Tản mạn (1) - Thang Bloom tu chính


1         Thang Bloom tu chính


1.1       Tổng quan[1]


Thang cấp độ nhận thức Bloom (Bloom’s Taxonomy), hay Bảng phân loại Bloom, hay ngắn gọn là Thang Bloom là một công cụ dùng để phân loại quá trình nhận thức (cognitive). Thang Bloom được nhà tâm lý giáo dục người Mỹ, có tên là Benjamin Samuel Bloom (1913 – 1999) đưa ra vào năm 1956. Kể từ khi ra đời, Thang Bloom đã được sử dụng rộng rãi và không ngừng được cải tiến.

Thang Bloom được dùng như là công cụ quan trọng trong việc xây dựng mục tiêu giáo dục, đo lường giáo dục, đặt câu hỏi trong giảng dạy và nghiên cứu, xây dựng và thiết kế bài giảng, cũng như hướng dẫn giảng dạy để đạt mục tiêu đã đề ra[2].

Theo Bloom, quá trình nhận thức được chia thành sáu cấp độ, Xem Hình 1



Tới năm 2001, các nhà giáo dục học đã điều chỉnh Thang Bloom cho phù hợp với thực tế và có tên gọi mới là Thang Bloom tu chính (Bloom’s Revised Taxonomy). Xem Hình 2.



Theo đó, ba mức Biết, Hiểu và Ứng dụng được giữ nguyên, mức độ Sáng tạo được thêm vào và đứng ở vị trí cao nhất, mức độ Tổng hợp (như là một phần của Sáng tạo) không còn nữa; các danh từ được thay bằng động từ (nhận thức là hoạt động chứ không phải là kết quả)[3]. Xem Hình 3.



         
Sau đây là định nghĩa các mức độ nhận thức[4]: các mức độ nhận thức được sắp xếp từ thấp đến cao. Mức độ cao hơn bao hàm mức độ thấp hơn, ví dụ muốn Ứng dụng được kiến thức vào thực tế thì cần phải Biết và Hiểu về nó.

Nhớ

Bao gồm việc người học có thể nhớ lại các điều đặc biệt hoặc tổng quát, trọn vẹn hoặc một phần các quá trình, các dạng thức, cấu trúc đã được học. Ở cấp độ này người học cần nhớ lại đúng điều được hỏi đến, ví dụ lặp lại đúng một khái niệm mà chưa cần phải giải thích hay sử dụng khái niệm ấy.

Các từ khóa thường sử dụng khi đánh giá cấp độ nhận thức này là: trình bày, nhắc lại, mô tả, liệt kê.

Ví dụ: địa chỉ IP là gì? CPU là gì? Liệt kê các ngôn ngữ lập trình.

Hiểu

Ở cấp độ nhận thức này, người học cần nắm được ý nghĩa của thông tin, thể hiện qua khả năng diễn giải, suy diễn, liên hệ.

Ví dụ: giải thích một khái niệm, thấy được mối liên quan của các khái niệm, thông tin; phân biệt cách sử dụng các công nghệ, thư viện, kĩ thuật; viết tóm tắt một chương mục, trình bày một quan điểm.

Từ khóa đánh giá: giải thích, phân biệt, khái quát hóa, cho ví dụ, so sánh.

Ví dụ: cho biết sự khác nhau giữa ngôn ngữ lập trình kiểu biên dịch và kiểu thông dịch? Khi nào máy tính cần phải có địa chỉ IP? khi nào thì không cần?

Vận dụng

Người học có khả năng áp dụng thông tin đã biết vào một tình huống, một điều kiện mới.

Ví dụ: sử dụng một ngôn ngữ lập trình để tạo ra một sản phẩm phần mềm; vận dụng các kiến thức để giải thích một hiện tượng, tình huống; áp dụng một quy trình để tạo ra sản phẩm, giải pháp.

Từ khóa đánh giá: vận dụng, áp dụng, tính toán, chứng minh, giải thích, xây dựng.

Ví dụ: viết chương trình giả lập máy tính bỏ túi bằng ngôn ngữ C++; thiết kế sơ đồ địa chỉ và gán địa chỉ IP cho một hệ thống mạng.

Phân tích

Người học có khả năng chia các nội dung, các thông tin thành những phần nhỏ để có thể chỉ ra các yếu tố, các mối liên hệ, các nguyên tắc cấu tạo của chúng.

Ví dụ: lý giải nguyên nhân một hệ thống mạng không an toàn; hệ thống hóa các quy trình xây dựng một giải pháp mạng, một phần mềm; hệ thống được các kiến thức cần cho một công việc cụ thể (lập trình, mạng).

Từ khóa: phân tích, lý giải, so sánh, lập biểu đồ, phân biệt, hệ thống hóa.

Đánh giá

Người học có khả năng đưa ra nhận định, đánh giá của bản thân đối với một vấn đề, dựa trên các chuẩn mực, các tiêu chí đã có.

Ví dụ: phản biện một nghiên cứu, một bài báo; đánh giá khả năng thành công của một giải pháp; chỉ ra các điểm mạnh/điểm yếu của công nghệ.

Từ khóa: đánh giá, cho ý kiến, bình luận, tổng hợp, so sánh.

Sáng tạo

Đạt được cấp độ nhận thức cao nhất này, người học có khả năng tạo ra cái mới, xác lập thông tin, sự vật mới trên cơ sở những thông tin, sự vật đã có.

Ví dụ: thiết kế một phương pháp lập trình mới, tạo ra một thuật toán mới, đề xuất một giải pháp, công nghệ mới.

Từ khóa: thiết lập, tổng hợp, xây dựng, thiết kế, đề xuất.


1.2       Phong cách dạy và học


Tùy thuộc vào khả năng lĩnh hội của người học, phương pháp học và phương pháp dạy của giáo viên. Việc dạy và học có thể rơi vào hai phong cách: học nông và học sâu.

Học nông (surface learning): chỉ dừng lại ở mức Nhớ và Hiểu, ở mức này, sinh viên sẽ khó thành công trong việc phát triển năng lực của bản thân, không làm được việc.

Học sâu (deep learning): người học đạt được các mức độ kiến thức cao hơn (Vận dụng, Phân tích, Đánh giá, Sáng tạo), có khả năng làm việc hiệu quả và đưa ra được các giải pháp mới, hữu ích.


          
Để có thể học sâu:

– Giáo viên từ vai trò thuyết giảng (teaching) sẽ chuyển sang hỗ trợ (facilitating) và huấn luyện (coaching)

– Mỗi sinh viên sẽ có lộ trình học tập riêng, tùy theo khả năng và phương pháp học của mỗi người           

– Cung cấp sẵn chương trình, “bức tranh lớn” của nghề nghiệp, học liệu cho sinh viên



[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Bloom%27s_taxonomy
[2] Thang Bloom, http://edtech.iae.edu.vn/?p=62, tham khảo 5/11/2018
[3] https://trungnghiaedublog.wordpress.com/2017/02/07/6-cap-do-nhan-thuc-bloom-722017/
[4] https://trungnghiaedublog.wordpress.com/2017/02/07/6-cap-do-nhan-thuc-bloom-722017/
[5] https://duongtrongtan.wordpress.com/2012/01/02/s%C6%A1-b%E1%BB%99-v%E1%BB%81-cac-ly-thuy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-bloom-dreyfus-va-kolb-p2/
[6] http://science-technology.vn/?p=1540
[7] https://en.wikipedia.org/wiki/Dreyfus_model_of_skill_acquisition
[8] https://www.youtube.com/watch?v=SBoT8WJXq4s
----
Đọc thêm: Tản mạn (2) - Mô hình Dreyfus