1. Chương trình đầu
tiên
1.1 Cài đặt Visual Studio
Để lập trình chúng ta cần có vài thứ sau:
- Một ngôn ngữ lập trình, để ra lệnh cho máy tính thực hiện các hành động. Ví dụ ngôn ngữ C#. Kiến thức về ngôn ngữ C# chúng ta sẽ học, để nó nằm ở trong “đầu”. Ví dụ, làm sao để in
một dòng chữ ra màn hình, làm sao để nhập dữ liệu từ bàn phím.
- Một chương trình để viết mã nguồn, lưu mã nguồn thành một tập tin. Visual Studio sẽ đóng vai trò là chương trình để viết mã nguồn.
- Một trình dịch mã nguồn, thực thi chương trình và hiển thị kết quả. Visual Studio cũng sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Tải và cài đặt Visual Studio
Vào trang https://visualstudio.microsoft.com/downloads/, chọn bản phù hợp để tải Visual Studio về máy. Để học tập, bạn nên chọn bản miễn phí (community).
Thực hiện cài đặt Visual Studio như một chương trình thông thường.
Windows Form
Windows Form là công cụ của .NET Framework giúp lập trình viên làm ra phần mềm chạy trên máy cục bộ.
Form là biểu mẫu, bao gồm các ô nhập liệu, các dòng hướng dẫn, các nút tương tác với người dùng, các ô hiển thị dữ liệu. Form là giao diện đồ họa, giúp người dùng tương tác, thực hiện các chức năng của phần mềm.
.NET Framework là một cái khung có sẵn, là một bộ thư viện giúp mình làm ra phần mềm nhanh hơn. Framework nó giống như cái khung nhà tiền chế, khi có khung nhà rồi, chúng ta chỉ việc lắp thêm ván, lợp mái, sơn, …v.v là có ngôi nhà để ở.
1.2 Tạo solution và project
[Thực hành trên Visual Studio 2022]
Tạo Solution
Trong Visual Studio, solution là một thư mục (có thể gọi là thùng chứa - container) dùng để chứa các dự án (project) có liên quan đến nhau. Ví dụ: solution sẽ chứa 2 project, một project có tên là Project1, và một project có tên là testProject1 dùng để kiểm thử (testing) cho Project1.
Chúng ta sẽ thử tạo một solution rỗng bằng Visual Studio.
- Mở Visual Studio > vào menu File > New > Project > trong cửa sổ Create a new project, nhập nội dung Blank Solution vào ô tìm kiếm (Search for a template) > bấm chuột vào ô Blank Solution.
- Trong cửa sổ
Configure your new project, nhập tên cho solution vào ô Solution name (ví dụ
Solution1). Bạn nên sử dụng File Explorer để tạo một thư mục chứa các nội dung
thực hành (ví dụ: E:\HocWindowsForm). Mục Location sẽ chỉ đường dẫn tới nơi sẽ
chứa các solution (ví dụ: E:\HocWindowsForm). Bấm nút Create để tạo solution.
- Sau khi tạo
solution thành công, bạn sẽ thấy nó xuất hiện ở khung cửa sổ Solution Explorer.
Nếu không thấy Solution Explorer, trong Visual Studio > vào menu View >
chọn Solution Explorer.
- Dùng File
Explorer để mở thư mục Solution1, bạn sẽ thấy có thư mục ẩn .vs và tập tin Solution1.sln (tập tin mô tả thông tin của Solution1). Tập tin có phần mở rộng .sln được sử dụng để mở solution.
Để xóa solution, sử dụng chương trình File Explorer để xóa như một thư mục thông thường. Bạn cần phải đóng (close) solution đang mở ở trong Visual Studio thì mới xóa được.
Tạo
project
Project là một thùng chứa, nó được sử dụng để chứa và tổ chức các tập tin mã nguồn; cùng các thành phần và tài nguyên khác để tạo ra một ứng dụng.
Project là con của solution.
Lập trình viên sẽ sử dụng project như một đơn vị cơ bản, để tạo, tổ chức và biên dịch một chương trình.
Ở phần trên chúng ta đã tạo được solution rỗng (chưa có project). Chúng ta sẽ tạo và thêm project rỗng cho solution. Project rỗng là chưa có gì bên trong.
Để tạo project rỗng, trong cửa sổ Solution Explorer, chuột phải vào solution muốn thêm project (ví dụ Solution1) > vào mục Add > New Project > trong cửa sổ Add a new project > nhập từ khóa tìm kiếm “empty project C#”
- Bấm vào mục
Empty Project (.NET Framework) > nhập tên project sẽ tạo (ví dụ Cafe1). Để ý
mục Location xem project đã nằm trong solution mong muốn hay chưa. Phiên bản
.NET Framework sẽ dùng là 4.7.2.
- Bấm nút
Create để tạo project rỗng.
- Bạn có thể thêm nhiều project rỗng vào một solution.
- Sau khi tạo xong project, chúng sẽ xuất hiện trong cửa sổ Solution Explorer
- Mở File
Explorer để kiểm tra, sẽ thấy thư mục của project xuất hiện.
- Vậy là chúng
ta đã tạo được project rỗng. Sẵn sàng để thêm các tập tin mã nguồn vào cho dự
án.
Để gỡ bỏ (remove) project ra khỏi dự án, chuột phải vào project cần gỡ bỏ > chọn mục Remove. Lưu ý: project chỉ bị gỡ ra khỏi solution chứ thư mục của project không bị xóa. Do đó bạn vẫn có thể thêm project này vào lại solution.
Để thêm project đã có sẵn vào solution > chuột phải vào solution > chọn Add > chọn Existing Project > tìm tới project có sẵn > tìm tới tập tin có phần mở rộng .csproj (ví dụ Cafe2.csproj) > bấm Open.
- Để xóa
project (xóa mất hoàn toàn), sử dụng chương trình File Explorer để xóa như một
thư mục thông thường. Bạn cần phải đóng (close) solution (chứa project cần xóa)
trong Visual Studio thì mới xóa được.
Vậy là chúng ta đã làm quen với việc: tạo,
thêm, xóa solution, project. Tự thưởng cho mình 5 phút nghỉ ngơi, uống nước, ăn
kẹo (nếu có … he he).
1.3 Bài tập
1. Thực hiện các công việc sau:
- Tạo 2 solution rỗng bất kì, ví dụ Solution1, Solution2.
- Trong Solution1 tạo 2 project (Cafe1, Cafe2)
- Trong Solution2 tạo 2 project (NhaHang1, NhaHang2)
- Gỡ bỏ project NhaHang1, NhaHang2 ra khỏi Solution2
- Chuyển thư mục của project NhaHang1 từ Solution2 sang Solution1
- Thêm project NhaHang1 vào Solution1
- Xóa project NhaHang2
- Xóa Solution2
2. Tập tin chứa thông tin mô tả cho một solution có
phần mở rộng là?
A. csproj
B. sol
C. sln
D. csharp
3. Tập tin chứa thông tin mô tả cho một project có
phần mở rộng là?
A. csproj
B. project
C. sln
D. pro
4. Phát biểu nào sau
đây đúng?
A. Một solution có
thể chứa nhiều project
B. Một project có thể
chứa nhiều solution
C. Các project có thể
lồng nhau
D. Các solution có
thể lồng nhau
-----
Gợi ý làm bài tập:
1. Thực hiện các công việc sau:
- Tạo 2 solution rỗng bất kì, ví dụ Solution1, Solution2.
- Trong Solution1 tạo 2 project (Cafe1, Cafe2)
- Trong Solution2 tạo 2 project (NhaHang1, NhaHang2)
- Gỡ bỏ project NhaHang1, NhaHang2 ra khỏi Solution2
- Chuyển thư mục của project NhaHang1 từ Solution2 sang Solution1
- Thêm project NhaHang1 vào Solution1
- Xóa project NhaHang2
- Xóa Solution2
[Kết quả trên Visual Studio]
[Kết quả trên File Explorer]
2(C), 3(A), 4(A)
-----
Cập nhật: 12/11/2024
Bài sau: Windows Form (2): Chương trình đầu tiên (tt)