Cách học (4) - Chu trình học tập Kolb

 Bài trước: Cách học (3) - Tháp học tập 

-----

1.1       Chu trình học tập Kolb

Sau khi đọc xong các chủ đề Học và hành, Thang đo Bloom, và Tháp học tập, có thể bạn đã có một vài ý tưởng liên quan đến “cách học”, như:

– Khi học thì luôn nghĩ tới việc áp dụng vào cuộc sống, ngược lại khi làm việc thì luôn học thêm để nâng cao trình độ, cải tiến sản phầm, có sáng tạo trong công việc

– Muốn biết trình độ của mình đang ở đâu, trong một lĩnh vực, thì tự xem lại bản thân, xem mình đã biết, hiểu và làm việc thuần thục trong lĩnh vực đó hay chưa; mình có khả năng phân tích, đánh giá hay tạo ra một cái gì mới mẻ không?

– Khi cần học một chủ đề mới, hoặc cần học để làm một việc mới, bạn có thể học nhanh được không? Có thể tự đọc sách, nghe bài giảng, xem làm minh họa, tự thực hành và trình bày lại cho người khác được không?

Nếu bạn đã đạt được những việc trên thì xin chúc mừng.

Phần này sẽ giới thiệu với bạn một phương pháp học cụ thể, mang tính thực hành, hi vọng sẽ giúp bạn học hiệu quả hơn. Xin giới thiệu phương pháp học dựa trên trải nghiệm (experimental learning model), có tên là Chu trình học tập Kolb. Kolb là một nhà giáo dục, người Mỹ. Ông đưa ra chu trình học tập này vào năm 1984, mô hình dựa trên các ý tưởng của Dewey, Piaget, Lewin.

Phương pháp học trải nghiệm được sử dụng rộng rãi trong việc thiết kế chương trình, thiết kế bài giảng, trong huấn luyện, hướng dẫn học tập cho các chương trình đào tạo nghề nghiệp.

Chu trình học tập Kolb tập trung nhiều vào quy trình học và phương pháp học.

Quy trình học

Theo chu trình học tập Kolb, quá trình học gồm bốn giai đoạn:

– Trải nghiệm rời rạc

– Quan sát, đánh giá lại sự việc

– Khái quát các khái niệm

– Chủ động thử nghiệm


Trải nghiệm rời rạc

Là việc bạn đã đọc tài liệu, nghe giảng, xem hướng dẫn, xem làm mẫu, làm theo, tự làm một số thao tác đơn giản, liên quan đến chủ đề đang học. Đây được xem là mức “học nông”, người học mới chỉ ghi chép, nhớ, và là bước khởi đầu của quá trình học.

Quan sát, đánh giá lại sự việc

Là việc bạn chiêm nghiệm lại nội dung bài học dựa trên các trải nghiệm rời rạc; suy nghĩ, móc nối các khái niệm, đối tượng; hệ thống lại các nội dung liên quan; đối chiếu các nội dung học với thực tế. Tới đây bạn đã tham gia sâu hơn vào quá trình nhận thức, đã hiểu được chủ đề đang học.

Khái quát các khái niệm

Sau khi bạn đã có các trải nghiệm rời rạc, đã có những suy tưởng, chiêm nghiệm, đánh giá, tổng hợp, bạn sẽ rút ra được những kết luận cuối cùng cho bản thân về chủ đề đang học. Các kết luận có thể xem là những tri thức mới (đối với bạn).

Chủ động thử nghiệm

Là việc bạn đem những tri thức mới có ở bước trước, áp dụng vào thực tế để kiểm nghiệm lại tính đúng sai, có ích hay không, trước khi chấp nhận tri thức mới. Tri thức mới này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho chu trình học kế tiếp.

Tính cách và phương pháp học

Phần này hi vọng giúp bạn hiểu hơn về bản thân, nghĩa là bạn đang là người thuộc nhóm tính cách nào và bạn thường thích học theo kiểu gì?

Theo mô hình học tập Kolb, có bốn phong cách học, ứng với bốn dạng tính cách. Xem hình minh họa.


– Người hành động (doer): sử dụng các kinh nghiệm rời rạc đã có, chủ động áp dụng luôn vào làm thực tế, thích thử thách, luôn cởi mở với các cơ hội học tập mới, lĩnh vực mới

– Người quan sát (reflector): quan sát, đánh giá, suy nghĩ trước khi bắt tay vào làm; thường nhìn thấy phương pháp tiếp cận và giải pháp mới

– Nhà tư tưởng (thinker): kết hợp quan sát, tự đánh giá lại sự kiện, và khái quát thành khái niệm trừu tượng, tạo ra các quy trình, các mô hình rõ ràng, mạch lạc.

– Người quyết định (decider): thích được trải nghiệm các lý thuyết trong thực tế, thích có những quy luật rõ ràng, logic, ngắn gọn để áp dụng luôn vào thực tế. Là người thực dụng và không muốn mất nhiều thời gian cho quá trình học

Một số nhận xét

– Do đặc điểm tâm lý khác nhau, nên khi học, mỗi bạn sẽ có xu hướng lựa chọn các giai đoạn khác nhau để bắt đầu. Ví dụ, có bạn thì thích bắt tay vào làm sản phẩm ngay, muốn thực hành ngay, trong quá trình làm sẽ tìm hiểu lý thuyết; có bạn thì thích được hướng dẫn từng bước; có bạn thì phải đọc, hiểu, rồi mới làm thực hành. Bạn chọn cách nào cũng được, miễn là bạn thấy nó phù hợp với bạn, và quá trình học có hiệu quả.

– Bạn thường có xu hướng chỉ tập trung vào một giai đoạn mà bạn ưa thích và thành thạo. Ví dụ: bạn chỉ thích làm thực hành, mà lười đọc để hiểu lý thuyết; hoặc có bạn khác chỉ thích ngồi đọc lý thuyết, hiểu, rồi dừng lại, không bắt tay vào thực hành, tạo ra sản phẩm. Đây là một thói quen không tốt, bạn cần phải điều chỉnh. Lời khuyên là bạn cần phải trải nghiệm đủ 4 giai đoạn của chu trình học tập thì bạn mới có kiến thức toàn diện, sâu sắc về một chủ đề, một lĩnh vực. Bạn cũng luôn phải phân bổ thời gian cho hợp lý giữa 4 giai đoạn học này.

– Người lớn tuổi thường có xu hướng đi từ “lý thuyết” > “chiêm nghiệm”  > “thực hành”; trong khi trẻ em, người trẻ có xu hướng đi từ “thực hành” > “chiêm nghiệm” > “lý thuyết”.

– Học liệu của một môn học thường gồm: tài liệu lý thuyết, video hướng dẫn làm theo, video bài giảng, câu hỏi thảo luận, bài thực hành, bài tập nâng cao, dự án thực tế

– Để học hiệu quả, bạn cần có giáo viên đồng hành, họ sẽ là người thiết kế chương trình, hỗ trợ quá trình học; ngoài ra, họ còn đóng vai trò như một người huấn luyện viên, đưa ra lộ trình học, thực hiện các bài đánh giá, gây áp lực.

– Người giáo viên sẽ đánh giá bạn ở cả bốn mức độ: nhớ, hiểu, tổng hợp, áp dụng vào thực tế. Mục đích là để bạn trải qua đầy đủ bốn giai đoạn học. Công cụ đánh giá thường gồm: các câu hỏi (trắc nghiệm) để kiểm tra khả năng nhớ, hiểu và tổng hợp; kiểm tra, báo cáo, đánh giá dựa trên dự án, bài tập lớn, và các sản phẩm do bạn thực hiện.

-----

Cập nhật: 9/11/2022

-----

Bài sau: Cách học (5) - Mô hình Dreyfus