Windows Form (6): Làm quen với Cơ sở dữ liệu

Bài trước: Windows Form (5): Lập trình cho Form

-----

6. Làm quen với Cơ sở dữ liệu

6.1 Cơ sở dữ liệu là gì?

Để hiểu cơ sở dữ liệu là gì? Chúng ta cùng xuất phát từ một tình huống thực tế.

Bạn là chủ một tiệm bán sách, và muốn có một phần mềm hỗ trợ cho việc quản lý tiệm sách.

Yêu cầu đối với phần mềm là:

- Cho phép nhập thông tin sách vào phần mềm, thông tin của mỗi cuốn sách gồm: tên sách, tác giả, giá nhập, giá bán, nhà xuất bản, năm xuất bản

- Xem được danh sách các cuốn sách đang có trong tiệm

- Xem được các cuốn sách đã bán theo ngày, tuần, tháng

- Xem được tổng số tiền của sách trong tiệm

- Xem được tổng số tiền sách đã bán được trong ngày, tuần, tháng

- Tìm kiếm sách theo tên, nhà xuất bản, tác giả, giá, năm xuất bản

- Biết được tình trạng mỗi cuốn sách là đã bán rồi hay chưa   

Với các yêu cầu như trên, bạn hoàn toàn có thể thực hiện được bằng phần mềm bảng tính Excel.


Tuy nhiên, dùng Excel khá vất vả và bất tiện.

Nếu có được phần mềm để thực hiện các chức năng trên thì việc thao tác sẽ đơn giản và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, để có phần mềm thì bạn phải bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Cái gì cũng có cái giá của nó.

Dựa vào yêu cầu của phần mềm, bạn sẽ thấy là chúng ta phải lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin liên quan đến các đối tượng: sách, tác giả và nhà xuất bản.

Nếu để thông tin của cả 3 đối tượng trên cùng một bảng (như trong Excel) thì sẽ có tình trạng thông tin bị lặp lại nhiều, khó khai thác (truy vấn), khó quản lý. Vì thực tế, chúng ta cần lưu rất nhiều thông tin.

Giải pháp là chúng ta sẽ tách thông tin của 3 đối tượng thành 3 bảng, gồm: bảng Sach, NhaXuatBan, và TacGia.

- Bảng Sach sẽ lưu các thông tin: Tên sách, Giá nhập, Giá bán, Năm xuất bản, Tác giả, Số lượng, Ngày nhập, Ngày bán, Số lượng bán.

- Bảng NhaXuatBan sẽ lưu các thông tin: Tên nhà xuất bản, Địa chỉ

- Bảng TacGia sẽ lưu các thông tin: Tên tác giả, Giới tính, Quốc tịch

Bạn có thể quan sát ở dạng bảng:


Tập hợp 3 cái bảng trên, kèm theo dữ liệu trong mỗi bảng, và một số thông tin khác sẽ tạo thành một cơ sở dữ liệu.

Vậy,

Cơ sở dữ liệu (database) là một tập hợp các dữ liệu có tổ chức, liên quan đến nhau, thường được lưu trữ và truy cập bằng hệ thống máy tính. Đơn giản hơn, cơ sở dữ liệu là một kho lưu trữ thông tin có cấu trúc, giúp chúng ta dễ dàng quản lý, tìm kiếm và cập nhật dữ liệu.

Ưu điểm của cơ sở dữ liệu:

–  Giảm sự trùng lặp thông tin xuống mức thấp nhất

–  Có thể truy xuất thông tin theo nhiều cách

–  Cho phép nhiều người cùng sử dụng một lúc

Cơ sở dữ liệu phản ánh một phần của thế giới thật.

Có nhiều loại cơ sở dữ liệu, trong ứng dụng này, chúng ta sẽ làm quen với “Cơ sở dữ liệu quan hệ”, hoặc bạn có thể gọi là cơ sở dữ liệu dạng bảng cho trực quan, dễ hiểu (từ đây gọi tắt là cơ sở dữ liệu)

Như vậy, chúng ta có thể hiểu đơn giản như sau:

- Dữ liệu được lưu trong các bảng (các table)

- Một cơ sở dữ liệu là một tập hợp của nhiều bảng dữ liệu

- Giữa các bảng dữ liệu này có thể có mối liên hệ với nhau, gọi là các quan hệ.

Để tạo, quản lý, và khai thác cơ sở dữ liệu, chúng ta cần dùng tới một phần mềm có tên gọi chung là Hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DataBase Management System - DBMS).

Có rất nhiều Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, ví dụ:

MySQL

PostgreSQL

Microsoft SQL Server

SQLite

MongoDB

Redis

Oracle

MariaDB

Elasticsearch

DynamoDB

Firebase

Cloud Firestore

Cassandra

Neo4j

IBM DB2

CouchDB

Couchbase

 

 

 

6.2 Tải và cài đặt Microsoft SQL Server

Vào trang web để tải Microsoft SQL Server về máy, nên chọn bản miễn phí (Express) https://www.microsoft.com/en-us/sql-server/sql-server-downloads

Thực hiện cài đặt như một chương trình thông thường, chọn chế độ cài Basic.

Ở chế độ mặc định, chương trình cài đặt sẽ cài MS SQL Server vào ổ đĩa C:\. Tuy nhiên, nếu ổ đĩa C:\ sắp đầy dữ liệu thì bạn có thể  cài vào ổ đĩa khác.

Vì các Hệ quản trị cơ sở dữ liệu thường làm việc dưới dạng một dịch vụ (services), nên sau khi cài đặt thành công, bạn sẽ không tìm thấy nó trong thanh Starts, hoặc màn hình Desktop của Windows.

Để kiểm tra cài đặt thành công hay chưa, bạn làm như sau:

- Sử dụng File Explorer, tìm tới thư mục cài đặt xem đã có chương trình MS SQL Server hay chưa?

Ví dụ,

- Nếu cài đặt thành công, MS SQL Server sẽ được đăng ký như là một dịch vụ trong hệ thống Windows. Mở cửa sổ Run > gõ services.msc (để mở cửa sổ Services của Windows) > Bạn sẽ thấy tên MS SQL Server trong cửa sổ > để ý trạng thái ở 2 cột Status (cho biết dịch vụ này đang chạy hay không) và cột Startup Type (chế độ khởi động của dịch vụ, thường là tự động khởi động với hệ điều hành).

- Để chạy dịch vụ MS SQL Server, trong cửa sổ Services > chuột phải vào MS SQL Server > chọn Start > nếu chạy thành công bạn sẽ thấy cột Status chuyển thành Running.

- Để tắt dịch vụ MS SQL Server, trong cửa sổ Services > chuột phải vào MS SQL Server > chọn Stop > nếu tắt thành công bạn sẽ thấy cột Status mất chữ Running.

- Ngoài ra, bạn cũng có thể tắt/mở dịch vụ MS SQL Server trong Task Manager > tab Services.

Để kiểm tra xem trên máy tính có đang chạy đúng bản MS SQL Server hay không? Bạn làm như sau:

Mở Task Manager > chọn tab Services > bấm chuột phải vào MS SQL Server (đang có Status là Running) > chọn Open Services > để mở cửa sổ Services > trong cửa sổ Services > chuột phải vào MS SQL Server > chọn Properties > trong cửa sổ Properties, mục Path to executable sẽ chứa đường dẫn tập tin của MS SQL Server trong ổ đĩa cứng.

-----

Cập nhật: 25/11/2024

Bài sau: Windows Form (7): Thao tác với DBMS bằng dòng lệnh (1)