Vài cách nghĩ (của một ông giáo già) cũng tương tự như ở bài viết dưới đây:
- Lấy cô đơn làm bạn
- Chuyện gì xảy ra cũng tốt
- ....nói chung là "kệ cha nó"
-----
Bài viết lấy về từ fb của BacVanVuong
[Hôm qua là tròn một năm phát hiện quả ung thư. một năm trước, bác sĩ ở phòng cấp cứu khẳng định, tôi chỉ còn vài tháng. rời phòng cấp cứu chuyển về khoa ung bướu, bác sĩ tại đây phán, nếu cơ địa đáp ứng tốt với thuốc men, tôi có thể sống từ một tới ba năm. thế rồi bs "tư vấn" (gọi là tư vấn cho có vẻ, thực chất là khuyên bảo), rằng tôi nên lạc quan, thu xếp tài chính, đi du lịch, đi thăm người thân, rằng vv và vv... bình thường, nếu nghe kiểu "tư vấn" này chắc tôi cười ỉa, nhưng lúc đó tôi không cười, cũng chả khóc, dĩ nhiên rồi. cảm giác ông ấy đang nói với ai chứ không phải với mình nên tôi hoàn toàn dửng dưng. lúc đó tôi chỉ thầm mong đỡ đau để vẽ.
một năm qua, sự khác biệt duy nhất mà người ngoài có thể nhận ra, là tôi rất gày. chỉ vậy thôi, không ai nghĩ rằng tôi bị ung thư. thật đơn giản, tôi còn chả nghĩ tôi bị ung thư thì ai mà nghĩ?! tôi vẫn như xưa, như chưa từng bị bệnh. tôi sống bình thường, và bình thản. tôi chẳng "chuẩn bị" điều gì cũng như ai cũng phải "chuẩn bị" dù khỏe mạnh hay ốm đau.
bài dưới đây viết từ 2019. khi đó viết vì nghe tin một người bạn dính ung thư. giờ đọc lại, thấy những điều viết ra thật đúng. nó hoàn toàn không phải sự động viên, mà là sự thật.
mời đọc, ai ngại đọc dài thì bỏ qua nhé, mình không ép :)))
*
được tin bạn dính ung thư. cũng nghe rằng tinh thần bạn xuống rất thấp, gần như hoảng loạn. chẳng thể "an ủi" gì được trong lúc này. chả biết nói gì, đành biên vài chữ như sự sẻ chia hư không.
việc bạn dính ung thư khiến tôi nhớ lại bộ phim mỹ (phim series. tựa việt "tập làm người xấu") xem cách đây hơn một năm. nhân vật chính trong phim dính ung thư phổi (bạn tôi cũng vậy). điều làm tôi nhớ nhất về thái độ của nhân vật này với ung thư chỉ gói gọn trong một câu thoại.
sau đợt xạ trị thứ nhất, bác sĩ thông báo kết quả điều trị. kết quả không phải khả quan mà là trên cả tuyệt vời. bác sĩ nói rằng, sau đợt xạ trị đầu tiên khối u nhỏ lại chừng 20 tới 30% là mĩ mãn, còn của anh, khối u nhỏ lại 80%.
gia đình và bạn bè tụ tập tổ chức ăn mừng. mọi người phát biểu cảm tưởng, những lời chúc tụng tuôn ra xối xả trong khi nhân vật chính thản nhiên mặt đần như ngỗng lạnh như cứt. mọi người yêu cầu anh ta phát biểu. anh ta nói ngắn gọn: "khi được thông báo dính ung thư, tôi tự hỏi, tại sao lại là tôi. khi được thông báo kết quả điều trị, tôi lại tự hỏi, tại sao lại là tôi".
tại sao lại là tôi? sự băn khoăn đầy tính triết học! tại sao tôi lại trúng vietlot hệt như tại sao tôi dính ung thư. tại sao lại là tôi? phương tây trả lời: định mệnh (destiny), còn phương đông trả lời: nghiệp (karma). định mệnh thì luôn trớ trêu còn nghiệp là phải trả những món nợ (trót vay). tại sao lại là tôi? đó là câu hỏi đặt ra khi chúng ta đối diện với số phận.
nhân vật trong phim hiểu sâu sắc điều này, và ông ta lựa chọn một thái độ (dẫn tới hành động) thiết thực và tích cực.
đời sống bình lặng diễn ra khiến ta quên đi định mênh, chỉ tới khi gặp biến cố ta mới thấy rõ bộ mặt và vai trò của định mệnh. không thể cưỡng lại định mệnh nhưng chúng ta có thể lựa chọn thái độ khi đối mặt với nó.
định mệnh giống như kẻ bắt nạt. kẻ bắt nạt sẽ làm tới khi ta run sợ, và nó phải buông tha khi ta mạnh mẽ.
ung thư là nan y. dính ung thư là cơ hội được nhìn trực diện vào định mệnh. lúc này, ung thư có đáng sợ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của ta.
ai đó nói rằng, đời cơ bản là buồn. thế nhưng đời tôi ngập tràn niềm vui bởi vì niềm vui của tôi là nỗi buồn. đây không phải trò chơi nghịch lí, mà nó hoàn toàn là sự thật. niềm vui là nỗi buồn bởi tôi biến nỗi buồn thành niềm vui. tin hay không thì tùy, tôi sẽ rất buồn chán khi cuộc sống không có nỗi buồn.
dính ung thư là tin buồn, dĩ nhiên, nhưng nếu ta coi đó là một trải nghiệm xứng đáng, tin buồn hóa tin vui.
kẻ mạnh là kẻ thống trị (nietzsche). ta mạnh mẽ tới độ ta thống trị định mệnh. ta mạnh mẽ tới độ định mệnh phải e dè, ta sinh động tới độ thần chết phải bẽn lẽn. sự mạnh mẽ này hoàn toàn thuộc về tâm trí.
cái chết không đối lập với sự sống mà nó chỉ đối lập với sự sinh ra. sinh ra và chết đi thuộc thẩm quyền của định mệnh, còn cuộc sống thuộc thẩm quyền của chúng ta. ta không thể lựa chọn được sinh ra hay phải chết đi nhưng chúng ta có thể lựa chọn sống như thế nào.
ai cũng sẽ phải đối diện với định mệnh của mình. định mệnh ấy muôn mặt, không nhất thiết là ung thư. bộ mặt ấy thế nào không nằm trong vùng kiểm soát của ta. cái ta có thể kiểm soát, là tâm trí, là thái độ của mình. hãy nhớ rằng, "sự thật khách quan" là tương đối còn tâm trí ta là tuyệt đối.
*
"ta là những gì ta nghĩ. suy nghĩ của ta làm nên thế giới của ta" - gautama
chúng ta là nô lệ của thói quen (thói quen không chỉ là hành vi, mà còn là suy nghĩ. ta gọi thói quen nghĩ là cách nghĩ). khi thói quen chưa bị phá vỡ, ta gọi nó là sự ổn định. tất cả chúng ta đều thích sự ổn định bởi bản năng bầy đàn và tâm thức nô lệ. tự do nghe rất hay ho nhưng thực tế, chúng ta sợ tự do, thậm chí thù ghét tự do. làm sao có thể có tự do khi ta lệ thuộc thói quên? khi thói quen bị phá vỡ, ta gọi đó là biến cố. chẳng ai thích biến cố cả.
mọi câu chuyện (biến cố, thảm họa...v.v) đều có tính hai mặt nhưng thông thường chúng ta chỉ nhìn vào mặt tiêu cực mà quên đi sự tích cực. ta thường không nhìn ra - hoặc không có khả năng nhìn ra - mặt tích cực của biến cố. điều này chẳng mới mẻ gì, "tái ông thất mã" là một ngụ ngôn cổ xưa mô tả về điều này.
lợi ích đầu tiên của một biến cố là nó khiến cho tâm trí ta được "refresh", ta có cơ hội thoát khỏi lối suy nghĩ cũ mòn của mình mà trong điều kiện bình thường ta sẽ bám chặt vào nó.
cũng trong phim "tập làm người xấu", ung thư đã khiến cho nhân vật chính khám phá ra không biết bao nhiêu khả năng mới lạ của bản thân mà trong điều kiện bình thường, ông ta không thể biết mình có những tố chất đặc biệt ấy.
mỗi một biến cố là một cơ hội để ta nghĩ khác đi và khám phá bản thân mình.
gần đây có người bạn khuyên tôi rằng "lấy vợ đi cho ổn định". tôi ngạc nhiên trước lời khuyên này bởi vì tôi đang rất ổn định, hay nói cách khác là tôi đang ổn định theo cách mà người đời quan niệm là không ổn định hoặc nói gọn lại là tôi đang ổn định với sự bất ổn.
ba lần lấy vợ là ba lần tôi bị vợ đuổi đi. giờ sống một mình, ai có thể đuổi tôi? ba lần nhà cửa đề huề là ba lần bị đá ra khỏi nhà. giờ ngủ vỉa hè, ai có thể đá tôi đi? rõ ràng là tôi đang rất ổn định.
chẳng có sự ổn định nào nếu bạn không an tâm với sự bất ổn.
những người bà-la-môn sau khi xuất gia, họ không ở đâu quá ba ngày, thậm chí họ không ngồi dưới cùng một gốc cây quá ba lần, và không ai ổn định hơn họ.
tôi sẽ không bao giờ biết được rằng mình cũng biết vẽ nếu như hồi đầu năm tôi không phải nằm viện để khoan lỗ đuýt. không vì một tháng nằm liệt giường thì sẽ chẳng bao giờ tôi cầm đến cái cọ để nghịch mầu.
và khi nghịch mầu, tôi khám phá ra bao nhiêu điều mới lạ.
***
đời sống sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu thiếu đi các biến cố. cuộc sống sẽ lờ đờ thiếu sinh khí nếu ta không biết phá bỏ các thói quen. cũng như nỗi buồn làm nên niềm vui, chúng ta sẽ ổn định khi bình thản với sự bất ổn. chúng ta có thể có tất cả ngay cả khi không có gì. bởi vì "suy nghĩ của ta làm nên thế giới".
7/11/2019]
-----