Cách học (3) - Tháp học tập

Bài trước: Cách học (2) - Thang đo Bloom 

-----

1.1       Tháp học tập

Nếu để ý quan sát, có thể bạn đã thấy một vài tình huống sau:

– Khi học ở phổ thông, quá trình học của bạn thường gồm đọc trước bài ở nhà, nghe thầy cô giảng, làm bài tập

– Khi học lái xe (xe đạp, xe máy, ô tô) bạn cảm thấy khá đơn giản, chỉ việc xem người khác làm và làm theo. Nhiều lúc không cần biết lý thuyết là gì.

– Bạn sẽ nhớ rất lâu các thông điệp, hay bài học khi tham gia các hoạt động trải nghiệm

– Bày lại bài cho bạn khác, hoặc dạy người khác học quả là khó, nhiều thách thức.

Tất cả các tình huống trên đều liên quan ít nhiều đến quá trình học của con người.

Hình tháp dưới đây là một số phương pháp học phổ biến:




Tháp học tập (The learning pyramid) do Edgar Dale, người Mỹ, đưa ra vào những năm 1940.

Từ tháp học tập, bạn thấy có một số phương pháp học tập phổ biến, được chia thành 2 nhóm: nhóm phương pháp học bị động (passive learning) và nhóm phương pháp học chủ động (active learning). Cụ thể:

Phương pháp học bị động

– Nghe giảng (lecture)

– Đọc sách/tài liệu (reading)

– Học qua quan sát (nghe, nhìn) (audio/visual)

– Học qua thị phạm (có người làm mẫu, vật mẫu) (demonstration)

Phương pháp học chủ động

– Thảo luận (group discussion): học thông qua việc nói về bài học

– Trải nghiệm (practiced by doing): học thông qua làm, thí nghiệm, thực hành

– Hướng dẫn lại cho người khác (teach others): học thông qua việc nói, làm, giải thích lại bài học cho người khác.

Chỉ số % ở hình trên chính là lượng kiến thức người học hấp thụ được, ứng với mỗi phương pháp. Như vậy, bạn đã biết được các phương pháp học nào có hiệu quả cao.

Sau đây là một số nhận xét và kinh nghiệm thực tế, hi vọng có ích cho bạn:

– Mỗi phương pháp có cái hay riêng, phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau, vì vậy bạn cần lựa chọn phương pháp cho phù hợp, không nên cực đoan trong quá trình lựa chọn phương pháp học. Ví dụ: lớp học hàng trăm bạn thì khó mà thảo luận được; hoặc mình còn đang chưa hiểu về bài học thì làm sao mà hướng dẫn cho người khác được.

– Nếu có nhiều phương pháp học để chọn, thì nên chọn phương pháp có hiệu quả nhất. Ví dụ, bạn đang học lập trình, có máy tính, thì sao lại chỉ ngồi đọc lý thuyết, mà không thực hành luôn trên máy.

– Nên kết hợp một vài phương pháp học để không bị nhàm chán trong lúc học. Ví dụ, kết hợp đọc lý thuyết để hệ thống kiến thức, trao đổi với bạn để hiểu kĩ hơn, và thực hành liền để xem kết quả hoặc tạo ra sản phẩm.

– Đọc, tìm hiểu, làm bài tập, bài thực hành trước ở nhà, trước khi tới lớp là một phương pháp học hiệu quả. Tuy nhiên, phải kiên trì và có kỉ luật cao mới làm được.

– Tận dụng mọi phương pháp, mọi cơ hội để học. Quan sát, nghe, đọc, trải nghiệm, làm việc càng nhiều càng tốt.

-----

Cập nhật: 9/11/2022

-----

Bài sau: Cách học (4): Chu trình học tập Kolb