Windows Form (2): Chương trình đầu tiên (tt)

Bài trước: Windows Form (1): Chương trình đầu tiên
-----
2. Chương trình đầu tiên (tt)

Để việc học cuốn hút hơn, phần này chúng ta sẽ làm một ứng dụng thực tế có tên là QuanLySach.

- Chúng ta sẽ tạo solution rỗng có tên UngDungWindowsForm.

- Tạo và thêm project rỗng có tên QuanLySach vào solution UngDungWindowsForm

2.1 Hàm Main()

Một chương trình máy tính luôn phải có điểm bắt đầu (hay đầu vào - entry point), nó chính là nơi khởi chạy của ứng dụng. 

Điểm bắt đầu đó chính là hàm Main(). Hiểu đơn giản, khi bạn chạy chương trình QuanLySach, hệ điều hành Windows sẽ tìm hàm Main() để chạy đầu tiên.

Hàm (function) là một đoạn mã được đặt tên.

Đoạn mã của hàm Main() phải được lưu ở trong một tập tin nào đó (ví dụ Program.cs). Program.cs là một tập tin mã nguồn C#. Phần mở rộng .cs là viết tắt của CSharp.

Để thêm một tập tin mã nguồn vào project, chúng ta sẽ thêm một tập tin trắng hoàn toàn (empty file), sau đó nhập mã nguồn vào sau.

- Trong cửa sổ Solution Explorer, chuột phải vào project QuanLySach > chọn mục Add > chọn New Item > chọn Code File > nhập tên cho tập tin là Program.cs > bấm Add

Nếu thêm tập tin Program.cs thành công, bạn sẽ thấy nó xuất hiện trong project QuanLySach (cả trong giao diện của Visual Studio và trong File Explorer).


Bạn hãy nhập đoạn mã nguồn sau vào tập tin Program.cs

using System;

static class Program

{

            static void Main()

            {

            // xuất một dòng thông báo ra console

            Console.WriteLine("Phan mem QuanLySach!");

            // dừng màn hình kết quả

            Console.ReadLine();

            }

}

Bấm nút Save để lưu tập tin mã nguồn, bấm nút Start để chạy ứng dụng.

Nếu ứng dụng QuanLySach chạy thành công, bạn sẽ thấy dòng chữ “Phan mem QuanLySach!” xuất hiện trong cửa sổ dòng lệnh.

Chúc mừng bạn đã viết thành công ứng dụng QuanLySach.

Giải thích một số dòng mã:

using System;

Dùng từ khóa using để triệu gọi (hay khai báo sẽ dùng tới) thư viện System của .NET Framework. Thư viện System cung cấp hàm Console.WriteLine()Console.ReadLine().

static class Program 

{

static void Main()

{

}

}

Vì chúng ta đang lập trình theo kiểu hướng đối tượng, nên mọi thứ phải được viết dưới dạng các class (lớp).

Dùng từ khóa class để tạo một lớp có tên là Program.

Vì Program là một lớp đặc biệt, không khởi tạo đối tượng, nên sẽ dùng thêm từ khóa static ở phía trước. Trong class Program, định nghĩa phương thức (method, hay hàm) Main().

Hàm Main() cũng là một hàm đặc biệt, không có kiểu trả về, nên khai báo kiểu trả về là Void. Hàm Main() tự chạy mà không phải gọi hàm, nên thêm từ khóa static.

2.2. Bài tập

1. Tập tin mã nguồn của C# có phần mở rộng là gì?

A. c#

B. cs

C. css

D. sln

2. Trong lập trình C#, từ khóa nào dùng để triệu gọi (sẽ sử dụng) một thư viện?

A. include

B. import

C. using

D. ref

3. Điểm vào (entry point) của một chương trình C# là hàm gì?

A. main()

B. Main()

C. WinMain()

D. program()

4. Viết lại chương trình QuanLySach như trong bài học.

 -----

Gợi ý làm bài tập:

1(B), 2(C), 3(B)

-----

Cập nhật: 14/11/2024

Bài sau: Windows Form (3): Tạo Form đầu tiên