Computer - nên dịch là máy tính hay máy điện toán - tại sao?

Computer - nên dịch là máy tính hay máy điện toán - tại sao?
Thử đi tìm câu trả lời xem có tìm được không? :D
2014/11/28
--------------------------


Học là gì?[1]


Học là hành động thu nhận cái mới; thay đổi hoặc phát triển cái đã có, như: tri thức, kĩ năng, giá trị, hoạt động, sở thích; tiếp thu các loại thông tin.

[Learning is the act of acquiring new, or modifying and reinforcing, existing knowledge, behaviors, skills, values, or preferences and may involve synthesizing different types of information.]

 

Các đối tượng có thể học?

­ 
       Con người (humans)
­ 
       Động vật (animals)
­ 
       Máy móc (machines)

[The ability to learn is possessed by humans, animals and some machines. Progress over time tends to follow learning curves. Learning is not compulsory; it is contextual.]

 

Đặc điểm của quá trình học (quá trình nhận thức)


Quá trình nhận thức không diễn ra chỉ trong một lần, mà nó là một quá trình. Đối tượng học sẽ tiếp thu cái mới dựa trên nền các cái đã biết.

[It does not happen all at once, but builds upon and is shaped by what we already know. To that end, learning may be viewed as a process, rather than a collection of factual and procedural knowledge. Learning produces changes in the organism and the changes produced are relatively permanent.]

 

Định nghĩa máy học[2]


Máy học, hay học máy (machine learning) là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống "học" tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể. Ví dụ như các máy có thể "học" cách phân loại thư điện tử xem có phải thư rác (spam) hay không và tự động xếp thư vào thư mục tương ứng. Học máy rất gần với suy diễn thống kê (statistical inference) tuy có khác nhau về thuật ngữ.

Học máy có liên quan lớn đến thống kê, vì cả hai lĩnh vực đều nghiên cứu việc phân tích dữ liệu, nhưng khác với thống kê, học máy tập trung vào sự phức tạp của các giải thuật trong việc thực thi tính toán. Nhiều bài toán suy luận được xếp vào loại bài toán NP-khó, vì thế một phần của học máy là nghiên cứu sự phát triển các giải thuật suy luận xấp xỉ mà có thể xử lý được.

Học máy hiện nay được áp dụng rộng rãi, bao gồm máy truy tìm dữ liệu, chẩn đoán y khoa, phát hiện thẻ tín dụng giả, phân tích thị trường chứng khoán, phân loại các chuỗi DNA, nhận dạng tiếng nói và chữ viết, dịch tự động, chơi trò chơi và cử động rô-bốt (robot locomotion).

Dưới góc nhìn của trí tuệ nhân tạo, động lực chính của học máy là nhu cầu thu nhận tri thức (knowledge acquisition). Thật vậy, trong nhiều trường hợp ta cần kiến thức chuyên gia nhưng thực tế lại khan hiếm (không đủ chuyên gia ngồi phân loại thẻ tín dụng lừa đảo của tất cả giao dịch hàng ngày) hoặc chậm vì một số nhiệm vụ cần đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên xử lý dữ liệu khổng lồ (trong mua bán chứng khoán, phải quyết định trong vài khoảng khắc của giây chẳng hạn) và thiếu ổn định thì buộc phải cần đến máy tính. Ngoài ra, đại đa số dữ liệu sinh ra ngày nay chỉ phù hợp cho máy đọc (computer readable) tiềm tàng nguồn kiến thức quan trọng. Máy học nghiên cứu cách thức để mô hình hóa bài toán cho phép máy tính tự động hiểu, xử lý và học từ dữ liệu để thực thi nhiệm vụ được giao cũng như cách đánh giá giúp tăng tính hiệu quả.

Tom Mitchell, giáo sư nổi tiếng của Đại học Carnegie Mellon University - CMU định nghĩa cụ thể và chuẩn mực hơn như sau: "Một chương trình máy tính CT được xem là học cách thực thi một lớp nhiệm vụ NV thông qua trải nghiệm KN, đối với thang đo năng lực NL nếu như dùng NL ta đo thấy năng lực thực thi của chương trình có tiến bộ sau khi trải qua KN" (máy đã học).

 

Biểu diễn trong máy học


Biểu diễn (tiếng Anh: representation) là một trong những vấn đề quan trọng của học máy. Biểu diễn ở đây có thể hiểu làm sao ghi mã (encode) những thông tin của thế giới thật giúp hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả và đầy đủ nhất có thể. Thông tin ở đây bao hàm cả thông tin về dữ liệu đầu vào, đầu ra hay các trạng thái của hệ thống; cũng như cách đánh giá hiệu quả của chương trình.

Thông thường, trong học máy người ta hay xây dựng các mô hình sử dụng những biến ngẫu nhiên cho việc biểu diễn dữ liệu và nội trạng thái của hệ thống. Ví dụ: dùng biến ngẫu nhiên để biểu thị cho tính chất của email là spam (tương ứng giá trị 0) hay là bình thường (tương ứng 1). Mối tương quan giữa các biến ngẫu nhiên này có thể sử dụng ví dụ như mô hình xác suất dạng đồ thị để miêu tả. Mặt khác, để đo hiệu quả có thể dùng các hàm thiệt hại (hay hàm tiện ích, trong tiếng Anh là loss functionutility function tương ứng).

 

Tính phổ quát


Một trong những trọng tâm khác của học máy là đạt được tính phổ quát (tiếng Anh: generalization), nói cách khác là tính chất của chương trình có thể làm việc tốt với dữ liệu mà nó chưa gặp bao giờ (tiếng Anh: unseen data). Một chương trình chỉ hiệu quả với dữ liệu đã gặp, nhìn chung không có nhiều tính hữu dụng.

Lấy ví dụ về xếp thư điện tử tự động như trên, một hệ thống tự động, sau khi trải qua quá trình học từ dữ liệu ("training") có thể suy diễn một số nguyên tắc riêng (chẳng hạn như xem xét nội dung: nếu thư được viết bằng tiếng Anh mà chứa một số từ như "porn", "sell", "good product" hoặc người gửi đến từ Somalia trong khi người nhận ở Hà Nội không thân quen nhau) để quyết định xem có phải là thư rác hay không. Tuy nhiên, nếu như trong dữ liệu huấn luyện (training data) có ngôn ngữ khác trong thực tế (tiếng Việt thay vì tiếng Anh) hoặc thậm chí không phải dạng thuần văn bản (dạng ảnh khiến cho bóc tách nội dung khó hơn hoặc không thể) thì rất có thể máy sẽ dự báo không chính xác nữa.

Một số chương trình có thể tự động cập nhật trong thời gian thực (ví dụ như người sử dụng có chỉ ra rằng thư bị sắp xếp sai danh mục).

 

Tương tác với con người


Một số hệ thống học máy nỗ lực loại bỏ nhu cầu trực giác của con người trong việc phân tích dữ liệu, trong khi các hệ thống khác hướng đến việc tăng sự cộng tác giữa người và máy. Không thể loại bỏ hoàn toàn tác động của con người vì các nhà thiết kế hệ thống phải chỉ định cách biểu diễn của dữ liệu và những cơ chế nào sẽ được dùng để tìm kiếm các đặc tính của dữ liệu. Học máy có thể được xem là một nỗ lực để tự động hóa một số phần của phương pháp khoa học. Một số nhà nghiên cứu học máy tạo ra các phương pháp bên trong các khuôn khổ của thống kê Bayes.

 

Tương quan với Khai phá dữ liệu


Khai phá dữ liệu và học máy là hai khái niệm hay bị nhầm lẫn. Hai lĩnh vực này nhìn chung gần với nhau và đôi khi dùng chung nhiều phương pháp, công cụ nhưng khác biệt chính là ở mục tiêu:
­ 
       Khai phá dữ liệu: thường mục tiêu là tìm kiếm những thông tin, tri thức hoàn toàn mới tiềm năng có ích trong nguồn dữ liệu.
­ 
       Học máy: dự đoán một số thông tin của dữ liệu dựa trên những đặc tính đã biết.

 

Các loại giải thuật


Các thuật toán học máy được phân loại theo kết quả mong muốn của thuật toán. Các loại thuật toán thường dùng bao gồm:
­ 
       Học có giám sát: trong đó, thuật toán tạo ra một hàm ánh xạ dữ liệu vào tới kết quả mong muốn. Một phát biểu chuẩn về một việc học có giám sát là bài toán phân loại: chương trình cần học (cách xấp xỉ biểu hiện của) một hàm ánh xạ một vector tới một vài lớp bằng cách xem xét một số mẫu dữ liệu - kết quả của hàm đó.
­ 
       Học không giám sát: mô hình hóa một tập dữ liệu, không có sẵn các ví dụ đã được gắn nhãn.
­ 
       Học nửa giám sát: kết hợp các ví dụ có gắn nhãn và không gắn nhãn để sinh một hàm hoặc một bộ phân loại thích hợp.
­ 
       Học tăng cường: trong đó, thuật toán học một chính sách hành động tùy theo các quan sát về thế giới. Mỗi hành động đều có tác động tới môi trường, và môi trường cung cấp thông tin phản hồi để hướng dẫn cho thuật toán của quá trình học.
­ 
       Chuyển đổi: tương tự học có giám sát nhưng không xây dựng hàm một cách rõ ràng. Thay vì thế, cố gắng đoán kết quả mới dựa vào các dữ liệu huấn luyện, kết quả huấn luyện, và dữ liệu thử nghiệm có sẵn trong quá trình huấn luyện.
­ 
       Học cách học: trong đó thuật toán học thiên kiến quy nạp của chính mình, dựa theo các kinh nghiệm đã gặp.

Phân tích hiệu quả các thuật toán học máy là một nhánh của ngành thống kê, được biết với tên lý thuyết học điện toán.

 

Các chủ đề về học máy


Danh sách các chủ đề về học máy:
­ 
       Mô hình hóa các hàm mật độ xác suất điều kiện: hồi quy và phân loại

o       Mạng nơ-ron

o       Cây quyết định

o       Lập trình biểu thức gen

o       Lập trình di truyền

o       Hồi quy quá trình Gauss

o       Phân tích biệt thức tuyến tính

o       k láng giềng gần nhất

o       Độ dài thông điệp tối thiểu

o       Cảm tri nguyên

o       Hàm cơ sở xuyên tâm

o       Máy vector hỗ trợ (Support Vector Machine)
­ 
       Mô hình hóa các hàm mật độ xác suất qua các mô hình phát sinh:

o       Thuật toán cực đại kì vọng

o       Các mô hình đồ họa gồm mạng Bayes và mạng Markov

o       Ánh xạ topo phát sinh
­ 
       Các kỹ thuật suy luận xấp xỉ đúng:

o       Chuỗi Markov phương pháp Monte Carlo

o       Phương pháp biến thiên
­ 
       Tối ưu hóa: hầu hết các phương pháp trên đều sử dụng tối ưu hóa hoặc là các thể hiện của các thuật toán tối ưu hóa.

 

Học khái niệm[3]


Học khái niệm (concept learning) là một bài toán học quy nạp tiêu biểu: cho trước một số ví dụ của khái niệm, chúng ta phải suy ra một định nghĩa cho phép người dùng nhận biết một cách đúng đắn những thể hiện của khái niệm đó trong tương lai.

Ví dụ: thế nào là một thư rác? Định nghĩa? -> đó là khái niệm.

 

Tại sao các hệ chuyên gia vẫn còn nhiều hạn chế?


Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do quá trình tích lũy tri thức phức tạp, chi phí phát triển các hệ chuyên gia rất cao, nhưng chúng không có khả năng học, khả năng tự thích nghi khi môi trường thay đổi. Các chiến lược giải quyết vấn đề của chúng cứng nhắc và khi có nhu cầu thay đổi, thì việc sửa đổi một lượng lớn mã chương trình là rất khó khăn.

 

Quy nạp là gì?[4]


Quy nạp là kết luận đi từ trường hợp riêng đi tới trường hợp tổng quát. Nghĩa là, kết luận tổng quát dựa trên việc nghiên cứu các tính chất của nhiều sự kiện, nhiều thí nghiệm hay nhiều quan sát riêng lẻ. Nếu kết luận chung dựa vào nghiên cứu tất cả các sự kiện riêng (các đối tượng, các hình, các số, vv…) thì quy nạp được gọi là đầy đủ hay hoàn chỉnh. Nếu kết luận chung dựa vào nghiên cứu một phần của tâp hợp tất cả các sự kiện (các đối tượng) thì quy nạp được gọi là không đầy đủ hay không hoàn chỉnh.


[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Learning
[2] vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Dc_m%C3%A1y
[3] http://voer.edu.vn/m/gioi-thieu/203bcc4e
[4] https://voer.edu.vn/m/chung-minh-bang-quy-nap/a9301519

Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (28)

(Tiếp theo của "Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (27)")



3.1.           Tạo và cấu hình mạng ảo



Thiết lập hệ thống mạng là một phần quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng cho các máy ảo. Tùy theo yêu cầu sử dụng, các máy ảo trong Hyper-V Windows Server 2012 R2 có thể phải giao tiếp với các máy ảo khác, với các máy thật trong mạng và với Internet.

Để kết nối một máy thật vào hệ thống mạng, bạn cần gắn cạc mạng cho mỗi máy, sau đó kết nối máy tính đó tới switch. Đối với môi trường máy ảo, bạn cũng thực hiện tương tự. Nghĩa là bạn cũng cần gắn cạc mạng cho máy ảo, kết nối máy ảo đó tới switch. Tuy nhiên, trong môi trường máy ảo, cạc mạng và switch đều là các thiết bị ảo. Tùy theo nhu cầu sử dụng, mạng ảo có thể bao gồm các thành phần, thiết bị của hệ thống mạng thật hoặc không.

Trong Hyper-V, bạn có thể tạo ra nhiều switch ảo, bạn có thể gắn nhiều cạc mạng ảo trên một máy ảo.

 

Tạo switch ảo


Switch ảo cũng tương tự như switch thật, nó là thiết bị hoạt động tại tầng 2 của mô hình OSI. Switch gồm nhiều cổng, mỗi cổng được kết nối tới một cạc mạng. Khi máy tính nối tới switch, nó sẽ có khả năng trao đổi dữ liệu với tất cả các máy tính cùng nối với switch đó.

Khác với switch thật, switch ảo không bị giới hạn về số lượng cổng trên mỗi thiết bị. Vì vậy, bạn không phải bận tâm về việc đấu nối các switch với nhau.

Switch ảo mặc định

Khi thực hiện cài role Hyper-V bằng tiện ích Add Roles and Features Wizard của Windows Server 2012 R2, hệ thống sẽ cho phép tạo các switch ảo. Tại trang Create Virtual Switches, ứng với mỗi cạc mạng của máy thật, bạn có thể tạo một switch ảo tương ứng. Khi đó, máy ảo sẽ có khả năng giao tiếp với hệ thống mạng mà cạc mạng thật tương ứng đang kết nối.

Khi bạn tạo switch ảo, thông tin cấu hình mạng của hệ điều hành trong parent partition sẽ bị thay đổi. Switch ảo sẽ xuất hiện trong cửa sổ Network Connections, khi xem nội dung của Propersties, sẽ thấy switch ảo có xuất hiện trong TCP/IP client của hệ điều hành. Xem hình minh họa.



Ngoài ra, Hyper-V cũng làm thay đổi trạng thái của cạc mạng tương ứng trong máy thật. Cạc mạng của máy thật chỉ có kết nối tới switch ảo. Xem hình minh họa.



Kết quả là, cấu hình mạng của máy thật sẽ bị thay đổi bởi hệ thống mạng ảo được tạo ra bởi Hyper-V. Cụ thể, cạc mạng thật không kết nối trực tiếp với switch thật bên ngoài nữa, mà kết nối tới switch ảo; switch ảo sẽ kết nối tới switch thật bên ngoài. Mạng ảo bên trong và mạng thật bên ngoài sẽ thuộc cùng một LAN, giống như việc kết nối hai switch thật với nhau.

Sau khi tạo switch ảo bằng Hyper-V và kết quả là làm thay đổi cấu hình mạng của máy server, khi đó, việc gắn máy ảo vào switch ảo chính là động tác kết nối máy ảo tới hệ thống mạng ảo. Tình huống này cũng giống với việc kết nối một máy thật vào switch thật.

Nói theo ngôn ngữ của Hyper-V, switch ảo đang được trình bày ở đây, là switch loại external (nối ngoài). Gọi là external là vì switch này đã giúp các máy tính trong Hyper-V kết nối được với các thiết bị bên ngoài. Giải pháp này được lựa chọn nhiều trong môi trường thực tế, vì nó cho phép các máy ảo trong môi trường Hyper-V có thể cung cấp cũng như sử dụng các dịch vụ của toàn bộ hệ thống mạng.

Ví dụ, các máy ảo kết nối tới switch ảo có thể lấy được địa chỉ IP từ DHCP server. Ngược lại, bạn cũng có thể cấu hình một máy ảo đóng vai trò là DHCP server để cấp địa chỉ IP cho các máy tính trong mạng, không phân biệt máy thật hay máy ảo.

Ngoài ra, máy ảo cũng có khả năng kết nối tới Internet, nhờ việc sử dụng router và DNS server của hệ thống mạng thật. Khi đó, máy ảo có thể tải các bản cập nhật của hệ điều hành từ Internet, giống như các thật thông thường.

Tuy nhiên, loại switch ảo này cũng có một điều bất tiện. Ví dụ, nếu bạn dự định tạo một hệ thống mạng chỉ để thử nghiệm, để cho mọi người thực tập, lúc đó, bạn không muốn có sự kết nối giữa các máy ảo vào hệ thống mạng thật. Để ngăn chặn việc kết nối vào hệ thống mạng thật, bạn sẽ tạo một loại switch ảo khác bằng Virtual Switch Manager trong Hyper-V Manager.

Tạo switch ảo mới

Hyper-V trong Windows Server 2012 R2 hỗ trợ ba loại switch, bạn cần phải tạo các switch này trong Virtual Switch Manager trước, sau đó, mới có thể kết nối các máy ảo.

Các bước để tạo một switch ảo mới:

  1. Mở Server Manager, chọn mục Tools tại trình đơn, chọn mục Hyper-V Manager để mở cửa sổ Hyper-V Manager.
  2. Ở khung bên trái, lựa chọn Hyper-V server mà bạn quan tâm.
  3. Từ khung Actions, chọn Virtual Switch Manager để mở cửa sổ Virtual Switch Manager cho Hyper-V server đã chọn. Xem hình minh họa.



  1. Trong phần Create Virtual Switch, lựa chọn một trong ba loại switch sau:
- ­External: switch ảo sẽ được nối tới chồng giao thức mạng của hệ điều hành máy chủ, đồng thời switch ảo cũng được kết nối tới cạc mạng của máy chủ Hyper-V. Các máy ảo kết nối tới switch ảo sẽ có khả năng kết nối tới tất cả các mạng, giống như cạc mạng thật đã từng kết nối.

- Internal: switch ảo sẽ được nối tới một chồng giao thức mạng riêng. Switch ảo sẽ độc lập với cạc mạng thật và hệ thống mạng thật. Các máy tính đang chạy trên partition cha (parent partition) và partition con (child partititon) đều có thể truy cập tới mạng ảo thông qua switch ảo. Các hệ điều hành chạy trên partition cha có thể truy cập hệ thống mạng thật thông qua cạc mạng thật, nhưng các hệ điều hành đang chạy trên các partition con thì không thể làm được điều này.

- Private: switch ảo này chỉ được biết đến trong phạm vi của Hyper-V server, chỉ có các máy ảo đang chạy trên các partititon con mới được phép kết nối tới switch ảo này. Hệ điều hành chạy trên partition cha có thể truy cập mạng thật thông qua cạc mạng thật, nhưng nó không thể truy cập hệ thống mạng ảo thông qua switch ảo.

  1. Bấm Create Virtual Switch để mở trang Virtual Switch Properties.
  2. Cấu hình một số tùy chọn sau:
- Allow Management Operation System To Share This Network Adapter: cái này được lựa chọn mặc định khi bạn tạo switch kiểu external. Nếu không chọn cái này, hệ điều hành trên máy chủ chỉ truy cập được các máy ảo mà không thể truy cập tới hệ thống mạng thật.

- Enable Single Root I/O Virtualization (SR-IOV): cho phép bạn tạo một switch ảo kiểu external. Switch ảo này sẽ được nối với một cạc mạng thật có hỗ trợ SR-IOV. Tùy chọn này chỉ tồn tại khi tạo một switch mới; bạn không thể thiết lập tùy chọn này đối với một switch ảo đã tồn tại.

- Enable Virtual LAN Identification For Management Operating System: nếu máy Hyper-V server đang được kết nối tới VLAN (virtual LAN), bạn có thể chọn mục này và nhập tên của VLAN cho switch ảo.

  1. Bấm OK. Switch ảo sẽ xuất hiện trong khung bên trái.
Bạn có thể tạo ra nhiều switch ảo kiểu private hoặc internal. Tuy nhiên, với mỗi cạc mạng thật, bạn chỉ tạo được một switch ảo kiểu external.

 

Cấu hình địa chỉ MAC


Mỗi cạc mạng có một địa chỉ vật lý, hay địa chỉ phần cứng, hay địa chỉ MAC (Media Access Control). Địa chỉ MAC là định danh duy nhất của thiết bị trong hệ thống mạng. Trong một cạc mạng, MAC được nhà sản xuất gán cố định trong phần sụn (firmware) của cạc mạng. MAC có kích thước 6 byte, chứa các số hệ 16 (hexadecimal), ba byte đầu tiên là định danh của nhà sản xuất, ba byte sau là định danh của chính cạc mạng.

Địa chỉ MAC là thành phần buộc phải có trong quá trình máy ảo giao tiếp với các thiết bị khác trong LAN. Vì vậy, các cạc mạng ảo trong Hyper-V server cũng phải có địa chỉ MAC. Server luôn có ít nhất một địa chỉ MAC, đó là địa chỉ của cạc mạng thật. Tuy nhiên, Hyper-V không thể sử dụng một địa chỉ MAC này cho tất cả các máy ảo.

Giải pháp là, Hyper-V sẽ tạo ra một dải địa chỉ MAC, và khi tạo ra một cạc mạng ảo mới, nó sẽ lấy một địa chỉ trong dải này để gán. Để xem hoặc thay đổi dải địa chỉ MAC trong Hyper-V server, bạn mở Virtual Switch Manager, trong mục Global Network Settings, chọn MAC Address Range. Xem hình minh họa.



Ba byte đầu tiên của dải MAC luôn là 00-15-5D, đây chính là định danh đã được đăng kí của Microsoft. Byte thứ tư và thứ năm là giá trị hai byte cuối của địa chỉ IP trên cạc mạng thật. Byte thứ sáu của MAC là giá trị lấy trong khoảng 00 tới FF, tổng cộng có 256 địa chỉ.

Hyper-V server sẽ gán MAC cho cạc mạng ảo khi nó được tạo ra, cạc mạng ảo sẽ giữ luôn MAC này cho tới khi nào cạc mạng ảo bị xóa. Khi đó, server sẽ thu hồi địa chỉ MAC để sử dụng lại.

Dải MAC mặc định là 256 địa chỉ, tuy nhiên, bạn có thể thay đổi dải địa chỉ này bằng cách thay đổi giá trị Minimum và Maximum để tăng thêm số địa chỉ trong dải. Để tránh việc trùng địa chỉ, bạn nên thay đổi giá trị trong hai byte cuối.

Ví dụ dải MAC ban đầu gồm 256 địa chỉ, với giá trị cụ thể là:
00-15-1D-02-12-00 tới 00-15-1D-02-12-FF

Bạn chỉ cần thay đổi một số ở byte kế cuối là đã tăng số lượng địa chỉ trong dải từ 256 lên 4096. Ví dụ:
00-15-1D-02-10-00 tới 00-15-1D-02-1F-FF

------------------------ 
Tham khảo (Lược dịch):
Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
--------------------------- 
Cập nhật 2014/11/26
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (29)
 

Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (27)

(Tiếp theo của "Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (26)")



Kết nối tới SAN (Storage Area Network)




Nói một cách đơn giản, SAN là hệ thống mạng lưu trữ chuyên dụng, với đường truyền tốc độ cao giữa server và thiết bị lưu trữ. Trong hệ thống SAN, thay vì gắn trực tiếp các ổ đĩa vào server, hoặc kết nối thông qua các cổng SCSI gắn ngoài, một hoặc nhiều đĩa cứng sẽ được gắn trên các khay đĩa (drive array). Trên khay đĩa, sẽ có các cổng để kết nối tới server, có thể kết nối bằng cáp xoắn đôi hoặc cáp quang.


Để kết nối tới hệ thống SAN, một server phải có ít nhất hai cạc mạng, một để kết nối tới LAN và một để kết nối tới hệ thống SAN. Xem hình minh họa.



Hệ thống SAN có khá nhiều ưu điểm. Trong hệ thống SAN, các thiết bị lưu trữ được gắn trực tiếp vào hệ thống mạng nên không bị hạn chế về mặt số lượng so với khi gắn trực tiếp vào máy tính. Các thiết bị trong SAN có thể giao tiếp với nhau rất linh hoạt với đường truyền tốc độ cao. Cụ thể gồm:

- Server với thiết bị lưu trữ (storage): server có thể truy cập các thiết bị lưu trữ trong hệ thống SAN giống như khi truy cập các thiết bị được gắn trực tiếp trên nó.

- Server với server: các server có thể sử dụng hạ tầng của hệ thống SAN để truyền dữ liệu với tốc độ cao, giúp giảm thiểu tình trạng quá tải đường truyền của LAN.

- Giữa các thiết bị lưu trữ: các thiết bị lưu trữ có thể làm việc trực tiếp với nhau mà không cần sự can thiệp của server. Ví dụ, để thực hiện việc lưu dự phòng, một thiết bị lưu trữ có thể thực hiện việc chép dữ liệu tới ổ đĩa dự phòng trên các khay đĩa khác.

Mặc dù SAN không có sẵn giải pháp “dự phòng” (high-availability). Tuy nhiên, bạn có thể tự xây dựng hệ thống này, bằng cách kết nối nhiều server tới cùng một hệ thống SAN (redundant server), khi đó các server đều có khả năng truy cập tới thiết bị lưu trữ. Nếu một server nào đó bị hư, các server còn lại vẫn có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu truy cập dữ liệu của cả hệ thống. Giải pháp này gọi là server clustering. Xem hình minh họa.



SAN được triển khai theo mô hình của một hệ thống mạng thông thường nên rất dễ dàng trong việc mở rộng hệ thống. Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh khoảng cách giữa các server và thiết bị lưu trữ. Bạn có thể triển khai hệ thống SAN trong phạm vi một phòng, một tòa nhà, thậm chí giữa các tòa nhà với nhau, giống như khi bạn triển khai một hệ thống mạng thông thường.

Việc giao tiếp giữa các server và thiết bị lưu trữ không thể thực hiện trên tập lệnh SCSI như khi kết nối trực tiếp bằng cáp SCSI. Vì vậy, việc giao tiếp giữa server và thiết bị lưu trữ sẽ được thực hiện trên một giao thức khác là Fibre Channel.

 

Sử dụng Fibre Channel


Fibre Channel là một giải pháp truyền dữ liệu linh hoạt trong hệ thống SAN, nó hỗ trợ nhiều môi trường truyền, tốc độ truyền dữ liệu cao, hỗ trợ nhiều giao thức và đồ hình (topo) mạng.

Tuy nhiên, nhược điểm chính của nó là yêu cầu phải sử dụng phần cứng chuyên dụng, với giá thành cao.

Để xây dựng một hệ thống SAN chuẩn, cần phải xây dựng từ đầu, với đường truyền, switch, cạc mạng mới. Bên cạnh giá thành phần cứng khá cao, có thể cao gấp 10 lần so với mạng Ethernet thông thường, việc triển khai và bảo trì cũng tốn nhiều chi phí.

Fibre Channel là một công nghệ khá đặc thù, vì vậy, có khá ít chuyên gia trong lĩnh vực này. Để cài đặt và bảo trì một hệ thống SAN Fibre Channel, cơ quan cần phải thuê các chuyên gia có kinh nghiệm hoặc phải tự đào tạo người của cơ quan.

Tuy nhiên, cũng có một giải pháp khác để triển khai Fibre Channel trên hạ tầng phần cứng Ethernet. Giải pháp này có tên là Fibre Channel over Ethernet (FCoE). Đây là giải pháp có giá thành rẻ hơn so với hệ thống SAN Fibre Channel chuẩn.

 

Kết nối máy ảo tới SAN


Do hệ thống SAN được xây dựng trên công nghệ đặc thù nên các server ảo hóa trước đây rất khó trong việc kết nối và sử dụng hệ thống. Tuy nhiên, từ Windows Server 2012, Hyper-V đã cho phép bạn tạo ra các cạc Fibre Channel ảo có thể làm việc được với công nghệ Fibre Channel.

Cạc Fibre Channel trên Hyper-V được sử dụng để kết nối tới hệ thống SAN. Đây là cạc ảo sử dụng cạc Fibre Channel của máy thật (cạc ảo kiểu pass-through). Máy ảo sẽ sử dụng cạc Fibre Channel ảo để kết nối tới các thiết bị, truy cập tới dữ liệu trên SAN. Khi đó, bạn cũng có thể sử dụng máy ảo để xây dựng hệ thống server dự phòng (server cluster) cho hệ thống lưu trữ.

Để máy ảo có thể hoạt động trên hạ tầng Fibre Channel, thì Fibre Channel trên máy thật cũng phải có driver hỗ trợ Fibre Channel ảo. Hiện nay, Fibre Channel có hỗ trợ Fibre Channel ảo khá hiếm. Ngoài ra hệ thống SAN cũng phải hỗ trợ việc định vị các tài nguyên trên hệ thống dựa trên LUN (logical unit number).

Giả sử bạn đã có phần cứng thích hợp, đã thực hiện cài đặt phần mềm cần thiết trên máy server. Để triển khai một hạ tầng Fibre Channel trên Hyper-V, đầu tiên, mở Hyper-V Manager, vào Virtual SAN Manager để tạo một SAN ảo. Khi tạo SAN ảo, World Wide Node Names (WWNNs) và World Wide Port Names (WWPNs) của máy thật sẽ xuất hiện trong hệ thống. Xem hình minh họa.



Bước tiếp theo, trong phần Settings của máy ảo, chọn Add Hardware, mở trang Add Hardware để gắn cạc Fibre Channel cho máy ảo. Tại đây, SAN ảo đã tạo ở bước trước sẽ xuất hiện trên trang Fibre Channel Adapter. Hyper-V sẽ thực hiện ảo hóa SAN và cho phép máy ảo được phép sử dụng WWNNs và 
WWPNs. Xem hình minh họa.



Tóm tắt nội dung


- Hyper-V sử dụng kĩ thuật ảo hóa đĩa cứng để lấy các phần đĩa trống của máy thật tạo thành các ổ đĩa cứng ảo cho máy ảo. Các đĩa cứng ảo này hoạt động như các ổ đĩa thông thường.

- Đĩa cứng ảo kiểu dynamic (có kích thước thay đổi): là một đĩa cứng ảo, khi được tạo ra, hệ thống chỉ cấp cho nó một không gian rất nhỏ. Hệ thống sẽ tiếp tục cấp phát không gian lưu trữ cho nó khi có nhu cầu ghi dữ liệu, cho tới khi nào đạt kích thước tối đa.

- Đĩa đệm ảo (differencing): là một đĩa cứng ảo, nó được tạo ra để lưu lại các thay đổi xảy ra trên một đĩa gốc. Đĩa đệm là một giải pháp để khôi phục lại trạng thái trước đó của hệ thống.

- Trong Windows Server 2012 R2, đĩa ảo định dạng VHDX cho phép chứa tới 64 TB dữ liệu, nó cũng hộ trợ sector kích thước 4-KB, giúp tương thích với các thệ thống đĩa 4-KB.

- Đĩa ảo kiểu pass-through là loại đĩa ảo sử dụng (hay trỏ tới) trực tiếp đĩa cứng thật trên máy thật.

- Checkpoint trong Hyper-V là một tiện ích, nó giúp người dùng lưu lại trạng thái, dữ liệu, cấu hình của một máy ảo, tại một thời điểm.

- Quản lý QoS trong Hyper-V thực chất là việc quản lý định mức sử dụng đĩa cứng của các máy ảo. Nó được thực hiện bằng cách thiết lập chỉ số IOPS (input/output operation per second) tối đa và tối thiểu cho mỗi máy ảo.

- Trước đây, công nghệ Fibre Channel SAN rất khó triển khai trên các hệ thống server ảo. Tuy nhiên, Hyper-V trong Windows Server 2012 R2 đã cho phép tạo các cạc Fibre Channel ảo, giúp thuận tiện trong quá trình triển khai Fibre Channel SAN trên các server ảo.

 

Câu hỏi ôn tập

 

  1. Phát biểu nào sau đây nói không đúng về đĩa cứng định dạng VHDX?
A.     Kích thước đĩa VHDX có thể lớn tới 64 TB.
B.     Chỉ có thể mở các đĩa VHDX bằng Windows Server 2012 R2 và Windows Server 2012.
C.     Các đĩa VHDX hỗ trợ đơn vị cấp phát đĩa (block size) lớn hơn đĩa VHD.
D.     Đĩa VHDX hỗ trợ đơn vị cấp phát đĩa 4-KB.

  1. Với một đĩa cứng ảo kiểu pass-through, yêu cầu nào sau đây là đúng?
A.     Đĩa ảo kiểu pass-through phải được thiết lập chế độ offline trong máy ảo.
B.     Đĩa được sử dụng để làm đĩa ảo kiểu pass-through phải được thiết lập chế độ offline trong partition cha của Hyper-V server.
C.     Đĩa ảo kiểu pass-through chỉ sử dụng cổng kết nối SCSI.
D.     Đĩa ảo kiểu pass-through phải được gắn với máy ảo bằng snap-in Disk Management.

  1. Chức năng Merge (trộn) chỉ xuất hiện trong Edit Virtual Hard Disk với các điều kiện nào sau đây?
A.     Khi bạn lựa chọn một tập tin VHDX để điều chỉnh.
B.     Khi bạn lựa chọn từ hai đĩa trở lên để điều chỉnh.
C.     Khi bạn lựa chọn một đĩa đang có không gian trống bên trong.
D.     Khi bạn lựa chọn một đĩa cứng kiểu differencing để điều chỉnh.

  1. Những lí do nào sau đây cho thấy không nên thực hiện tạo ra checkpoint cho máy ảo? (chọn các đáp án đúng)
A.     Checkpoint tiêu hao một không gian đĩa cứng rất lớn.
B.     Mỗi checkpoint yêu cầu cấp phát thêm một lần bộ nhớ của máy ảo.
C.     Phải mất vài giờ để thực hiện một checkpoint.
D.     Các checkpoint đã có sẽ làm giảm hiệu suất của các máy ảo.

  1. Yêu cầu nào sau đây không cần phải có, khi gắn một cạc Fibre Channel tới một máy ảo trong Hyper-V?
A.     Bạn phải tạo một Fibre Channel Virtual SAN.
B.     Trên máy thật phải có một cạc Fibre Channel.
C.     Bạn phải có một driver của cạc Fibre Channel có hỗ trợ ảo hóa.
D.     Bạn phải có một cáp nối SCSI để kết nối cạc Fibre Channel và thiết bị lưu trữ.
 


------------------------ 
Tham khảo (Lược dịch):
Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
--------------------------- 
Cập nhật 2014/11/24
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (28)

Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (26)

(Tiếp theo của "Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (25)")



Tạo đĩa ảo lưu sự thay đổi (Differencing)




Để tiện trình bày, tạm gọi đĩa lưu sự thay đổi là đĩa đệm. Đĩa đệm là một giải pháp cho phép bạn giữ nguyên trạng thái ban đầu của một đĩa ảo, trong khi bạn vẫn có thể thực hiện các cài đặt hoặc thay đổi nội dung của đĩa ảo đó.


Ví dụ, để tiện lợi cho quá trình cài đặt thử nghiệm, bạn sẽ thực hiện cài đặt một hệ điều hành chuẩn lên một đĩa ảo. Sau đó, bạn sẽ tạo một đĩa ảo mới có tên là đĩa đệm, đĩa đệm này sẽ sử dụng đĩa ảo có cài sẵn hệ điều hành làm đĩa gốc, sau đó, mọi thay đổi bạn thực hiện trên hệ thống sẽ được lưu trên đĩa đệm, nội dung và trạng thái của đĩa ảo gốc được giữ nguyên.

Bạn có thể tạo ra nhiều đĩa đệm cùng trỏ tới một đĩa gốc, điều này cho phép bạn tiết kiệm được thời gian, không gian lưu trữ, do không phải cài đặt lại từ đầu mọi hệ thống.

Các bước để tạo ra đĩa đệm từ đĩa gốc:

  1. Cài đặt và cấu hình máy ảo gốc (máy ảo có chứa đĩa gốc): tạo một máy ảo, trên máy ảo tạo một đĩa ảo, trên đĩa ảo, cài hệ điều hành mong muốn; thực hiện cấu hình, cài đặt các role, feature, dịch vụ cần thiết.
  2. Chuẩn hóa đĩa gốc (Generalize): mở cửa sổ dòng lệnh trong máy ảo gốc, chạy tiện ích Sysprep.exe với các tham số thích hợp theo nhu cầu của bạn. Tiện ích Sysprep sẽ cấp cho hệ điều hành trên máy gốc một định danh bảo mật (SID) mới và duy nhất ở lần khởi động kế tiếp. Điều này cho phép bạn tạo ra nhiều bản sao từ một đĩa gốc ban đầu.
  3. Tạo đĩa gốc: sau khi đã thực hiện chuẩn hóa, bạn không cần sử dụng đến máy ảo gốc nữa. Bạn có thể xóa máy ảo này đi, chỉ để lại tập tin chứa đĩa cứng ảo dạng VHD hoặc VHDX. Đĩa cứng ảo này sẽ trở thành đĩa gốc (parent disk). Bạn mở Properties của tập tin chứa đĩa cứng ảo, thiết lập tập tin đó là chỉ đọc (read-only), để đảm bảo nội dung của đĩa gốc sẽ không bị thay đổi.
  4. Tạo đĩa đệm: sử dụng New Virtual Hard Disk Wizard hoặc lệnh New-VHD trong Windows PowerShell để tạo một đĩa ảo mới kiểu differencing, trỏ đĩa ảo mới này tới đĩa gốc vừa được tạo.
  5. Sử dụng đĩa đệm: tạo một máy ảo mới, trong trang Connect Virtual Hard Disk, chọn mục Use An Existing Virtual Hard Disk để nối máy ảo tới đĩa đệm bạn vừa tạo.

Khi đã có đĩa gốc, bạn có thể tạo ra nhiều máy ảo, sử dụng đĩa đệm, cùng kết nối tới một đĩa gốc. Mỗi máy ảo có thể thực hiện cài đặt, cấu hình các chức năng khác nhau mà không làm thay đổi nội dung của đĩa gốc.

Tại bước 4 ở trên, khi bạn tạo đĩa đệm bằng New Virtual Hard Disk Wizard, trong trang Choose Disk Type, chọn Differencing, hệ thống sẽ mở trang Configure Disk. Trong mục Location, bạn trỏ tới tập tin chứa đĩa gốc. Xem hình minh họa.



Nếu bạn tạo đĩa đệm bằng Windows PowerShell, bạn sẽ sử dụng lệnh New-VHD với tham số -Differencing và tham số -ParentPath. Trong đó tham số -ParentPath sẽ trỏ tới vị trí lưu đĩa gốc.

 

Máy ảo dùng đĩa cứng thật


Trong phần ảo hóa, chúng ta chủ yếu nói về đĩa ảo, nghĩa là máy ảo sẽ tạo và sử dụng đĩa ảo. Tuy nhiên, thực tế, máy ảo cũng có thể truy cập trực tiếp đĩa cứng thật của máy thật.

Loại đĩa ảo mà sử dụng trực tiếp đĩa cứng thật trên máy thật gọi là đĩa pass-through. Khi thực hiện việc gắn một ổ đĩa cho máy ảo, sẽ có phần tùy chọn để bạn kết nối tới đĩa cứng thật.

Khi gắn đĩa thật vào máy ảo, máy ảo sẽ độc quyến sử dụng đĩa thật đó. Nghĩa là, bạn cần phải ngắt, không cho hệ điều hành của máy thật sử dụng đĩa thật này, đĩa cứng được chuyển sang trạng thái ngắt kết nối với máy thật (offline). Sử dụng Disk Management hoặc tiện ích Diskpart.exe để ngắt kết nối đĩa thật trên máy thật. Xem hình minh họa.


Chỉnh sửa đĩa ảo


Windows Server 2012 R2 và Hyper-V cung cấp một số cách, cho phép bạn quản lý và chỉnh sửa các đĩa cứng ảo mà không cần phải gắn chúng tới máy ảo. Một trong các cách đó là sử dụng Edit Virtual Hard Disk Wizard trong Hyper-V Manager. Sau đây là các bước để chỉnh sửa đĩa ảo dạng VHD hoặc VHDX:

  1. Mở Server Manager, chọn mục Tools trên trình đơn, chọn Hyper-V Manager để mở cửa sổ Hyper-V Manager.
  2. Trong khung bên trái, chọn Hyper-V server mà bạn quan tâm.
  3. Trong khung Actions, chọn Edit Disk để chạy Edit Virtual Hard Disk Wizard, trang Before You Begin xuất hiện.
  4. Bấm Next để mở trang Locate Disk.
  5. Gõ đường dẫn hoặc tìm tới tập tin chứa đĩa cứng ảo VHD hoặc VHDX, bấm Next để mở trang Choose Action.
  6. Lựa chọn một trong các mục sau:
- Compact: nén đĩa, giúp giảm kích thước của tập tin lưu đĩa cứng ảo kiểu dynamically expanding hoặc differencing, bằng cách xóa các vùng trống trên đĩa trong khi vẫn giữ nguyên dung lượng đĩa.

- Convert: đổi định dạng của đĩa cứng ảo, thực hiện bằng cách chép dữ liệu của nó tới một đĩa ảo mới.

- Expand: tăng dung lượng đĩa ảo, thực hiện bằng cách tăng thêm không gian lưu trữ cho tập tin đĩa ảo.

- Shrink: giảm dung lượng đĩa ảo, thực hiện bằng cách xóa các không gian đĩa trống trong tập tin chứa đĩa ảo.

- Merge: kết hợp dữ liệu của đĩa cứng kiểu differencing với đĩa gốc (parent disk) của nó để tạo thành một đĩa duy nhất.

  1. Bấm Next để mở trang Completing The Edit Virtual Hard Disk Wizard.
  2. Hoàn thành một số thao tác còn lại theo hướng dẫn của Wizard, bấm Finish để hoàn thành.
Tại trang Choose Action, tại bước 6, các tùy chọn sẽ được hiển thị tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của tập tin đĩa ảo. Ví dụ, tùy chọn Merge chỉ xuất hiện nếu tập tin đang chứa đĩa ảo kiểu differencing, tùy chọn Shrink chỉ xuất hiện nếu đĩa ảo có phần đĩa trống bên trong.

Ngoài việc cho phép chỉnh sửa đĩa ảo bằng Hyper-V Manager, snap-in Disk Management trong máy Hyper-V server còn cho phép bạn kết nối và truy cập nội dung của các đĩa ảo VHD hoặc VHDX giống như là các ổ đĩa vật lý. Các bước để kết nối tới tập tin đĩa ảo VHD:

  1. Mở Server Manager, chọn mục Tools tại trình đơn, chọn Computer Management để mở cửa sổ Computer Management.
  2. Trong khung bên trái, chọn Disk Management để mở cửa sổ Disk Management.
  3. Từ trình đơn Action, chọn Attach VHD để mở cửa sổ Attach Virtual Hard Disk.
  4. Trong mục Location, nhập đường dẫn hoặc tìm tới nơi chứa tập tin của đĩa cứng ảo mà bạn muốn kết nối, bấm OK. Đĩa được kết nối sẽ xuất hiện trong cửa sổ Disk Management.
  5. Đóng cửa sổ Computer Management.
Bây giờ, bạn có thể làm việc với đĩa cứng ảo như một đĩa cứng thông thường. Để ngắt kết nối với đĩa cứng ảo, thực hiện tương tự như khi kết nối, tuy nhiên, tại bước thứ 3 sẽ chọn Detach VHD từ trình đơn Action.

 

Tạo checkpoint


Trong Hyper-V, checkpoint là một khái niệm tương tự với snapshot trong các phiên bản trước Windows Server 2012 R2. Checkpoint cho phép bạn lưu lại trạng thái, dữ liệu và cấu hình phần cứng của một máy ảo tại một thời điểm nào đó.

Checkpoint giúp cho người quản trị có thể đưa máy ảo trở về tình trạng trước đó của nó. Ví dụ, trước khi bạn thực hiện nâng cấp hệ điều hành cho máy ảo, bạn sẽ tạo một checkpoint, trong trường hợp việc nâng cấp bị trục trặc, bạn vẫn có thể đưa máy tính trở về trạng thái trước khi nâng cấp.

Để tạo checkpoint, chọn một máy ảo đang chạy trong Hyper-V Manager, trong khung Actions, chọn mục Checkpoint, hệ thống sẽ tạo một checkpoint và lưu vào tập tin có phần mở rộng là AVHD hoặc AVHDX, tập tin này được lưu trong cùng thư mục chứa tập tin VHD. Khi đó, trong cửa sổ Hyper-V Manager sẽ có thêm mục Checkpoint. Xem hình minh họa.



Checkpoint là một công cụ hữu ích, khi bạn thực hiện các cài đặt thử nghiệm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nó trong môi trường hoạt động thực tế. Ngoài việc tốn không gian đĩa để lưu trữ, checkpoint còn làm chậm việc xử lý của hệ thống lưu trữ.

Không nên sử dụng checkpoint trong các máy ảo có chứa cơ sở dữ liệu, được tạo ra bởi SQL Server, Exchange, hoặc Windows domain controller; vì checkpoint không ghi lại trạng thái của cơ sở dữ liệu, và có thể gây ra lỗi trong quá trình thực hiện.

 

Cấu hình QoS (Quality of Service) cho hệ thống lưu trữ


Trên máy server ảo, thường có nhiều hơn một đĩa cứng ảo đang chạy trên đĩa cứng thật. Do đó, nếu một đĩa cứng ảo nào đó độc chiếm việc đọc/ghi đĩa thì sẽ dẫn tới các đĩa ảo còn lại chạy rất chậm. Để ngăn chặn tình huống này, Windows Server 2012 R2 cho phép bạn kiểu soát QoS (tạm hiểu là đảm bảo chất lượng hoạt động) trên các đĩa cứng ảo.

Trong Hyper-V, tiện ích QoS sẽ cho phép bạn thiết lập số lượng thao tác tối thiểu và tối đa mà một đĩa được phép thực hiện trong một giây (IOPS: input/output operations per second).

Để thực hiện cấu hình QoS cho hệ thống lưu trữ, bạn mở cửa sổ Settings của một máy ảo, mở các mục con của mục Hard Drive, chọn mục Advanced Features để hiển thị trang Advanced Features. Xem hình minh họa.



Đánh dấu chọn vào mục Enable Quality of Service Management, điền số lượng thao tác tối thiểu và tối đa vào hai ô Minimum IOPS và Maximum IOPS tương ứng.
------------------------ 
Tham khảo (Lược dịch):

Craig Zacker, Exam Ref 70-410 - Installing and Configuring Windows Server 2012 R2, Microsoft Press, 2014
--------------------------- 
Cập nhật 2014/11/21
---------------------------
Đọc thêm
Cai dat va cau hinh Windows Server 2012 R2 (27)