Cách học (2) - Thang do Bloom

Bài trước: Cách học (1) -  Học và hành

-----

1.1       Thang đo Bloom

Thế nào gọi là giỏi? Có phải một người đạt điểm cao ở trường học gọi là giỏi? Một người đứng đầu các cuộc thi thì gọi là giỏi? Một người biết kiếm thật nhiều tiền được gọi là giỏi? Một người có nhiều bằng cấp được gọi là giỏi? Thiết nghĩ, chúng ta không nhất thiết phải mất thời gian để tranh cãi nhau về khái niệm giỏi, bởi theo lẽ thường, người nào tập trung thời gian, sức lực nhiều vào một lĩnh vực nào đó thì sẽ có kết quả tốt hơn người khác.

Có thứ khá hữu ích mà chúng ta nên tìm hiểu là Thang đo Bloom. Nó là cái gì vậy?

Thang đo cấp độ nhận thức Bloom (Bloom’s Taxonomy), hay Bảng phân loại Bloom, hay ngắn gọn là Thang đo Bloom là một công cụ dùng để phân loại quá trình nhận thức (cognitive). Thang đo Bloom được nhà tâm lý giáo dục người Mỹ, có tên là Benjamin Samuel Bloom (1913 – 1999) đưa ra năm 1956. Kể từ khi ra đời, Thang đo Bloom đã được sử dụng rộng rãi và không ngừng được cải tiến.

Thang đo Bloom được dùng như là công cụ quan trọng trong việc xây dựng mục tiêu giáo dục, đo lường giáo dục, đặt câu hỏi trong giảng dạy và nghiên cứu, xây dựng và thiết kế bài giảng, cũng như hướng dẫn giảng dạy để đạt mục tiêu đã đề ra.

Tới năm 2001, các nhà giáo dục học đã điều chỉnh Thang đo Bloom cho phù hợp với thực tế và có tên gọi mới là Thang đo Bloom tu chính (Bloom’s Revised Taxonomy). Để cho ngắn gọn và tiện trình bày sẽ gọi Thang đo Bloom tu chính là Thang đo Bloom. Xem hình minh họa.



Khi bạn muốn theo học, hay làm một nghề bất kì; hay đơn giản chỉ là tìm hiểu về một nội dung, một chủ đề nào đó, thì bạn có thể lấy Thang đo Bloom để xem trình độ của bạn đang ở mức nào?

Thang đo Bloom gồm 6 cấp độ; thấp nhất là cấp độ 1 (Nhớ), cao nhất là cấp độ 6 (Sáng tạo). Sau đây là ý nghĩa cụ thể của mỗi cấp độ:

– Nhớ (remembering)

Đây là mức độ thấp nhất của quá trình học, hay quá trình nhận thức. Là khả năng nhắc lại những khái niệm, những kiến thức tổng quát, các quy trình, các chú ý đặc biệt. Ở mức độ này, bạn có thể phát biểu là tôi có BIẾT về lĩnh vực đó, nhưng chưa hiểu và chưa thể áp dụng kiến thức vào việc tạo ra sản phẩm. Kiểu như, để làm web thì phải học HTML, CSS, JavaScript, PHP, MySQL; nhưng chưa hiểu thực sự chúng đóng vai trò gì trong việc làm web, cũng như chưa thể dùng chúng để tạo ra một ứng dụng web cụ thể.

Nói chung bạn mới trả lời được những câu hỏi kiểu: nó là cái gì? trình bày? nhắc lại? mô tả? liệt kê?

Do vậy, nếu hỏi một bạn mà cái gì bạn cũng biết, và chỉ thế thôi. Thì rất có thể, trình độ của bạn ấy đang ở mức độ này. Ở một góc độ nào đó, biết nhiều cũng tốt, tuy nhiên, cần phải đi xa hơn thế.

– Hiểu (Understanding)

Đây là cấp độ thứ 2 của nhận thức. Sau khi bạn nghe giảng, đọc sách, xem người khác làm, thì bạn đã BIẾT sơ sơ về một lĩnh vực, chủ đề nào đó rồi. Tuy nhiên, bạn cần phải suy nghĩ thêm, tự xâu chuỗi các thông tin, dữ liệu để HIỂU được nó. Từ đó rút ra được ý nghĩa, có thể diễn giải, liên hệ tới các chủ đề bạn đã biết, các chủ đề liên quan và có thể ứng dụng được nó vào thực tế, vào việc tạo ra sản phẩm.

Ví dụ, bạn có thể vẽ lại được luồng xử lý của một ứng dụng web, trong đó có dùng tới HTML, CSS, JavaScript, PHP, MySQL. Có thể tóm tắt được mối liên hệ giữa chúng.

Ở cấp độ này bạn được đánh giá là đã HIỂU về một lĩnh vực. Các câu hỏi mà bạn có thể trả lời được thường có dạng: bạn hãy giải thích? bạn hiểu gì về? bạn hãy phân biệt và so sánh? bạn hãy cho ví dụ?

Nếu chỉ học để BIẾT sẽ làm cho đầu của bạn bị “đầy”, vì vậy nên “động não” một chút để HIỂU, giúp đầu bạn nhẹ nhàng hơn, tập trung để tư duy nhiều hơn. Từ đó hướng tới việc ứng dụng kiến thức vào thực tế.

Nếu chỉ học để biết, để hiểu, để trả bài, để thi lý thuyết, thì bạn đang tự đóng lại cơ hội nâng cao trình độ của bạn. Hãy tiến thêm một bước nữa.

– Vận dụng (Applying)

Sau khi đã hiểu về một chủ đề, một lĩnh vực nào đó rồi, thì nên nghĩ tới việc áp dụng nó. Giờ mình có thể tạo ra được sản phẩm gì đây? Có thể áp dụng được vào đâu trong cuộc sống? Triển khai một ý tưởng, một lý thuyết, một quy trình vào thực tế thì sẽ làm như thế nào?

Ví dụ, hãy tạo ra một ứng dụng web để bán hàng dùng HTML, CSS, JavaScript, PHP, MySQL.

Ở cấp độ này, bạn có thể LÀM việc được rồi. Và các công ty thường yêu cầu người học việc, người mới đi làm phải đạt được mức này. Nghĩa là có thể tạo ra được sản phẩm.

Ngoài việc tạo ra được sản phẩm hữu hình, ở trình độ này bạn cũng có khả năng để tính toán, chứng minh, giải thích về một chủ đề cụ thể.

– Phân tích (Analyzing)

Sau khi làm việc đủ lâu với một nghề, một chủ đề. Nếu bạn không ngừng đọc tài liệu, suy nghĩ, đúc kết kinh nghiệm từ việc làm thực tế, bạn sẽ có khả năng phân tách một hệ thống lớn thành các yếu tố nhỏ hơn, hiểu được các mối liên hệ và nguyên tắc cấu tạo của từng thành phần trong hệ thống lớn.

Từ việc hiểu sâu sắc hệ thống, bạn sẽ có khả năng phán đoán các lỗi có thể xảy ra; tìm được nguyên nhân của các sự cố; thiết lập được quy trình để tạo ra sản phẩm.

Ví dụ: bạn có thể đoán được lý do tại sao một ứng dụng web lại chạy chậm? Nguy cơ mất an toàn của ứng dụng web nằm ở đâu? quy trình để làm một ứng dụng web gồm những bước nào?

Công việc của bạn thường gắn với các từ khóa như: phân tích, lý giải, so sánh, lập biểu đồ, phân biệt, hệ thống hóa.

– Đánh giá (Evaluating)

Dựa trên kinh nghiệm làm việc lâu năm trong một lĩnh vực, cộng với việc không ngừng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Bạn sẽ có khả năng đưa ra các nhận định, đánh giá đối với một giải pháp, một vấn đề, dựa trên các chuẩn mực, các tiêu chí đã có.

Khi đó, công việc của bạn sẽ là phản biện một nghiên cứu, một bài báo; đánh giá khả năng thành công của một dự án; chỉ ra các điểm mạnh/điểm yếu của công nghệ. Ví dụ: bạn sẽ biết lựa chọn công nghệ nào? kiến trúc nào? mô hình phát triển ứng dụng nào là phù hợp cho một ứng dụng web cụ thể.

Công việc của bạn thường gắn với các từ khóa: đánh giá, cho ý kiến, bình luận, tổng hợp, so sánh.

– Sáng tạo (Creating)

Đây là cấp độ cao nhất của nhận thức. Ở mức này, bạn sẽ có khả năng tạo ra cái mới, xác lập thông tin, sự vật mới, trên cơ sở những thông tin, sự vật đã có.

Ví dụ: bạn có thể thiết kế ra một phương pháp lập trình mới, tạo ra một thuật toán mới, đề xuất một giải pháp, công nghệ mới.

Công việc của bạn thường gắn với các từ khóa: thiết lập, tổng hợp, xây dựng, thiết kế, đề xuất.

Như vậy, với Thang đo Bloom sẽ giúp bạn tự nhìn lại bản thân, để biết trình độ của mình đang ở đâu và cần phải làm gì để nâng cao nó.

Cũng từ thang đo này, người ta chia việc học ra thành 2 kiểu, là học nông và học sâu.

– Học nông (surface learning): là kiểu học chỉ dừng lại ở mức Nhớ và Hiểu, ở mức này, sinh viên sẽ khó thành công trong việc phát triển năng lực của bản thân, không làm được việc.

– Học sâu (deep learning): là kiểu học giúp sinh viên đạt được các mức độ kiến thức cao hơn (Vận dụng, Phân tích, Đánh giá, Sáng tạo), có khả năng làm việc hiệu quả và đưa ra được các giải pháp mới, hữu ích.



Vậy, để học có hiệu quả, bạn cần:

– Đọc thật nhiều để có thông tin, từ đó suy nghĩ, chắt lọc, hệ thống hóa, xâu chuỗi để hiểu vấn đề

– Thực hành thật nhiều để củng cố lý thuyết, có kĩ năng làm việc, có thể tạo ra sản phẩm

– Không ngừng đặt ra các câu hỏi tại sao, rồi tìm ra câu trả lời cho chúng

– Ghi chép một cách có hệ thống các kiến thức đã học được

-----

Cập nhật: 9/11/2022

-----

Bài sau: Cách học (3) - Tháp học tập