Web (4) - Muốn theo nghề lập trình bắt đầu từ đâu (học kiểu tự chế)

Bài trước: Web (3) - Muốn theo nghề lập trình bắt đầu từ đâu (học chính quy) 

---

1.1.1       Học theo chương trình tự chế

Như ở phần trước đã trình bày, bạn có thể hiểu nôm na: chương trình chính quy được thiết kế theo hướng “từ căn bản đến ứng dụng”, nghĩa là sẽ trang bị cho người học một nền tảng lý thuyết khá căn bản và đầy đủ, làm nền tảng cho người học, giúp họ dễ dàng theo học một chuyên ngành và ứng dụng được vào công việc khi đi làm.

Để có thêm một lựa chọn nữa cho người học, chúng ta sẽ tiếp cận theo hướng ngược lại, là “từ ứng dụng về căn bản”. Nghĩa là, bạn sẽ bắt đầu từ một công việc cụ thể (ví dụ nghề làm web), qua trải nghiệm học nghề và thử làm nghề, bạn sẽ biết cần phải học các chủ đề lý thuyết, các kiến thức và kĩ năng căn bản gì? Cách tiếp cận này giúp bạn học có trọng tâm và hứng thú hơn.

Tại sao lại gọi là chương trình tự chế? Vì nó do chính bạn tạo ra, dựa trên những thứ có sẵn, mang dấu ấn cá nhân. Kiểu học này giúp bạn hình thành được kĩ năng chọn tài liệu, học liệu, tự tìm ra được phương pháp học phù hợp nhất cho bản thân, luôn tiến về phía trước mà không phụ thuộc vào người khác, có khả năng tự thích ứng trong điều kiện thay đổi không ngừng của xã hội.

Dựa trên những thứ có sẵn

Hiện nay, bạn muốn học gì, thì trên mạng sẽ luôn có đủ tài nguyên giúp bạn tự học. Nó có thể là video hướng dẫn, bài giảng, sách điện tử (ebook), tài liệu trên các website bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, mã nguồn các dự án mẫu. Bạn có thể nghe, xem, đọc, làm theo, kiểm tra, trải nghiệm. Để tự học hiệu quả, bạn nên ghi chép, tổ chức và tổng hợp các kiến thức, tài nguyên, để có được một lộ trình học rõ ràng, một hệ thống kiến thức bài bản của riêng bạn, có thể tái sử dụng về sau.

Cá nhân hóa việc học

Với giả định là mỗi cá nhân có một khả năng, tố chất, điều kiện, tiến độ học tập, phương pháp, và mục tiêu học khác nhau. Vì vậy, với mỗi chủ đề, tài liệu sẽ cung cấp các nội dung như trải nghiệm rời rạc (xem, nghe, đọc, làm theo), phần lý thuyết tổng hợp, bài tập thực hành và ứng dụng vào thực tế. Bạn cần phải thực hiện đủ các nội dung thì mới đảm bảo là bạn đã nắm chắc được mỗi chủ đề. Bạn sẽ tự thiết lập tốc độ học cho phù hợp với bản thân, ví dụ bạn đặt ra mục tiêu là sau 6 tháng hoặc 1 năm tự học là có thể nộp đơn vào các công ty để  xin thực tập.

Học được phương pháp học

Việc tìm ra phương pháp học hiệu quả với mỗi bạn là một kĩ năng quan trọng. Với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, của môi trường làm việc, khả năng tự học giúp bạn thích ứng tốt hơn trong công việc.

Trong thực tế, bạn phải học không ngừng để biết cách cải tiến các sản phẩm đã có hoặc tạo ra các sản phẩm có chất lượng và tiện dụng hơn. Nếu bạn có phương pháp học hiệu quả, nó sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới. Như vậy, bạn không chỉ tập trung vào học kiến thức chuyên môn mà cũng cần phải học phương pháp học.

Ở các phần sau sẽ có các chủ đề giúp bạn tìm ra được phương pháp học phù hợp với bản thân. Ví dụ: học và hành, tháp học tập, thang đo Bloom, chu trình học tập Kolb, mô hình Dreyfus.

Quay trở lại nghề Công nghệ thông tin, như ở phần trước đã giới thiệu một số công việc cụ thể theo tài liệu của Bộ thông tin và truyền thông. Để có thêm một góc nhìn nữa về các công việc phổ biến, bạn có thể tham khảo các thông tin từ trang Stackoverflow.

Stackoverflow là một mạng xã hội lớn, uy tín của các lập trình viên trên thế giới. Nó giúp các lập trình viên tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề gặp phải trong công việc hàng ngày; là nơi mỗi cá nhân thể hiện trình độ của mình thông qua việc giúp đỡ các đồng nghiệp khác; tuyển người làm & tìm việc làm. Jeff Atwood và Joel Spolsky (người Mỹ) đã sáng lập ra Stackoverflow năm 2008. Hàng năm Stackoverflow thường thực hiện các khảo sát liên quan đến cộng đồng làm nghề Công nghệ thông tin trên thế giới, bạn nên đọc các khảo sát này để có thêm nhiều thông tin hơn.

Bảng sau liệt kê một số công việc phổ biến trong ngành Công nghệ thông tin.

Loại công việc

1. Full-stack developer

2. Back-end developer

3. Front-end developer

4. Desktop or enterprise applications developer

5. Mobile developer

6. DevOps specialist

7. System administrator

8. Database administrator

9. Designer

10. Embedded applications or devices developer

11. Data scientist or machine learning specialist

12. Data engineer

13. Engineering manager

14. Data or business analyst

15. QA or test developer

16. Product manager

17. Game or graphics developer

18. Academic researcher

19. Educator

20. Site reliability engineer

21. Scientist

Số thứ tự mỗi công việc ở bảng trên thể hiện mức độ phổ biến của nó, ví dụ công việc đang có nhiều người làm nhất là Full-stack developer, kế đến là Back-end developer, tiếp theo là Front-end developer. Nói chung, công việc nào đang có nhiều người làm thì sẽ dễ kiếm được việc hơn. Tất nhiên, tùy theo sở thích và điều kiện cá nhân, bạn có thể lựa chọn một trong các nghề ở trên để theo đuổi; cứ kiên trì và quyết tâm thì cơ hội việc làm sẽ đến với bạn.

Bạn có thể vào mạng, gõ tên của mỗi nghề để tìm hiểu thêm. Đây xem như một thử thách nhè nhẹ đầu tiên, trên con đường tự học của riêng mình.

---

Cập nhật: 4/3/2024

Bài sau: Web (5) - Làm web là làm gì?

---

Tải tài liệu đầy đủ: Tự học HTML căn bản

-----

LIÊN HỆ TÁC GIẢ