Thuat ngu CNTT - 1 - Tinh trang thieu thong nhat



Việc chuyển các thuật ngữ chuyên ngành Công nghệ thông tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt


Lê Gia Công

Tình trạng thiếu thống nhất

Ở bài viết này tác giả thực hiện khảo sát các phương tiện, các quan điểm trong việc chuyển các thuật ngữ chuyên ngành Công nghệ thông tin (từ đây gọi tắt là thuật ngữ) từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Khi cần tìm hiểu hoặc cần dịch một thuật ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt, công cụ đầu tiên được nghĩ tới là tra cứu từ điển.

Từ điển[1]: loại sách tra cứu, chứa đựng một tập hợp các đơn vị ngôn ngữ (thường là đơn vị từ vựng), sắp xếp theo một thứ tự dễ tra, tìm (thường là theo thứ tự chữ cái) cung cấp một số kiến thức cần thiết đối với từng đơn vị (cách phát âm, từ nguyên, từ loại, nghĩa, hình thức đối chiếu sang một ngôn ngữ khác, vv.).

Từ điển được chia thành hai nhóm:

Từ điển ngôn ngữ
Từ điển khái niệm
Từ điển tường giải (hay Từ điển giải thích)
Từ điển đối dịch hai hoặc nhiều thứ tiếng
Từ điển đồng nghĩa
Từ điển trái nghĩa
…v.v
Bách khoa thư
Từ điển bách khoa
Từ điển thuật ngữ khoa học
Từ điển thuật ngữ đối chiếu hai hay nhiều thứ tiếng

Có thể sử dụng các loại từ điển kể trên để tìm hiểu và dịch một thuật ngữ.

Ví dụ một số từ điển tác giả đã sử dụng:

-         TỪ ĐIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ANH – VIỆT, Cung Kim Tiến & Nguyễn Trung Thuần, Nhà xuất bản từ điển bách khoa, 2003(bản in)

-         Từ điển Tin học của công ty Lạc Việt (phần mềm)

-         Từ điển trực tuyến tại http://tratu.soha.vn

-         TỪ ĐIỂN TIN HỌC & CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ANH – ANH – VIỆT, Nguyễn Ngọc Tuấn & Trương Văn Thiện, Nhà xuất bản thông tấn, 2002 (bản in)

-         Từ điển máy tính của Vdict.com (trực tuyến)

-         Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ, nhà xuất bản từ điển bách khoa, 2007 (bản in)

Bên cạnh sử dụng các từ điển, có thể sử dụng các công cụ khác:

-         Công cụ dịch của Google tại địa chỉ: http://translate.google.com

-         Bách khoa toàn thư mở (tiếng Anh) tại http://en.wikipedia.org

-         Bách khoa toàn thư mở (tiếng Việt) tại http://vi.wikipedia.org.

-         Từ điển mở tại: http://vi.wiktionary.org

Giả sử cần dịch từ Header trong trình đơn View/Header and Footer của phần mềm Microsoft Word 2003 sang tiếng Việt. Thực hiện tra cứu một số từ điển:

-         Header: tiêu đề (TỪ ĐIỂN TIN HỌC & CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ANH – ANH – VIỆT)

-         Header: ống góp (TỪ ĐIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ANH – VIỆT)

-         Header: đầu trang - văn bản nhắc lại, như số trang hoặc dòng tóm tắt của một đầu đề tài liệu, xuất hiện ở đầu các trang trong một tài liệu (Từ điển Tin học Lạc Việt)

-         Header: đầu trang (http://tratu.soha.vn)

-         Header: người đóng đáy thùng, (thông tục) cái nhảy lao đầu xuống trước,  (điện học) côlectơ, cái góp điện, (kỹ thuật) vòi phun, ống phun, (kiến trúc) gạch lát ngang, đá lát ngang. (Từ điển Anh – Việt của Lạc Việt)

-         Header: tiêu đề (http://translate.google.com)

-         Header: Page header, in printing or typography the material separated from the main body that appears at the top of a page  (http://en.wikipedia.org)

Kết quả tra cứu cho 2 nghĩa đáng chú ý là tiêu đề và đầu trang.

Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ, nhà xuất bản từ điển bách khoa, 2007, thì:

-         Tiêu đề (danh từ): danh mục, đầu đề nêu ra; danh hiệu, địa chỉ,…v.v của một công sở, một xí nghiệp in trên góc trái những giấy tờ dùng về việc văn phòng.

-         Đầu trang: không có mục từ này trong từ điển (tuy nhiên, từ “đầu” có nghĩa là “trên hết, trước hết, ở mút hết”; từ điển Tin học và trang web http://tratu.soha.vn giải thích: “Đầu trang: văn bản nhắc lại, như số trang hoặc dòng tóm tắt của một đầu đề tài liệu, xuất hiện ở đầu các trang trong một tài liệu”).

Vậy “header” là “tiêu đề” hay “đầu trang” hay “tiêu đề đầu trang”?

Tương tự khi tra cứu nghĩa của các từ: protocol, bit, byte, web/website …v.v đều có nhiều hơn một lựa chọn:

-         Protocol: giao thức? nghi thức? định ước? định chuẩn?

-         Bit: bit? bít? số nhị phân?

-         Byte: byte? bai?

-         Web/website: web? website? mạng? trang mạng?

Rất khó để lựa chọn một từ tiếng Việt cho phù hợp trong các trường hợp đã đưa ra.

Có nhiều nhận xét về những khó khăn trong việc chuyển các thuật ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Sau đây là một số nhận xét:

“Công Nghệ Thông Tin hiện là một trong những lĩnh vực sử dụng nhiều từ ngữ vay mượn nhất ở Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng những thuật ngữ tiếng Việt tương đương cũng rất tuỳ tiện, thiếu nhất quán. Việc này gây nhiều khó khăn cho cộng đồng trong việc giao tiếp, truyền thông, nghiên cứu.”[2]

“Việc chuyển dịch các thuật ngữ chuyên ngành từ Anh sang Việt cũng mang nặng tính tự phát, thiếu thống nhất, thiếu tổ chức, nhiều lúc vô nguyên tắc và đặc biệt hơn là việc thiếu vắng sự hỗ trợ tối quan trọng của của các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu chuyên môn cũng như sự giúp đỡ của các ban ngành có trách nhiệm như ngành giáo dục đào tạo và các tổ chức chính quyền cao hơn.”[3]

“…nhiều nhóm, nhiều người đã cố gắng sáng tạo ra các thuật ngữ để dịch các khái niệm thống kê từ tiếng nước ngoài, đặc biệt là từ tiếng Anh.  Điều này làm tình trạng thuật ngữ không thống nhất, kém hệ thống, thiếu chọn lọc... là không thể tránh khỏi.  Tình trạng này xảy ra giữa các nhóm tác giả và ngay cả chính ở mỗi tác giả.  Thật ra, đây cũng là tình trạng chung của thuật ngữ khoa học, kĩ thuật nói chung ở nước ta, đặc biệt là ở các ngành mới hay mới được quan tâm chẳng hạn như tin học mà báo chí trong nước cũng đã đề cập nhiều.”[4]

Như vậy vấn đề quan trọng ở đây chính là việc thống nhất phương pháp xây dựng và cách sử dụng các thuật ngữ. Trong đó cần xác định vai trò của: các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, và cơ quan nhà nước.
-------------------
Tham khảo

[1] http://daitudien.net/ngon-ngu-hoc/ngon-ngu-hoc-ve-tu-dien.html
[2] Sử dụng thuật ngữ CNTT trong tiếng Việt: tây, ta lộn xộn!, http://laodong.com.vn/
[3] http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Dự_án_Thuật_ngữ_Tin_Học
[4] Phan Văn Song, Mấy ý kiến về việc thống nhất thuật ngữ Thống kê, http://statistics.vn
  ----------------
2014/5/23