Wireless Network_2_Phân loại mạng không dây

Phân loại mạng không dây theo vùng phủ sóng (trải phổ)

Mạng không dây được chia thành 4 loại chính:

o Wireless PAN (WPAN)

o Wireless LAN (WLAN)

o Wireless MAN (WMAN)

o Wireless WAN (WWAN)

WPAN (wireless personal area network)

Mạng không dây cá nhân, được sử dụng để kết nối các thiết bị trong phạm vi hẹp, băng thông nhỏ, ví dụ: kết nối giữa máy tính cá nhân với tai nghe (headphone), máy in, bàn phím, chuột; kết nối giữa tai nghe với điện thoại di động…v.v. Các công nghệ thường được sử dụng là: Bluetooth, Wibree, UWB…v.v.

Công nghệ Bluetooth hoạt động ở băng tần 2,4Ghz nên có thể gây nhiễu cho các mạng WLAN, tuy nhiên, các cải tiến kĩ thuật của các thiết bị Bluetooth gần đây đã làm giảm tình trạng này.

WLAN

WLAN là hệ thống mạng LAN không dây, hiện tại (năm 2012), WLAN đang được triển khai dựa trên các chuẩn đã được cải tiến từ IEEE 802.11, cụ thể là IEEE 802.11g và IEEE 802.11n. Mạng này cung cấp khả năng kết nối lưu động, không cần cáp nối giữa các thiết bị. Khả năng kết nối lưu động cho phép người sử dụng có thể kết nối mạng khi di chuyển trong vùng phủ sóng của các điểm truy cập (access point).

Mạng WLAN có thể triển khai theo 3 vai trò: vai trò điểm truy cập (access role), vai trò phân tán (distribution role) và vai trò truyền tại lớp lõi (core role).

Tuy nhiên, do vấn đề về băng thông và tính ổn định, nên mạng WLAN chủ yếu vẫn được sử dụng để triển khai ở vai trò điểm truy cập, đóng vai trò như 1 điểm kết nối cho các máy tính kết nối vào mạng có dây. Access point được kết nối cố định vào mạng Ethernet, trong đó có các tài nguyên cần thiết cho người sử dụng như: máy chứa dữ liệu (file server), máy in, kết nối internet…v.v.

Ở vai trò phân tán, các cầu nối không dây cung cấp kết nối giữa các mạng có dây (kết nối backhaul), mỗi mạng được kết nối vào cổng Ethernet của cầu nối không dây, cầu nối không dây sẽ truyền dữ liệu qua các cầu nối không dây của các mạng khác, giúp các mạng có thể truyền dữ liệu qua nhau.

Vai trò truyền tại lớp lõi, trong vai trò này, hạ tầng mạng sẽ hoàn toàn dựa trên WLAN, giải pháp này chỉ thích hợp cho các mạng nhỏ cần phải thiết lập tốc hành, ví dụ: các mạng tại khu vực xây dựng, các vùng bị thiên tai.

WMAN (wireless metropolitan area network)

Mạng không dây đô thị, được triển khai bởi các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông. Được triển khai dựa trên chuẩn IEEE 802.16. Công nghệ được sử dụng nhiều nhất là WiMAX. Băng tần sử dụng từ 2Ghz tới 11 Ghz. Băng thông 40Mbps cho kết nối tầm nhìn thẳng (line of sight) cố định và 15 Mbps cho kết nối không theo tầm nhìn thẳng, di động.

Mạng WMAN thích hợp cho các vùng địa lý hiểm trở, hoang vắng, vì không phải triển khai hạ tầng cáp tốn kém.

WWAN

Mạng diện rộng (WAN – wide area network) được sử dụng để kết nối các mạng LAN lại với nhau. Với các mạng LAN cách xa nhau, có nhiều công nghệ được sử dụng để kết nối chúng, ví dụ: công nghệ frame relay, công nghệ quay số dựa trên hạ tầng mạng điện thoại (analog dial-up), DSL, ISDN …v.v.

Với công nghệ WAN, để kết nối 2 mạng LAN ở xa, chúng ta cần sử dụng các loại cáp để kết nối mạng LAN tới mạng trục chính (backbone), và ở đầu còn lại, cũng cần sử dụng cáp để kết nối từ mạng trục chính tới mạng LAN. Công nghệ WWAN hoàn toàn khác, chúng ta không cần sử dụng dây dẫn để kết nối từ mạng LAN tới mạng trục chính và từ mạng trục chính tới mạng LAN ở xa.

Các công nghệ WWAN phổ biến hiện nay sử dụng công nghệ truyền thông quang vô tuyến (FSO – free space optics), các sóng vô tuyến được cấp phép và không cần cấp phép, hoặc kết hợp cả hai loại trên.

Với các mạng LAN gần nhau có thể sử dụng FSO, các sóng được cấp phép hoặc không cần cấp phép để kết nối, tuy nhiên, nếu mạng LAN cách xa nhau (khoảng vài trăm km) thì cần liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ.

Điểm khác biệt quan trọng giữa WWAN với WLAN, WPAN, và WMAN là WWAN thực hiện gộp nhiều kênh lại (ghép kênh - multiplexing) và truyền trên 1 liên kết đơn.

----------------------------

Tham khảo

[8] Tom Carpenter, 2008, CWNA Official Study Guide, Mc Graw-Hill