Tản mạn (2) - Mô hình Dreyfus

Bài trước: Tản mạn (1) - Thang Bloom tu chính
-------

Mô hình Dreyfus


Mô hình Dreyfus[5],[6],[7],[8] được hai tác giả (hai anh em) là Stuart và Hubert Dreyfus đưa ra năm 1980, tại Đại học California, Mỹ.

Mô hình Dreyfus được sử dụng để phân loại mức độ trưởng thành về mặt kỹ năng (skill) của một con người trong một lĩnh vực cụ thể.

Mô hình Dreyfus không quan tâm nhiều tới yếu tố “khoa học” như Thang Bloom tu chính, mà nó tập trung vào khía cạnh “thực hành”, “thực nghiệm”. Mô hình này rất có ý nghĩa trong quá trình dạy, học và làm nghề.

Theo mô hình Dreyfus, về mặt kĩ năng, để học và làm một nghề (ví dụ, quản trị mạng, lập trình) thì người học sẽ trải qua năm mức độ trưởng thành, gồm: Vỡ lòng > Nhập môn > Biết làm > Thành thạo > Chuyên gia. Xem Hình 5.



Mô hình Dreyfus cho thấy, một người muốn trở thành một Chuyên gia trong một lĩnh vực thì họ phải chăm chỉ luyện tập, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, luôn tiếp nhận và hấp thụ các tri thức mới. Thời gian để đi từ chỗ chưa biết gì tới cấp độ một chuyên gia cần nhiều năm học và làm việc (khoảng 10.000 giờ quy ước).

Đặc điểm của mỗi mức độ:

Vỡ lòng (Novice)

Là người chưa biết gì về nghề nghiệp họ sẽ theo đuổi, kiến thức về nghề nghiệp của họ là con số không. Mọi thao tác, việc làm của họ ở mức độ này đều phải được quy trình hóa, phải được hướng dẫn từng bước. Họ sẽ tuyệt đối tuân thủ theo các hướng dẫn.

Bài tập ở mức độ này chỉ là làm theo, không cần suy nghĩ, không cần biết “tại sao”.

Ví dụ: người chưa biết gì về máy tính, muốn theo nghề lập trình, thực hiện viết chương trình đầu tiên.

Nhập môn (Advanced Beginner)

Là người đã có những hiểu biết cơ bản một số khái niệm trong nghề nghiệp, đã nhớ một số thao tác, quy trình; có thể thực hiện các thao tác, bài tập linh hoạt hơn, mà không cần phải có hướng dẫn từng bước.

Bài tập ở mức độ này là các mô tả bài toán, mô tả quy trình, mô tả kết quả đạt được. Người học sẽ suy nghĩ để thực hiện các yêu cầu.

Ví dụ: viết các chương trình nhỏ, có mô tả đầu vào, đầu ra và giải thuật (tìm số nguyên tố, giải phương trình).

Người học chưa thể làm việc độc lập, mà cần có người hướng dẫn, hỗ trợ, sửa lỗi.

Biết làm (Competent)

Là người có khả năng làm việc độc lập. Dựa trên các kinh nghiệm và kĩ năng đã tích lũy được, có thể tự sửa lỗi, khắc phục các trục trặc để hoàn thành được yêu cầu đặt ra. Bước đầu hình thành được mô hình, quy trình thực hiện, hệ thống hóa các khái niệm. Có khả năng tham gia vào quy trình làm việc thực tế. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết đang ở phạm vi nhỏ, và kĩ năng mới dừng lại ở mức giải quyết vấn đề, ít có khả năng phát hiện vấn đề.

Ví dụ: trong nghề lập trình, mức này tương đương với người thực tập, lập trình viên mới vào nghề (fresher, junior developer). Công việc thường là tìm hiểu dự án hiện tại, làm một số chức năng nhỏ, sửa một số lỗi, làm việc dưới sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm.

Thành thạo (Proficient)

Là những người có nhiều kinh nghiệp trong nghề, đã có thể tổng quát hóa và trừu tượng hóa các bài toán, các vấn đề. Có thể nhìn thấy “bức tranh lớn” của lĩnh vực làm việc.

Ví dụ: trong nghề lập trình, công việc thường là đưa ra được các giải pháp, quy trình, hướng dẫn cho người mới, xem xét và đánh giá mã nguồn của các thành viên. Mức này tương đương với developer, senior developer.

Chuyên gia (Expert)

Là người có hiểu biết sâu và rộng về kiến trúc, công nghệ, quy trình.

Ví dụ: trong nghề lập trình, công việc thường là lựa chọn và đánh giá công nghệ, thiết kế, quy trình cho dự án. Mức này tương đương với technical lead, software architecture.


Áp dụng vào thực tế



1. Với mỗi chủ đề học, cấu trúc của mỗi bài thực hành thường gồm ba phần:

– Phần đầu là các bài tập có hướng dẫn từng bước

– Phần thứ hai là các bài tập có mô tả đầu vào, kết quả đầu ra, các chỉ dẫn rời rạc để người học tư duy và gắn kết các phần lại mới có thể làm được

– Phần thứ ba là phần áp dụng kết quả của hai phần trước để làm ra một sản phẩm, bài tập ở phần này chỉ có mô tả đầu vào và kết quả đầu ra, người học sẽ tự thực hiện

2. Cấu trúc bài thực hành của cả môn học cũng tiếp cận theo cách trên, để kết thúc môn học, người học có thể làm được một bài tập tổng hợp, bài tập lớn, để có một sản phẩm lớn hơn, gồm ba phần sau:

– Làm bài tập lớn theo hướng dẫn từng bước (dạng văn bản, video)

– Làm bài tập lớn dựa vào mô tả đầu vào, đầu ra, các chỉ dẫn rời rạc, và có sự hỗ trợ của giáo viên, huấn luyện viên

– Tự làm bài tập lớn dựa vào mô tả đầu vào, đầu ra

3. Cấu trúc phần thực hành của cả khóa học cũng tiếp cận theo cách trên, để kết thúc khóa học, người học sẽ thực hiện một số đồ án, trong đó bao gồm:

– Làm Đồ án theo hướng dẫn từng bước (dạng văn bản, video)

– Làm Đồ án dựa vào mô tả đầu vào, đầu ra, các chỉ dẫn rời rạc, và có sự hỗ trợ của giáo viên, huấn luyện viên


– Tự làm Đồ án dựa vào mô tả đầu vào, đầu ra
---------
Tham khảo


[9] https://duongtrongtan.wordpress.com/2012/01/02/s%C6%A1-b%E1%BB%99-v%E1%BB%81-cac-ly-thuy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-bloom-dreyfus-va-kolb-p2/
[10] http://science-technology.vn/?p=1540
[11] https://en.wikipedia.org/wiki/Dreyfus_model_of_skill_acquisition
[12] https://www.youtube.com/watch?v=SBoT8WJXq4s
-----
Cập nhật: 21/11/2018
------
Đọc thêm: Tản mạn (3) - Chu trình học tập Kolb