers): là 1 tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động từ năm 1963, có hơn 360 ngàn thành viên (năm 2010) gồm kỹ sư, nhà khoa học, sinh viên trên toàn thế giới.
Mục đích hoạt động của IEEE nhằm nâng cao đời sống của con người bằng cách khuyến khích mọi người cải tiến về công nghệ điện, điện tử, truyền thông và tin học. Trong lĩnh vực mạng máy tính IEEE có dự án IEEE 802.
Dự án IEEE 802 được chia thành nhiều nhóm, ví dụ: nhóm 802.3 phát triển chuẩn cho mạng Ethernet, nhóm 802.11 phát triển chuẩn cho mạng không dây, nhóm 802.16 phát triển chuẩn cho mạng WiMAX, nhóm 802.20 phát triển chuẩn cho mạng điện thoại không dây.
Đóng góp quan trọng của việc xây dựng các chuẩn là giải quyết vấn đề tương thích giữa các nhà sản xuất thiết bị. Các nhà sản xuất thiết bị khác nhau sẽ tham chiếu vào chuẩn để tạo ra các sản phẩm có thể làm việc được với nhau.
IETF
Nhóm chuyên viên kỹ nghệ Internet (IETF: Internet Engineering Task Force) cũng là 1 tổ chức phát triển các chuẩn có liên quan đến công nghệ mạng không dây. Hai tài liệu quan trọng của nhóm này là RFC 3748 (đề cập đến giao thức chứng thực EAP – Extensible Authentication Protocol) và RFC 2865 (đề cập đến giao thức chứng thực RADIUS)
Tổ chức phê chuẩn, cấp chứng nhận
Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) được thành lập vào năm 1999 bởi 6 công ty là: 3Com, Aironet, Intersil, Lucent Technologies, Nokia và Symbol Technologies, số thành viên đến năm 2011 là 400 công ty, là 1 tổ chức phi lợi nhuận, có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận cho các thiết bị, giải pháp trong lĩnh vực mạng không dây thông qua quá trình kiểm tra và phân tích tính tương thích. FCC tạo ra các quy định chung, IEEE đưa ra nội dung các chuẩn công nghệ dựa trên các quy định chung của FCC và liên minh Wi-Fi đảm bảo tính tương thích của các thiết bị trong hệ thống mạng không dây, triển khai theo các chuẩn của IEEE. Các sản phẩm đã được liên minh Wi-Fi kiểm tra và cấp chứng nhận sẽ được dán logo của liên minh Wi-Fi (hình bên dưới).
Tiêu chí hoạt động của liên minh Wi-Fi:
o Cung cấp 1 diễn đàn cộng tác hiệu quả giữa các thành viên
o Phát triển nền kỹ nghệ wifi
o Thúc đẩy quá trình phát triển công nghệ bằng các chương trình và các kĩ thuật công nghệ mới
o Hỗ trợ các chuẩn công nghệ đã được phê duyệt
o Cung cấp các sản phẩm kết nối có chất lượng đã được kiểm tra và cấp chứng nhận
-----------------------------------------
Tham khảo:
[8] Tom Carpenter, 2008, CWNA Official Study Guide, Mc Graw-Hill