Python là một ngôn ngữ lập trình bậc cao, nghĩa là nó rất gần với ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Nó được tạo ra bởi Guido van Rossum và ra mắt lần đầu tiên vào năm 1991.
Python nổi tiếng với cú pháp đơn giản, dễ đọc và dễ học, rất phù hợp cho những người mới bắt đầu lập trình.
Python được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển web, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo đến lập trình game. Với Python, các bạn có thể tạo ra những chương trình đơn giản như tính toán, vẽ hình, hoặc thậm chí là những ứng dụng phức tạp hơn như phân tích dữ liệu, xây dựng website.
2.2 Các bước để lập trình với Python
Ở bài trước, các bạn đã biết được cần 7 bước để tạo ra một chương trình nói chung.
Cụ thể với Python, bạn cần thực hiện 5 bước sau:
Cụ thể các
bước
[1] Phân tích bài toán và Thiết kế thuật toán
- Xác định bài toán (ví dụ: tính tổng 2 số) và nghĩ ra các bước giải đơn giản (thuật toán), như "nhập số, cộng lại".
[2] Lập trình
- Viết mã Python, ví dụ: a = 5; b = 3; print(a + b), để máy tính hiểu và làm theo.
[3] Thông dịch và Thực thi
- Python đọc từng dòng mã và chạy ngay, như khi bạn gõ python baiTap.py.
[4] Kiểm thử và Gỡ lỗi
- Chạy thử chương trình, nếu kết quả sai (ví dụ: in 53 thay vì 8), tìm lỗi và sửa, như kiểm tra dấu +.
[5] Hiển thị kết quả
- Chương trình in kết quả ra màn hình, như số 8 trong ví dụ, để bạn thấy thành quả.
2.3 Để lập trình bằng Python cần công cụ gì
Để tạo ra một chương trình bằng ngôn ngữ Python, chúng ta cần các công cụ sau:
- Giấy, bút, hoặc phần mềm soạn thảo văn bản để Phân tích và thiết kế thuật toán
- Phần mềm để lập trình (viết mã nguồn) (Notepad, hoặc VS Code)
- Chương trình để thông dịch, thực thi, kiểm thử, gỡ lỗi và hiển thị kết quả (phần mềm Python)
Chuẩn bị phần mềm để
viết mã
Chúng ta sẽ sử dụng
chương trình Notepad để viết mã nguồn. Chương trình Notepad luôn có sẵn trong
máy đang chạy hệ điều hành Windows, nên bạn không cần phải cài đặt.
Chuẩn bị phần mềm để
thông dịch mã nguồn, thực thi và hiển thị kết quả
Chúng ta sẽ sử dụng
phần mềm Python để thông dịch mã nguồn, thực thi và hiển thị kết quả.
Bạn đừng nhầm phần
mềm Python với ngôn ngữ Python. Phần mềm Python là để thông dịch và thực thi mã
nguồn, trong khi ngôn ngữ Python là các quy tắc để viết mã, để giao tiếp với
máy tính (bạn đang học ngôn ngữ Python)
Để kiểm tra xem máy tính của bạn đã cài đặt phần mềm Python hay chưa:
- Giữ phím Window (phím cửa sổ trên bàn phím) + bấm chữ R > để mở cửa sổ Run.
- Trong cửa sổ Run > gõ chữ cmd > bấm phím Enter
- Trong cửa sổ CMD, gõ lệnh python --version hoặc py --version (vì các phiên bản Python khác nhau sẽ dùng lệnh khác nhau, hoặc python hoặc py; bạn nên thử cả 2). Nếu có xuất hiện thông tin về phiên bản của Python (ví dụ: Python 3.13.2), nghĩa là máy tính của bạn đã có phần mềm Python.
C:\Users\Teo>py --version
Python 3.13.2
Cài đặt phần mềm Python:
- Nếu trên máy bạn chưa có phần mềm Python thì vào trang web sau để tải về máy: https://www.python.org/downloads/
- Sau khi tải về máy, bấm đúp chuột vào tập tin vừa tải về để cài đặt. Thực hiện cài đặt như một chương trình thông thường
- Sau khi cài đặt xong, sử dụng lệnh python --version hoặc py --version để kiểm tra xem việc cài đặt Python đã thành công hay chưa. Nếu có hiển thị phiên bản là đã cài đặt thành công.
2.4 Viết chương trình Python đầu tiên
Mở chương trình để viết mã nguồn
Chúng ta sử dụng chương trình Notepad:
- Giữ phím Window (phím cửa sổ trên bàn phím) + bấm chữ R > để mở cửa sổ Run.
- Trong cửa sổ Run > gõ chữ notepad > bấm phím Enter
Xem hình giao diện của Notepad.
Những bài thực
hành đơn giản đầu tiên, bạn nên thực hành trên Notepad để nhanh nhớ mã nguồn,
từ khóa, và hiểu về cú pháp lập trình của Python.
Viết mã nguồn cho chương trình
- Trong Notepad, nhập vào đoạn mã Python sau:
print(“hi ban Teo!”)
- Lưu tập tin mã nguồn: trong Notepad, vào menu File > chọn Save > trong cửa sổ Save as > dẫn vào thư mục pythonLabs (tạo thư mục pythonLabs nếu bạn chưa tạo) > nhập tên cho tập tin trong mục File name là hiTeo.py > bấm Save.
Vậy là bạn đã tạo
ra được tập tin mã nguồn cho chương trình (hiTeo.py). Tập tin mã nguồn đang được lưu ở E:\pythonLabs.
Thông dịch và thực thi chương trình
- Giữ phím Window (phím cửa sổ trên bàn phím) + bấm chữ R > để mở cửa sổ Run.
- Trong cửa sổ Run > gõ chữ cmd > bấm phím Enter để mở chương trình dòng lệnh (CMD)
[Một số lệnh hay dùng trong chương trình CMD:
- E: : để chuyển dấu nhắc lệnh tới ổ đĩa E, nếu muốn chuyển sang ổ đĩa D:\ thì gõ d:
- cd <tên_thư_mục>: để chuyển tới thư mục tên_thư_mục. Ví dụ: cd pythonLabs để chuyển tới thư mục pythonLabs
- cd .. : để di chuyển lên thư mục cha
- dir: để xem nội dung của thư mục hiện tại
- exit: để đóng chương trình CMD]
- Trong cửa sổ CMD, di chuyển tới thư mục có chứa tập tin hiTeo.py
- Gõ lệnh py hiTeo.py > bấm phím Enter (có ý là dùng lệnh
py để thông dịch, chạy chương trình hiTeo.py và xuất ra kết quả).
- Nếu chương trình
chạy đúng, nó sẽ xuất ra dòng chữ hi ban Teo
Xem hình minh họa.
Chúc mừng bạn đã viết được chương trình đầu tiên trong Python.
2.5 Bài tập
Câu hỏi 2.1 Các bước cơ bản để lập trình bằng Python là gì? Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Phân tích bài toán và thiết kế thuật toán là bước đầu tiên, giúp xác định cách giải quyết vấn đề.
B. Lập trình là bước viết mã Python để máy tính hiểu và thực hiện.
C. Thông dịch và thực thi là quá trình chuyển đổi mã Python thành tiếng Anh.
D. Kiểm thử và gỡ lỗi là bước kiểm tra và sửa lỗi để đảm bảo chương trình hoạt động đúng. Cuối cùng là hiển thị kết quả.
Câu hỏi 2.2 Những công cụ nào cần thiết để tạo ra một chương trình bằng Python? Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Giấy, bút, hoặc phần mềm soạn thảo văn bản để phân tích và thiết kế thuật toán.
B. Phần mềm để lập trình (viết mã nguồn) như Notepad hoặc VS Code.
C. Chương trình Python để thông dịch, thực thi, kiểm thử, gỡ lỗi và hiển thị kết quả.
D. Trình duyệt web để xem kết quả.
Bài tập 2.3: Thông tin cá nhân
[Tạo một thư mục để lưu trữ tất cả các bài thực hành (bỏ qua bước này nếu
bạn đã tạo), ví dụ: pythonLabs]
Nhiệm vụ: Viết một chương trình Python sử dụng hàm print() để hiển thị Họ tên, tuổi và lớp của bạn trên ba dòng riêng biệt.
Ví dụ kết quả:
Nguyen Van An
11
6A1
Yêu cầu:
- Sử dụng ba câu lệnh print() riêng biệt.
- Thay thế thông tin ví dụ bằng thông tin của bạn.
Bài tập 2.4: Định dạng kết quả
Nhiệm vụ: Viết một chương trình Python sử dụng một câu lệnh print() duy nhất để hiển thị họ và tên đầy đủ, tuổi và lớp của bạn trên một dòng duy nhất, được phân tách bằng dấu phẩy và dấu cách.
Ví dụ kết quả:
Nguyen Van An, 11, 6A1
Yêu cầu:
- Chỉ sử dụng một câu lệnh print().
- Sử dụng dấu phẩy bên trong hàm print() để tạo ra kết quả mong muốn.
- Thay thế thông tin ví dụ bằng thông tin của bạn.
Hãy nhớ lưu các chương trình của bạn dưới dạng tập tin .py (ví dụ: baiTap2_3.py và baiTap2_4.py). Chúc các bạn tự tin, chăm chỉ làm bài.
-----
Cập nhật: 14/3/2025
-----
Bài sau: Python thực hành (3) - Cú pháp của Python
-----
Bài tiếp (theo lộ trình học tiếng Anh + Lập trình): Python căn bản (1): Introduction
-----